Làm mất mùi hôi của thịt
Muốn để thịt heo không còn mùi hôi chị em cần chuẩn bị 1 củ hành khô với 1 ít rượu trắng. Sau đó, đập dập hành khô. Thịt rửa thật sạch dưới vòi nước, sau đó thả miếng thịt heo vào nồi nước cùng củ hành đập dập phía trên vào. Sau đó, luộc cho đến khi thịt chín. Mùi thơm của hành khô sẽ khử mùi hôi của thịt.
Ngoài ra, sau khi luộc thịt chín, có thể cho thêm vào nồi vài giọt rượu trắng rồi vớt thịt ra để ráo nước, thịt sẽ không còn mùi hôi nữa mà sẽ thơm ngon hơn. Đồng thời, việc hớt bọt thường xuyên sẽ làm cho nước luộc trong, từ đó làm thịt sạch và đỡ hôi hơn.
Để thịt luộc được trắng đẹp
Muốn thịt heo trắng đẹp, không thâm sau khi luộc thì trong quá trình luộc, chị em hãy cho ít muối và vài giọt dấm vào nồi nước. Sau đó, thả miếng thịt vào, đun sôi, để nước sôi khoảng 3 phút rồi vớt thịt ra, đem rửa thịt lại bằng nước ấm cho thật sạch. Sau đó đun sôi một nồi nước khác và bỏ miếng thịt vào luộc cho đến khi chín. Thịt sẽ trắng đẹp, bày ra đĩa vô cùng hấp dẫn.
Làm thịt không bị khô sau khi luộc
Thường thịt sau khi luộc xong hay bị khô, khiến món ăn mấy đi độ ngậy, không còn độ hấp dẫn. Do đó, chị em lưu ý, nếu muốn thịt không bị khô sau khi luộc thì khi nước đã sôi khoảng 10 phút bạn dùng đũa tre để thử thịt, nếu thịt còn chảy ra nước màu hồng thì tiếp tục đun khoảng 5 phút nữa, còn nếu thịt đã chín thì chiếc đũa sẽ xuyên qua thịt một cách rất dễ dàng. Lúc này, vớt thịt ra. Thịt chỉ nên luộc khi vừa chín tới sẽ ngon và mềm, ngọt chứ không bị khô.
Lưu ý khi lựa chọn thịt lơn
Thịt tươi: Mặt ngoài có lớp màng khô, bề mặt hơi se lại. Ở mặt cắt của thịt có màu hồng sáng, bì mềm mại, thớ thịt săn, độ đàn hồi tốt (lấy ngón tay ấn vào thịt khi buông ra không để lại vết móng tay). Mỡ có màu sáng, độ chắc, có mùi thơm đặc trưng. Mặt khớp xương láng và trong, dịch hoạt trong. Tuỷ bám chặt vào thành ống tuỷ, đàn hồi.
Thịt ôi: Mặt ngoài miếng thịt bắt đầu nhớt, hoặc nhớt nhiều (tuỳ mức độ ôi), mặt cắt hơi ướt, độ dàn hồi kém (ấn ngón tay vào thịt khi buông ra còn để lại vết lõm tay). Mỡ tối màu, độ chắc giảm, có mùi ôi. Mặt khớp xương có nhiều nhớt, dịch hoạt đục. Tuỷ dễ tróc ra khỏi ống, màu sắc đã tối hoặc nâu.
Thịt lợn già hoặc lợn nái: Thớ thịt nhão có màu đỏ sẫm, da dầy.
Thịt lợn bệnh: Thớ thịt nhão, mỡ vàng hoà trong thớ thịt có thể có hạt trắng đục. Trong gan bầu dục có những chấm nhỏ. Bì lợn có thể có những mảng xuất huyết tròn hoặc bầu dục. Có thể bì không còn nguyên vẹn, bị khoét từng đám (do cắt bỏ ung nhọt hoặc màng xuất huyết).
Không nên mua thịt lợn quá già hoặc quá non. Chỉ nên mua loại thịt lợn vừa lứa có màu hồng, bì mỏng. Thịt nạc có 2 loại: thịt thăn và thịt nạc mông. Thịt thăn ngon hơn, xào nấu ngọt nhưng nêu để quá lửa sẽ bã và khô. Thịt nạc mông mềm hơn.
Với chân giò, nên chọn mua chân giò sau vì có nhiều thịt và bì mềm.
Nếu mua mỡ lợn để rán lấy nước thì chọn mỡ lá to, màu hơi trắng hồng.