Thông thường, khi nấu lẩu tại nhà, mọi người sẽ sử dụng xương, thịt, cá... hầm trong nhiều giờ để có phần nước dùng ngọt, thơm ngon. Nước ninh từ dùng các loại xương, thịt kết hợp với các loại gia vị tạo ra độ thơm béo cho món lẩu.
Tuy nhiên, việc ninh xương sẽ mất nhiều thời gian và phần nước dùng sẽ béo, nhiều mỡ, dễ gây cảm giác ngấy đối với một số người.
Nếu không muốn mất nhiều thời gian ninh xương và muốn có phần nước dùng ngọt thanh, không bị béo ngậy, nhiều mỡ, bạn có thể tham khảo các cách nấu nước lẩu sau.
- Sử dụng nước dừa để nấu nước lẩu
Bạn có thể dùng nước dừa để làm nước nhúng lẩu. Nước dừa có vị ngọt thanh tự nhiên rất phù hợp để làm nước lẩu. Bạn có thể dùng nước của 2-3 quả dừa tươi đổ vào nồi, thêm nước lạnh, nêm nêm các loại gia vị cần thiết (tùy theo loại lẩu mà bạn muốn ăn) là được. Đun sôi nước và nhúng thực phẩm như khi ăn lẩu bình thường. Có thể cho thêm cùi dừa để tăng độ thơm, béo của nước dùng.
Khi nhúng các loại thịt, phần nước dùng sẽ có thêm độ ngọt béo.
- Sử dụng quả lê hoặc quả mắc cọp để nấu nước lẩu
Quả lê, quả mắc cọp tạo vị ngọt tự nhiên, được dùng nhiều trong các món canh, món hầm. Bạn cũng có thể dùng các loại trái cây này để nấu nước lẩu.
Gọt vỏ, cắt lê/mắc cọp thành các miếng vừa phải rồi cho vào nồi. Thêm một lượng nước vừa đủ, thêm gia vị cần thiết và nấu lên. Nấu đến khi thấy miếng lê/mắc cọp chín mềm, phần nước dùng có vị ngọt thanh là được.
Lúc dùng, bạn chỉ cần lọc nước dùng qua rây để bỏ phần xác của trái cây.
- Nấu nước lẩu từ các loại rau củ
Bạn có thể chọn các loại rau củ như hành, tỏi, cà chua, cà rốt, su hào, su su, hành tây, ngô ngọt, bắp cải, củ cải... để nấu nước dùng lẩu.
Các loại rau củ này cần được rửa sạch, cắt miếng vừa và cho vào nồi. Để các nguyên liệu không bị nát trong quá trình hầm làm nước dùng không được trong, bạn có thể đem chúng đi xào sơ với một chút dầu. Sau đó, đổ nước ngập nguyên liệu, thêm các loại gia vị cần thiết và ninh lửa nhỏ cho đến khi các nguyên liệu chín mềm.
Trước khi dùng, bạn có thể lọc lại phần nước để nước được trong hơn.
Nước lẩu từ các loại rau củ quả sẽ có độ trong và vị ngọt thanh. Tùy theo sở thích, bạn sẽ nêm thêm các loại gia vị cho phù hợp.
Với nước dùng rau củ, bạn có thể nấu một lần với số lượng nhiều (nhưng không nên gia vị) để dùng dần. Sau khi ninh nước dùng, bạn chỉ cần để nước nguội, đổ vào hộp và bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần. Nước dùng này phù hợp với rất nhiều món như cháo, mì, phở... Ưu điểm của các loại nước lẩu nấu từ nước dừa, các loại rau củ, trái cây này là những người ăn chay cũng có thể dùng được.
Ngoài ra, nếu định dùng tôm để nhúng lẩu, bạn có thể bóc phần vỏ tôm và đầu tôm để ninh cùng các loại rau củ để làm nước lẩu.
Nếu muốn nước lẩu có vị chua, hãy thêm me, sấu, dứa xanh, khế chua hoặc giấm tùy sở thích.