Mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Ngư- Tượng đài tình mẹ

06:07, Thứ tư 31/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Mẹ không chỉ là người phụ nữ duy nhất của quê hương Bình Thuận được phong tặng dnah hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Mẹ Việt Nam anh hùng mà mẹ Ngư còn là biểu tượng vĩ đại của những bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Lịch sử nhân loại sẽ phải ghi nhận không có nơi đâu trên trái đất này như ở nước Việt Nam, hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm ở thế kỷ XX đã được cả dân tộc tôn vinh gần 45.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng (từ tháng 12/1994 đến hết năm 2001) mà không nơi nào trên trái đất này có danh hiệu cao quý ấy. Một trong những bà mẹ vĩ đại, tuyệt vời ấy là mẹ Phạm Thị Ngư, ở xã Phong Nẫm, Thành phố Phan Thiết.
[links()]
Bóng mẹ lồng cao như biển trời Phan Thiết

Mẹ VNAH Phạm Thị Ngư sinh năm 1912, sinh sống tại xã Phong Nẫm, Phan Thiết. Mẹ Ngư là một trong số ít những bà mẹ Việt Nam anh hùng cả nước được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và là mẹ Việt Nam anh hùng tiêu biểu có 8 người con ruột và một con rể là liệt sĩ.

Mẹ Ngư cũng là người phụ nữ duy nhất ở tỉnh Bình Thuận được Đảng và Nhà nước phong tặng hai danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đức hy sinh cao cả của mẹ dành cho non sông đất nước và độc lập dân tộc mãi mãi được muôn đời ngưỡng vọng.

Mẹ Ngư xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, sau dời về Phong Nẫm sinh sống với nghề làm ruộng và trồng rau củ quả. Cha mẹ mất sớm, từ nhỏ mẹ Ngư phải lao động vất vả để kiếm sống cơ cực như mọi người phụ nữ nghèo tại quê hương Hàm Thuận.

Lớn lên, mẹ Ngư lập gia đình cùng ông Bùi Dinh cũng là thanh niên nghèo khổ, di dân từ Bình Định vào sinh sống tại đây. Vợ chồng mẹ Ngư sinh được 8 người con cả trai lẫn gái. Bình Thuận là vùng đất giàu truyền thống yêu nước.

Mảnh đất từng là nơi hội tụ và dung dưỡng nhiều chí sĩ cách mạng và các nhà nho yêu nước từ đầu thế kỷ XX. Trong số ấy có Phan Chu Trinh, Nguyễn Thông, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Qúy Cáp…và Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) cũng từng dừng chân dạy học tại trường Dục Thanh.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nỗ, Bình Thuận là một trong những đia phương có phong trào khá mạnh. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, gia đình mẹ Ngư là cơ sở của cách mạng rất vững chắc. Cả hai vợ chồng mẹ Ngư đều hăng hái tham gia các đoàn thể cứu quốc của mặt trận Việt Minh thành lập.

Ảnh mẹ Ngư chụp năm 1995
Ảnh mẹ Ngư chụp năm 1995

Mẹ Ngư còn là tổ trưởng Tổ phụ nữ chuyên vận động bà con nhân dân quyên góp tiền bạc, thuốc men, lương thưc, thực phẩm ủng hộ bộ đội kháng chiến. Một cân gạo, hộp thuốc sốt rét, kí lô bột ngọt, bịch muối cung cấp cho bộ đội ngày đó quý giá vô cùng.

Đôi khi phải đánh đổi bằng tù đày, máu xương. Nhà mẹ Ngư ngày đó, còn là nơi ẩn náu của các chiến sĩ cảm tử đội Phan Thiết dưới hầm bí mật và còn là đầu mối liên lạc của cán bộ hoạt động hai vùng du kích và sau lưng địch.

Tháng 10/1945, quân Pháp ở Sài Gòn ra đánh chiếm tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Mặt trận miền Đông bị vỡ, lực lượng ở đây rút ra Bình Thuận. Trong khi đó, lực lượng Nam tiến ở các tỉnh phía Bắc tiếp tục vào các huyện Hàm Thuận, Hàm Tân, Phan Thiết là nơi hội tụ các lực lượng, nên một số nơi ở huyện Hàm Tân gặp nhiều khó khăn về chổ ở, lương thực, bộ đội ta đã dùng vũ lực ép chính quyền địch tiếp tế.

Bình Thuận vốn là vùng đất hội tụ dân cư khắp 3 miền đất nước, là nơi hội tụ của nhiều người yêu nước đứng lên chống giặc ở nhiều địa phương. Và như một sự sắp đặt của lịch sử, Bình Thuận đã trở thành nơi hội tụ các đoàn quân Nam tiến, đại diện cho lực lượng cả nước ủng hộ Nam bộ đánh giặc Pháp, thể hiện khí thế cả nước ra quân chống quân xâm lược.

Từ gậy tầm vông, từ dao mã tấu, nhân dân Bình Thuận cùng nhân dân miền Nam đã đứng dậy kháng chiến chống Pháp. Năm 1952, người con cả là Bùi Văn Thành tròn 18 tuổi, mẹ Ngư bàn với chồng đưa con gia nhập “Bộ đội cụ Hồ”. Ở bộ đội, anh Thành chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công và năm 1954 tập kết ra Bắc.

Tám lần tiễn con đi, tám lần khóc thầm lặng lẽ...

Trong cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, Bình Thuận là mảnh đất gánh chịu rất nhiều bom đạn kẻ thù trút xuống. Các khu căn cứ Tam giác sắt Hàm Thuận và khu Lê Hồng Phong trở thành những cụm pháo đài bất khả xâm phạm nên đêm ngày Mỹ - Ngụy dùng hỏa lực mạnh hòng tiêu diệt, càn quét thường xuyên.

Sau phong trào Đồng Khởi khắp miền Nam, giặc tìm đủ mọi cách lôi kéo, dồn dân lập ấp chiến lược khắp các vùng ven đô và nông thôn. Nhưng cho dù bọn giặc hung ác, bạo tàn đến đâu vẫn không thể ngăn được lòng dân Bình Thuận theo cách mạng và diệt Mỹ.

Dưới chế độ Mỹ – Ngụy, sống cảnh cá chậu chim lồng, mẹ Ngư vẫn một lòng tin tưởng cách mạng, tin tưởng ngày độc lập, mẹ vững lòng nuôi dạy con cái theo chí hướng của mình.

Năm 1960, người chồng bất hạnh qua đời, một mình mẹ tiếp tục cáng đáng công việc đồng áng và nuôi dạy con nên người. Năm 1961, nối được liên lạc với cơ sở cách mạng, mẹ Ngư đưa đứa con thứ hai là Bùi Văn Trung lên căn cứ tham gia công tác ở huyện và cùng các con còn lại làm cơ sở bí mật ở vùng ven.

Thời bấy giờ, thanh niên đến tuổi 17-18 lập tức bọn tay sai lùng bắt đi quân dịch. Chính vì phải đi lính, làm tay sai cho giặc bắn giết đồng bào, chiến sĩ của mình nên hầu hết thanh niên (kể cả nữ thanh niên) đều sớm thoát ly gia đình vào căn cứ tham gia kháng chiến khi mới 15-16 tuổi.

Tháng 5/1961, anh Bùi Văn Thành người con trai lớn của mẹ Ngư trở về quê hương chiến đấu và anh dũng hy sinh trong một trận đánh ác liệt. Nghe tin con hy sinh như sét đánh bên tai, có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người mẹ mất con…

Nhưng với bản lĩnh kiên cường và lòng căm thù giặc sâu sắc, mẹ Ngư đã nén đau thương, quyết chí dần hết tinh thần nghị lực để làm tốt nhiệm vụ cao cả mà cách mạng đã giao và động viên 6 đứa con còn lại lần lượt đường chiến đấu chống Mỹ - Ngụy, cứu nước, cứu quê hương.

Và tất cả những người con của mẹ Ngư đã lần lượt ngã xuống trên mảnh đất quê hương Bình Thuận cho đến ngày giải phóng đất nước, quê hương. Những chiến sĩ gang thép con trai và rễ của mẹ Ngữ đã vĩnh viễn không về với mẹ như người anh lớn Bùi Văn Thành, đó là  các anh chị:

Bùi Văn Trung, Bùi Văn Tài, Bùi Văn Tú, Bùi Văn Mười, Bùi Thị Mười Em, Bùi Thị Luyến. Mỗi lần nhận được tin con hy sinh, mẹ lại nén nỗi đau thương vô bờ bến. Nỗi đau dâng tràn như nước biển Thương Chánh, Mũi Né. Lòng căm thù giận dữ dâng trào như những cơn sóng biển những ngày bão tố, cuồng phong.

Trời xanh, biển xanh đã ôm các con của mẹ vào lòng quê biển, để lại những nỗi đau kết tinh và chai sần trong trái tim Mẹ. Nhưng nỗi đau ấy, không thể quật ngã ý chí sắt thép kiện cường của mẹ Ngư. “Nếu phải còn có cháu, con lúc đó mẹ vẫn biểu tụi nó đi đánh giặc Mỹ”- Lời mẹ nói ngày đó như hằn in trong ký ức của tôi như một lời thề “Sát Thát” của tổ tiên ngày xưa.

Vì không thể nào hiểu được nỗi đau thương, hy sinh vĩ đại của những người phụ nữ bất khuất, những người mẹ Việt Nam vĩ đại như mẹ Thứ, mẹ Rành, mẹ Tư, mẹ Mít…nhưng tôi có thể hiểu khát vọng hòa bình, độc lập tự do là vô cùng to lớn nên những người mẹ đã không ngần ngại dâng hiến cho hòa bình dân tộc những người con trai, con gái.

Nhà tôi cách nhà mẹ Ngư vài cây số, nơi có ba chị em ruột là ba bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Hai, Bùi Thị Dị và Bùi Thị Sáu. Nội tôi cũng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hầu như nhà nào ở quê tôi cũng đều có bàn thờ liệt sĩ. Hầu như gia đình nào của quê hương anh hùng Hàm Thuận cũng có những người mẹ anh hùng.

Do đặc thù của vùng giáp ranh, Tam giác sắt trở thành một chảo lửa, một túi bom của kẻ thù trút xuống. Ban đêm người dân như mẹ Ngư sống trong ấp chiến lược, nhưng ban ngày tự do quay về đất cũ làm ăn nên giữa hai làn ranh bom đạn ấy, những mất mát, hy sinh là chuyện thường ngày.

Nước mắt mẹ không còn để khóc những đứa con

Những nỗi đau của mẹ Ngư khi nghe hung tin về các con trai, con gái của mẹ hy sinh, tưởng chừng như làm mẹ suy sụp, không thể gượng đứng lên được nỗi. Đau, thì má có đau, đau đớn tột cùng khi những núm ruột mẹ sinh thành đã lìa xa vĩnh viễn.

Nhưng nếu vì đau thương tang tóc, mất con mà mẹ phải gục đỗ hay đầu hàng giặc thì không bao giờ có. Mẹ biết các con của mẹ hy sinh vì chính nghĩa, vì độc lập, hòa bình nên sự hy sinh ấy là niềm tự hào.

Đêm buồn thui thủi trong căn nhà nhỏ, nghe tiếng đại bác từ đồn Mương Mán, Tà Zôn, Ma Lâm nã từng tiếng vào cánh rừng phía Tây, lòng mẹ lại bồn chồn không yên. Mẹ lặng lẽ đến bên bàn thờ đốt nhang cho chồng con với mong muốn cầu trời phật để cho các con trai gái của mẹ bình yên.

Nhưng chiến tranh ác liệt thì mọi sự bình yên chỉ là tạm thời. Chỉ là những khoảnh khắc hiếm hoi của tiếng chim hót sau những trận bom pháo dập dồn. Chỉ là những tia nắng len lỏi xen kẽ trong những cành lá ngụy trang, chỉ là sự yên lặng của những con sóng biển hiếm hoi vào sớm ban mai vỗ bờ…

Cả nước vào cuộc chiến mùa xuân Mậu Thân 1968, mẹ Ngư làm một nữ giao liên xông xáo đưa đường chỉ lối cho bộ đội tấn công nhiều cứ điểm quân địch và vận động đồng bào tiếp tế cứu chữa thương binh.

Kinh nghiệm lãnh đạo đấu tranh của mẹ được tích lũy từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp và từ những đau thương mất mát mà các con của mẹ đã hy sinh. Đau thương và căm thù giặc đã trui rèn thêm ý chí sắt thép như thành đồng của mẹ Ngư.

Có hôm đang cầm dở chén cơm định ăn qua loa, hay tin báo đưa đường cho đội cảm tử tiếp cận mục tiêu chiến đấu trong nội đô, mẹ bỏ chén lao đi quên cả đói. Bản thân mẹ đã tìm cách giải thoát 2 nữ chiến sĩ bị địch bắt và móc nối cơ sở đưa ra vùng căn cứ an toàn.

Từ năm 1969 trở đi, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, địch đánh phá vùng ven rất ác liệt. Cán bộ bên ngoài không bám trụ được bên trong vì chúng giăng nhiều cạm bẫy, tai mắt chó săn và thường xuyên mở các đợt càn quét, bố ráp. 

Trước tình hình đó, mẹ Ngư tích cực hoạt động như con thoi đi về, chắp nối liên lạc giữa cán bộ bên ngoài và cơ sở nội thị và thức đêm canh gác để cán bộ đào hầm bí mật ngay trong vườn nhà mình làm nơi trú chân hoạt động.

Với hai chiếc hầm bí mật được mẹ hết lòng bảo vệ, tiếp tế cơm nước, nhà mẹ trở thành nơi chỉ đạo củng cố cơ sở, phát triển phong trào ở vùng ven. Mặc dù đời sống thiếu thốn, mẹ vẫn dành gạo nuôi cán bộ, du kích, trong đó có liệt sĩ Đặng Văn Lãnh sau này được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang.

Mỗi lần nhớ đến hình ảnh mẹ Ngư, tôi lại nhớ đến hình ảnh người mẹ trong phim “Đào hầm từ thuở tóc còn xanh, nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc”, khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu vô ngần của mẹ, ánh mắt sáng nhìn ấm áp vô cùng, phong thái ung dung, thư thả như một bà tiên trong câu chuyện cổ tích ngày xửa, ngày xưa.

Có cảnh trong phim bà mẹ ngoáy trầu nhai bỏm bẻm, bọn địch đang tiến đến ngày một gần. Bộ đội đang phục kích, đạn lên nòng sốt ruột hỏi mẹ mấy lần “bắn chưa má ?”. Mẹ bình thản ngoáy trầu nhai bỏm bẻm, mắt không rời từng bước chân địch đến rất gần, rất gần…đến câu hỏi lần thứ 5 của anh bộ đội trẻ vừa dứt, mẹ ngưng chìa vôi ngoáy trầu ra lệnh dứt khoát: “Bắn!”.

Cự ly chỉ còn chưa đầy 10 mét, toàn bộ lính Mỹ bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn. Như câu chuyện cổ tích đánh giặc kể về má Năm Trầu (anh hùng đại tá Hồ Thị Bi), mẹ Ngư cũng như vậy. Cũng đào hầm, chỉ huy đánh giặc với cơi trầu bên cạnh. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng của thời đại chống Pháp và chống Mỹ trên đất nước đều như thế, từng là nỗi khiếp sợ của kẻ thù.

Trước sự bao vây kìm kẹp của địch và bọn chó săn, gián điệp, mật thám rất dày đặc khắp nơi nơi, nhưng bọn chúng không bao giờ ngờ được người phụ nữ chất phác hiền lành lại là một chỉ huy đường dây mật báo, liên lạc.

Suốt 7- 8 năm liền, bằng nhiều cách mưu trí khôn khéo, mẹ Ngư cùng bà con cơ sở chuyển ra vùng căn cứ giải phóng nhiều tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men tiếp tế cho cách mạng, góp phần đáng kể vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ ở địa phương.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ngày 6/11/1978, mẹ Phạm Thị Ngư đã được Quốc hội và Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và ngày 11/7/1985 được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng huân chương Độc lập hạng Nhất, huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất.

Với thành tích hy sinh, cống hiến 7 người con thân yêu cho nền độc lập tự do của Tổ quốc, ngày 17/12/1994, mẹ Ngư được Nhà nước phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Ngư qua đời năm 2002, miền cực lạc xa xôi sẽ đón mẹ về với các con liệt sĩ và chồng mẹ.

Nỗi buồn mang tên mẹ Ngư

Thành phố biển Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận ngày nay, là một địa điểm du lịch nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước. Kinh tế xã hội của Bình Thuận đang phát triển mạnh, cuộc sống người dân có rất nhiều thay đổi khấm khá từng ngày, với nhiều sản phẩm du lịch, hải sản, thanh long…trở thành thương hiệu quốc gia, quốc tế.

Nhưng dường như vẫn còn thiếu một thứ, một thứ rất đáng phải có, đó là một tượng đài dành cho mẹ Ngư, một con đường mang tên mẹ Ngư, bà mẹ anh hùng tiêu biểu cho những đức tính vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Mẹ không chỉ là người phụ nữ duy nhất của quê hương Bình Thuận được phong tặng dnah hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Mẹ Việt Nam anh hùng mà mẹ Ngư còn là biểu tượng vĩ đại của những bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Thời gian đã trôi qua hơn 37 năm kể từ ngày độc lập, hòa bình, trôi qua 10 năm kể từ ngày mẹ đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng chưa ai nghĩ đến mẹ Ngư với tượng đài, con đường mang tên mẹ. Bình Thuận cần lắm một tượng đài vĩ đại dành cho mẹ Ngư anh hùng và trở thành một biểu tượng cao quý, một điểm nhấn cho du lịch lịch sử, tâm linh, về nguồn đầy tự hào của quê hương Bình Thuận anh hùng.

Một tượng đài có chiều cao tầm cỡ, nghệ thuật đặc sắc thể hiện đức hy sinh cao cả của mẹ và những người con bất tử. Thành phố Phan Thiết có những tượng đài: Trần Hưng Đạo, tượng đài Chiến Thắng, tượng Bác Hồ ở trường Dục Thanh, có đài nước biểu tượng Phan Thiết và nhiều tượng Phật Đài, bia đá lịch sử…

Nhưng buồn làm sao, chưa có tượng đài mẹ Ngư, chưa có một đại lộ mang tên người mẹ anh hùng, vĩ đại: Mẹ Ngư.

  • Nam Yên
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc