Mẹo làm sạch bệ và nắp bồn cầu bị ố vàng
Bồn cầu là vật dụng được mọi người sử dụng thường ngày, là nơi chứa nhiều vi khuẩn, có thể gây ra mùi hôi trong nhà nên cần được vệ sinh thường xuyên. Sau một thời gian sử dụng, phần nắp và bệ bồn cầu có thể ngả màu ố vàng.
Để làm sạch các phần ố vàng ở đây, bạn có thể áp dụng cách sau đây.
Đầu tiên, bạn cần chọn sản phẩm làm sạch phù hợp. Tiện dụng nhất là sử dụng các loại dung dịch làm sạch bồn cầu được bán sẵn trên thị trường. Tuy nhiên, nếu lo ngại về việc hóa chất có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn có thể sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như giấm trắng, chanh tươi, muối, baking soda.
Việc cọ rửa các vết bẩn ở bồn cầu thường không đạt hiệu quả tốt do thời gian để chất tẩy rửa trên bề mặt bồn cầu quá ngắn. Nếu sử dụng các dung dịch tẩy rửa bán sẵn, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Nếu sử dụng giấm/chanh, bạn phải để những chất này lưu lại trên bề mặt bồn cầu tối thiểu 10 phút.
Đổ dung dung dịch làm sạch mà bạn chọn lên bề mặt cần làm sạch và chờ vài phút.
Sau đó, dùng giẻ hoặc bàn chải để cọ rửa. Trong quá trình này, hãy mang găng tay và đeo khẩu trang.
Tiếp đến, hãy trộn 1/4 cốc baking soda với 1/2 cốc giấm hoặc nước ấm, trộn đều để tạo thành hỗn hợp dạng sệt. Bôi hỗn hợp này lên các vết bẩn trên bồn cầu và để khoảng 20 phút.
Bước tiếp theo, bạn sẽ dùng bàn chải đề chà bồn cầu một lần nữa. Chà đến đâu lấy nước ấm dội đến đó. Nước ấm sẽ phát huy hiệu quả làm sạch tốt hơn nước lạnh.
Khi đã chà rửa toàn bộ bề mặt của bồn cầu, hãy sử dụng nước để rửa trôi toàn bộ các cặn bẩn.
Như vậy, bồn cầu sẽ trở nên sáng sạch, phần nắp và bệ có màu ố vàng cũng sẽ sáng hơn.
Lưu ý, bồn cầu đã sử dụng lâu ngày, ít vệ sinh thì khả năng làm sạch càng thấp. Ngoài ra, chất lượng bồn cầu thấp thì khả năng bám bẩn sẽ cao và việc làm sạch các vết bẩn cũng trở nên khó khăn hơn. Trường hợp phần nắp bồn cầu ố vàng nghiêm trọng, không thể làm sạch bằng các chất tẩy rửa thông thường, bạn có thể tham khảo phương án thay phần nắp mới.
Một số lưu ý khác khi sử dụng bồn cầu
- Đóng nắp bồn cầu khi xả nước và khi không sử dụng
Nhiều người có thói quen mở nắp bồn cầu mọi lúc. Tuy nhiên, đây là điều không nên, đặc biệt là khi ấn nút xả nước. Nếu mở nắp bồn cầu trong lúc xả nước, các chất bẩn, vi khuẩn có thể theo các giọt nước li ti bắn lên không trung, phân tán trong không khí, bám vào các đồ dùng xung quanh và rơi vào chính cơ thể bạn.
Trong lúc không sử dụng, bạn cũng nên đóng nắp bồn cầu để ngăn mùi hôi phát tán.
- Sử dụng thùng rác có nắp đậy
Đối với nhà tắm, nhẹ vệ sinh, bạn nên sử dụng loại thùng rác có nắp đậy. Nếu thùng rác không có nắp, các vi khuẩn sản sinh trong môi trường ẩm ướt rất dễ phát tán trong không khí, đồng thời gây ra mùi hôi khó chịu. Bạn cũng nên làm sạch thùng rác trong nhà vệ sinh mỗi ngày để tránh vi khuẩn phát triển mạnh, tránh mùi hôi.
- Mở cửa/quạt thông gió
Để nhà vệ sinh, phòng tắm được sạch sẽ, bạn nên thường xuyên mở cửa thông gió, bật quạt thông gió để giảm bớt độ ẩm trong phòng, giảm mùi hôi.