Khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh sẽ bị phạt thế nào?

( PHUNUTODAY ) - Những người có biểu hiện bị mắc nhưng che giấu, không tiến hành khai báo dẫn đến trở thành người gieo rắc dịch bệnh sẽ bị xử lý ra sao trước pháp luật?

Khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh là vi phạm pháp luật

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đến nay đang diễn biến phức tạp, theo đó, Việt Nam đã phát hiện 30 ca nhiễm bệnh. Trong đó, có 4 ca ở Hà Nội.

Trước thực trạng trên, chính quyền các địa phương, Bộ Y tế khuyến cáo người dân ngoài việc chủ động phòng dịch thì tuyệt đối không gian dối khi khai báo y tế, đặc biệt là những người đi về từ vùng có dịch, tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm… Theo quy định hiện nay, việc khai báo gian dối khiến dịch bệnh phát tán ra cộng đồng là vi phạm pháp luật, có thể phải đối mặt với án tù.

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH NXS (Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã có cuộc trao đổi với Báo Dân trí về vấn đề "Những người có biểu hiện bị mắc nhưng che giấu, không tiến hành khai báo dẫn đến trở thành người gieo rắc dịch bệnh sẽ bị xử lý ra sao trước pháp luật?"

Lực lượng chức năng lập rào chắn đoạn phố từ Trúc Bạch đến Châu Long

Lực lượng chức năng lập rào chắn đoạn phố từ Trúc Bạch đến Châu Long

Luật sư Lực cho biết: “Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.

Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch nhóm A phải được cách ly. Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.

Chính phủ, Bộ y tế thời gian vừa qua đã liên tục đưa ra các khuyến nghị yêu cầu các cá nhân có nghi ngờ nhiễm bệnh, đi đến từ vùng dịch phải chủ động cách ly y tế.

Do vậy người nào khi đi đến từ vùng có dịch, có biểu hiện nhiễm bệnh mà lại không chủ động đến nơi cách ly, không thăm khám y tế để kiểm tra phát hiện mà dẫn tới tình trạng lây lan dịch bệnh trên diện rộng dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì có dấu hiệu phạm tội theo điều 240 Bộ luật hình sự: Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với hình phạt phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Trường hợp dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm.

Mọi người cần nâng cao ý thức cộng đồng, hợp tác xã hội để góp phần hạn chế, đẩy lùi dịch bệnh. Chỉ cần một hành động sai trái của một cá nhân có thể khiến dịch bệnh bùng phát khó kiểm soát, gây ra nhiều hệ lụy lớn cho xã hội”.

Cố tình không khai báo hoặc khai báo gian dối làm bùng dịch còn phải bồi thường về kinh tế

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, ngoài việc có thể phải xử lý trách nhiệm hình sự, theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Như vậy, căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là “hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại”. BLDS 2015 đã quy định về căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo hướng có lợi cho bên bị thiệt hại. Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện:

Một là, có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại là một yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc sự thiệt hại về tinh thần. Sự thiệt hại về tài sản là sự mất mát hoặc giảm sút về một lợi ích vật chất được pháp luật bảo vệ; thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành một số tiền nhất định. Thiệt hại về tinh thần được hiểu là do tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, giảm sút hoặc mất uy tín, tín nhiệm, lòng tin… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

Hai là, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật. Hành vi trái pháp luật trong trách nhiệm dân sự là những xử sự cụ thể của chủ thể được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm: làm những việc mà pháp luật cấm, không làm những việc mà pháp luật buộc phải làm, thực hiện vượt quá giới hạn pháp luật cho phép hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ mà pháp luật quy định.

Ba là, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Hành vi trái pháp luật sẽ là nguyên nhân của thiệt hại nếu giữa hành vi đó và thiệt hại có mối quan hệ tất yếu có tính quy luật chứ không phải ngẫu nhiên. Thiệt hại sẽ là kết quả tất yếu của hành vi nếu trong bản thân hành vi cùng với những điều kiện cụ thể khi xảy ra chứa đựng một khả năng thực tế làm phát sinh thiệt hại...

Đối chiếu những quy định trên có thể thấy những người cố tình khai báo về tình trạng sức khỏe, khai báo gian dối, trốn khỏi nơi cách ly... đã được quy định và nghiêm cấm tại Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 và các quy định khác được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Những hành vi này nếu là nguyên nhân gây thiệt hại trực tiếp cho tính mạng, sức khỏe của cộng đồng hoặc các thiệt hại vật chất khác thì họ phải bồi thường.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn