Các món rau luộc
Rau luộc là món đầu tiên mà bạn nên ngâm trong nước đá lạnh trước khi bày vào đĩa. Đây là cách giúp rau giữ được màu xanh và độ giòn ngọt.
Đầu tiên, bạn sẽ đặt nồi nước lên bếp, thêm chút xíu muối và dầu ăn để rau được bóng đẹp (nếu muốn dùng nước rau luộc làm canh thì có thể không có dầu ăn). Khi nước sôi, hãy bỏ rau vào nồi và đảo đều. Tùy theo loại rau mà điều chỉnh thời gian luộc cho phù hợp. Lưu ý, lượng nước trong nồi phải đủ ngập rau thì rau mới chín đều và không bị thâm đen.
Khi rau chín, vớt ra rau thả vào bát nước đá lạnh vài phút cho rau nguội. Tiếp đó, vớt rau ra rổ để ráo nước rồi mới xếp vào đĩa.
Các món thịt luộc
Với các món thịt luộc, bạn cũng nên ngâm thịt đã chín trong nước đá lạnh.
Trước khi luộc thịt, bạn nên rửa thịt với nước muối hoặc muối hạt, chanh/giấm để loại bỏ bụi bẩn và khử mùi hôi. Sau đó, đặt một nồi nước lên bếp, cho thịt vào luộc sôi vài phút thì nhấc nồi ra. Đổ bỏ phần nước luộc ban đầu, rửa lại miếng thịt. Bước n ày giúp thịt thơm hơn, bớt mùi hôi.
Tiếp đó, đặt nồi nước lên bếp, cho thịt và một số loại gia vị phù hợp (thường là muối, hành khô, gừng, sả... tùy theo món). Bật bếp và nấu lửa lớn cho nước sôi. Vớt phần bợt để nước luộc được trong và thơm hơn. Vặn lừa vừa và tiếp tục luộc. Tùy theo loại thịt, kích thước miếng thịt, bạn có thể điều chỉnh thời gian luộc cho phù hợp.
Để kiểm tra xem thịt đã chín chưa, bạn có thể lấy đũa hoặc que nhọn chọc vào miếng thịt. Nếu không thấy nước hồng chảy ra tức là thịt đã chín. Hãy tắt bếp và đậy vung nồi ủ thêm khoảng 5-10 phút cho thịt ngậm nước và không bị khô (với những món như tai heo luộc, chân gà luộc thì không cần bước này mà nên vớt ra ngay để tránh làm mất độ giòn của món ăn).
Trong lúc đó, chuẩn bị một bát nước đá lạnh, có thể vắt thêm một ít nước cốt chanh để thịt được thơm và trắng hơn. Vớt thịt đã luộc chín ngâm trong nước đá lạnh đã chuẩn bị cho tới khi nguội thì vớt ra.
Nếu chưa ăn ngay, bạn có thể bọc kín miếng thịt bằng màng bọc thực phẩm rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh khoảng 2-3 tiếng. Nhiệt độ thấp sẽ giúp miếng thịt chắc hơn, phần da săn lại, giòn hơn. Với thịt gà, thịt vịt, việc ngâm nước đá cho thịt nguội rồi mới chặt sẽ giúp miếng thịt chặt ra được vuông vắn hơn, không bị nát.
Luộc lòng lợn, dạ dày lợn
Lòng lợn luộc, dạ dày lợn luộc là những món ăn dân dã được nhiều người yêu thích. Các phần nội tạng này sẽ trắng hơn và có được độ giòn sần sật nếu bạn đem ngâm trong nước đá sau khi luộc chín.
Lòng, dạ dày lợn nên lựa những miếng có màu sắc tươi hồng, có độ đàn hồi tốt, không bị hôi tanh hay có mùi bất thường. Đem rửa với nước sạch, muối, gừng hoặc giấm nhiều lần để loại bỏ các chất bẩn và khử mùi hôi.
Đối với lòng non, bạn nên đun sôi nồi nước, thêm ít gừng và sả đập dập cho thơm. Khi nước sôi mới thả lòng vào. Dùng đũa nhận chìm xuống nước. Khi nước sôi, lòng se lại thì luộc thêm khoảng 2 phút rồi vớt ra ngâm vào âu nước đá kèm vài lát chanh.
Dạ dày cũng luộc theo cách tương tự. Khi nước sôi thì cho dạ dày vào luộc. Nước sôi trở lại khoảng 1,5 phút thì vớt ra ngâm vào bát nước đá môt lúc cho nguội bớt. Sau đó, tiếp tục vớt dạ dày ra và bỏ vào nồi nước để luộc tiếp. Lặp lại việc luộc và ngâm nước đá khoảng 3 lần là dạ dày sẽ chín tới, giữ được độ giòn.
Trứng luộc
Với món trứng luộc, bạn cũng nên chuẩn bị một âu nước đá bên cạnh để ngâm trứng ngay sau khi luộc. Đặc biệt, nếu muốn luộc trứng lòng đào, bạn càng cần biết kỹ thuật này.
Nếu để trứng trong tủ lạnh, hãy bỏ trứng ra ngoài trước vài phút cho trứng trở về nhiệt độ phòng. Làm như vậy, trứng sẽ không bị vỡ khi luộc.
Đun sôi một nồi nước rồi nhẹ nhàng thả trứng vào nồi. Dùng muôi khuấy đều theo vòng tròn để lòng đỏ trứng nằm ở giữa. Tùy sở thích mà bạn có thể điều chỉnh thời gian luộc cho phù hợp. Nếu muốn ăn trứng lòng đào chảy nhẹ thì luộc 6 phút tính từ lúc nước sôi trở lại; nếu muốn ăn trứng chín tới, lòng đỏ vẫn giữ được độ dẻo mềm thì luộc 7 phút; nếu muốn trứng chín hoàn toàn thì luộc 10 phút.
Sau khi đủ thời gian, hãy vớt trứng ra ngâm vào bát nước lạnh. Nhiệt độ thấp sẽ giúp hạ nhiệt cho trứng, làm trứng không bị chín quá và cũng dễ bóc vỏ hơn.