Cây khế là loại cây ăn quả quen thuộc đối với người Việt. Nhiều gia đình trồng cây này không chỉ để lấy quả mà còn để làm cảnh, lấy bóng mát. Cây khế khá dễ trồng, việc chăm sóc cũng đơn giản. Người ta không chỉ thu hoạch quả khế để làm trái cây ăn trực tiếp, làm mứt mà phần lá khế cũng được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian trị mụn nhọt.
Thời điểm tốt nhất để trồng cây khế
Đối với khí hậu miền Bắc có mùa đông lạnh, thời điểm tốt nhất để trồng cây khế là vào vụ xuân, khoảng tháng 2, tháng 3. Ngoài ra, có thể trồng cây vào vụ thu, khoảng tháng 8 đến tháng 10.
Chọn giống khế
Với cây khế ngọt, bạn có thể chọn phương pháp chiết cành hoặc ghép để tạo cây con. Khi chọn cây giống, phải lựa cây phải cao trên 50 cm, khỏe mạnh và không có dấu hiệu sâu bệnh.
Đất trồng, ánh sáng
Nên chọn loại đất nhiều mùn, tơi xốp và dễ thoát nước. Nếu trồng cây trong chậu thì phải lựa loại chậu có thể thoát nước, tránh tình trạng rễ cây bị úng và bị thối.
Nhiệt độ tốt nhất để cây khế ra quả ở khoảng 22-25 độ C. Do đó, những đợt thu hoạch vào cuối thu, quả khế thường có chất lượng tốt nhất, vị ngọt nhất.
Cây khế không ưa ánh sáng chiếu thẳng. Bạn có thể trồng cây này đan xen với các cây cao khác trong vườn hoặc trồng khế dưới một giàn cây leo khác.

Mẹo trồng khế ra quả quanh năm
Khoảng tháng 6 đến cuối năm là giai đoạn cây khế cần nước để nuôi quả. Nếu thiếu nước, quả khế sẽ bị rụng. Để cây khế sai quả, quả mọng nước, hãy đảm bảo tưới nước thường xuyên cho cây. Một ngày có thể tưới 2 lần, một lần vào buổi sáng và lần còn lại vào buổi chiều tối. Tránh tưới nước cho cây khế vào lúc nắng gắt.
Để cây ra quả quanh năm, có thể áp dụng một số mẹo dưới đây:
- Cắt ngọn
Với những cây khế nhỏ, cây trồng trong chậu, bạn có thể cắt bỏ phần ngọn của các cành đang phát triển. Cắt khoảng 20cm là được. Tốt nhất là cắt ở tất cả các cành trên cây. Việc cắt ngọn như vậy sẽ ép cây khế ra nhiều chồi non ở các kẽ lá đồng thời kích thích hoa mọc ra nhiều hơn.
Khi thấy cây ra hoa, tiếp tục duy trì việc tưới nước và bón phân để nuôi quả.
Đối với những cây khế cao, nhiều cành lá, có thể cắt ngọn của những cành to thấp trước.
- Cắt nước và bón phân
Sau khi cắt ngọn của cây, hãy ngừng tưới nước trong khoảng 2-3 ngày. Giai đoạn này sẽ giúp ra tín hiệu "khẩn cấp" để cây ra nhiều hoa hơn.
Sau đó, pha loãng phân ure với nước sạch và tưới cho cây. Khoảng 50 ngày sau, cây sẽ ra hoa và đậu quả.
Để khế cho nhiều quả, hãy sử dụng phân hữu cơ bón vào gốc cây tối thiểu 2 lần. Ngoài ra, có thể dùng phân dơi để bón 2 tháng 1 lần. Mỗi tuần nên dùng nước vo gạo để tưới cho cây một lần.
Việc bón phân ở giai đoạn này giúp cây khỏe mạnh và quả lớn hơn.
Sau khi thu hoạch quả, bạn cũng cần bón thêm phân cho cây để cây phục hồi và sớm ra đợt quả mới.
- Duy trì chăm sóc cây khế
Nên tỉa bớt những cành vượt lên cao để cây được gọn gàng cũng như giảm bớt lượng dinh dưỡng lãng phí vào những cành quá dài. Nên cắt tỉa cành của toàn bộ cây vào giai đoạn đầu năm để cây ra nhiều chồi mới, ra nhiều hoa hơn.
Tỉa bớt cành cũng giúp cây thông thoáng, ra nhiều quả và quả to hơn. Để quá nhiều cành dài, cành nhỏ sẽ khiến quả nhỏ.
- Phòng trừ sâu bệnh cho cây khế
Các loại sâu non thuộc bộ cánh phấn, ruồi đục trái thường phá hoại cây khế, hại hoa và quả non. Có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu tự chế từ nguyên liệu tự nhiên như tỏi, ớt... để xua đuổi các loại sâu bọ này.
Ngoài ra, dùng nước vôi loãng quét vào gốc cây cũng có tác dụng ngăn ngừa sâu đục thân, sâu đục vỏ tấn công. Việc này nên thực hiện vào mùa khô hằng năm.
Thường xuyên quét dọn lá rụng, quả rụng, làm sạch cỏ xung quanh gốc cây cũng là cách ngăn chặn sự phát triển của các loại sâu bọ, côn trùng.
Khi trồng cây khế, bạn hãy nhớ thực hiện những mẹo nêu trên để cây ra nhiều quả và ra quả quanh năm nhé.