Vụ việc “Cô giáo bắt học sinh lớp 3 súc miệng bằng nước giặt giẻ lau vì nói chuyện riêng ở Hải Phòng” đang gây phẫn nộ trong cộng đồng thời gian vừa qua. Cho tới lúc này, người ta đang phải đặt ra câu hỏi rất lớn về đạo đức của nhiều giáo viên khi hàng loạt vụ việc bạo hành thể xác và tinh thần học sinh đang ngày một nhiều.
Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Phó Chủ tịch Ninh Thị Hồng thẳng thắn chia sẻ, hành động bắt học sinh súc miệng bằng nước bẩn giẻ lau là một hành vi vi phạm Luật Trẻ em. Hành động này được nhận định là một dạng hành hạ trẻ em.
Bà Hồng cho hay, dù cô giáo có biện minh mình chỉ bắt học sinh “súc miệng” chứ không “uống” thì hình phạt của cô đã vi phạm đạo đức một cách nghiêm trọng. Nếu đây là hành động của một người bình thường thì đã là vi phạm đạo đức nghiêm trọng, nhưng bản thân cô Hương là một giáo viên mà lại nghĩ được hình phạt như thế này lại càng nghiêm trọng hơn vì cô là một nhà giáo, là một nghề vô cùng cao quý.
Theo Luật Trẻ em 2016, cô Nguyễn Thị Minh Hương đã vi phạm Điều 6, các quy định về hành vi bị nghiêm cấm sử dụng với trẻ em, đó là chưa kể tới hành động của cô trong ngành giáo dục là vi phạm vào quy định việc xử lý vi phạm đối với học sinh. Một hình thức bạo lực tinh thần trẻ mà bất cứ một ai cũng không được phép sử dụng.
“Hội Bảo vệ quyền trẻ em lên án hành động bắt học sinh “súc miệng” bằng nước giặt giẻ lau bảng của cô giáo ở Hải Phòng. Chúng tôi có kiến nghị với các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm vụ việc này để tạo tính răn đe”, vị nữ Phó Chủ tịch bày tỏ quan điểm.
Thế nhưng, ngoài những vi phạm về hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe trẻ em, phải đặt hình phạt của cô Hương vào trong đạo đức để xem xét. Việc sáng tạo một hình phạt vô cùng trái với đạo đức nghề giáo này không chỉ thể hiện khả năng sư phạm của cô Hương yếu kém mà còn phản ánh một nhận thức vô cùng thiển cận và có vấn đề đối với 1 giáo viên tiểu học.
Bà Ninh Thị Hồng đặt ra câu hỏi: “Tôi không hiểu trong quá trình đào tạo, các trường sư phạm ngoài dạy về chuyên môn, có môn nào nói đến đạo đức ứng xử của thầy cô giáo với học sinh hay không, mà để cô giáo có hành vi không thể chấp nhận như vậy?”
Bà cũng đưa ra quan điểm, việc làm của cô Hương không đáng được nhận 1 cơ hội để sửa chữa: “Từ nhận thức mới ra hành động, nhận thức của cô giáo như vậy là không được. Tôi nghĩ không thể cho cô cơ hội nào để sửa chữa lỗi lầm. Cô nên chọn một việc khác, nghề giáo không phù hợp với cô. Đang trong thời gian thử làm một nhà giáo, mà đã vi phạm nghiêm trọng. Tôi nghĩ cần cần chấm dứt hợp đồng lao động với cô. Cô không xứng đáng gọi là nhà giáo.”
Với một nhận thức vô cùng bình thường của một con người có tri thức, ai ai cũng biết nước giặt giẻ lau bảng là bẩn đến mức độ nào. Vậy mà cô Hương lại bắt một học sinh lớp 3 ngậm nước đó vào miệng. Với một em học sinh tiểu học, hình phạt của cô vô cùng dã man và có thể khiến em bị hoảng sợ và nuốt nước vào bụng. Vậy đến khi em học sinh xảy ra vấn đề về sức khỏe, liệu cô Hương có thể chịu trách nhiệm được không?
Vụ việc nêu trên không chỉ là bài học cho riêng một cá nhân cô Hương mà đó còn là bài học đắt giá cho tất cả các giáo viên ở toàn bộ các bậc học. Hình phạt có thể được sáng tạo để răn đe học sinh, đưa các em vào khuôn khổ. Nhưng không vì thế mà giáo viên được quyền sử dụng các hình thức nhục mạ, bạo hành về tinh thần và thể xác của học sinh. Sáng tạo hình phạt không bị cấm trong giáo dục, nhưng sáng tạo thì phải đi kèm với đạo đức chứ không thể cứ sáng tạo bừa rồi sai lại xin lỗi rồi lại kiểm điểm. Nó sẽ mãi làm một vòng tròn luẩn quẩn và ảnh hưởng tới thế hệ tương lai mà khó lòng có thể xóa được.