Giò lụa là món ăn truyền thống được làm từ thịt lợn xay nhuyễn, đem gói chặt và luộc chín. Giò có hương thơm hấp dẫn và vị ngọt tự nhiên của thịt, được rất nhiều người yêu thích. Nhiều người vẫn luôn tự hỏi, loại giò có bề mặt mịn màng và đặc ngon hay loại cắt ra thấy có nhiều lỗ nhỏ ngon hơn. Chuyên gia sẽ tiết lộ bí quyết cho chúng ta.
Khi mua giò, nên chọn loại thật mịn hay có lỗ?
Theo các chuyên gia ẩm thực, miếng giò ngon là những miếng có đột ướt nhất định, khi cắt có độ mịn và bề mặt có vài lỗ rỗ nhỏ. Những lỗ rỗ đó xuất hiện là do các lớp bọc không khí tạo thành trong quá trình làm giò. Khi luộc, những bọc không khí này bục ra, tạo thành các điểm rỗ trên bề mặt.
Khoanh giò có độ ướt chứng tỏ sản phẩm được làm từ loại thịt tươi ngon và là giò mới làm. Miếng giò như vậy cũng chứng tỏ được làm từ thịt nguyên chất, không pha hàn the hay các loại hoá chất khác.
Do đó, người tiêu dùng nên chọn mua những miếng giò còn ẩm, mềm và có vài lỗ rỗ nhỏ, sẽ ngon hơn những miếng hoàn toàn đặc và mịn.
Cách phân biệt giò ngon và giò pha hàn the
Nhiều nhà sản xuất giò pha thêm hàn the cũng như hoá chất khác để tạo độ dai, giòn và bảo quản được lâu. Điều này cũng không khó để nhận biết bằng mắt thường.
Với những miếng giò ngon nó sẽ có màu trắng ngà hoặc ngả sang màu hồng nhạt; bề mặt có vài lỗ rỗ. Khi cắt ra, bạn sẽ thấy miếng giò có cảm giác mịn, hơi ướt và có mùi thơm thoang thoảng của thịt. Miếng giò ngon khi ăn sẽ hơi giòn, mềm mềm và có vị ngọt tự nhiên.
Trong khi đó, giò pha hàn the có bề mặt mịn màng bất thường, ít thơm; khi đun nóng lên có dấu hiệu bở hoặc xuất hiện ít bột, cảm giác không ngon. Hàn the không mùi, không vị, giúp tăng cường liên kết cấu trúc mạng của tinh bột và protein, làm giảm độ bở, tăng độ dai, giòn của các loại thực phẩm được chế biến. Tuy nhiên, việc sử dụng thực phẩm chứa nhiều hàn the sẽ gây hại sức khoẻ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng lượng lớn hàn the có thể gây nhiễm độc cấp tính với các biểu hiện như buồn nôn, tiêu chảy, hôn mê, suy thận hay dấu hiệu kích thích màng não...
Hàn the là hoá chất thuộc nhóm độc trung bình, nếu tích luỹ lâu ngày trong cơ thể sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng tiêu hoá, hấp thu cũng như làm suy yếu các cơ quan khác trong cơ thể, biểu hiện bằng các dấu hiệu như: Ăn không ngon, giảm cân bất thường, tiêu chảy nhẹ, suy thận. Do đó, khi mua giò, tốt nhất bạn nên lựa chọn các cửa hàng hay người bán uy tín.
Một số loại giò ngon nức tiếng ở Việt Nam
+ Giò lụa
Giò lụa (miền Bắc) hay chả lụa (miền Nam) là món ăn quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam, vừa thân thuộc lại vừa sang trọng khi bày biện. Giò được làm từ hai nguyên liệu cơ bản là thịt nạc thăn lợn giã nhuyễn kết hợp với nước mắm ngon, gói trong lá chuối và luộc chín.
+ Giò ngựa
Thịt ngựa có đặc điểm nạc và ngọt, không dai, rất lạ miệng. Món giò từ thịt ngựa cũng vì thế mà nhanh chóng trở thành đặc sản được nhiều người săn lùng và đặt hàng. Phần thịt chọn làm giò là phần thịt ngon, không có gân. Để giò không bị khô, người ta rất chú ý đến việc trộn thêm mỡ heo với tỉ lệ phù hợp do thịt ngựa vốn ít mỡ.
+ Giò bì
Nguyên liệu gồm bì heo, thịt nạc, nước mắm nhĩ loại ngon. Phần bì sau khi làm sạch sẽ được luộc chín, xắt mỏng như sợi chỉ, thịt nạc bỏ vào cối quết nguyễn bằng tay, sau đó trộn chung với các loại gia vị cho thấm. Những chiếc giò bì sau khi luộc, để nguội sẽ trở nên săn chắc trong tấm lá chuối xanh cùng mùi thơm thoang thoảng. Giò bì có độ giòn và dai đặc trưng nên rất thích hợp để nhâm nhi trên bàn tiệc.
+ Giò me (giò bê)
Giò me có nguyên liệu chính là thịt bê (bê vùng Nam Nghĩa dưới 1 năm tuổi), trứng gà ri (gà ác), kết hợp với các loại gia vị, đặc biệt là nước mắm nguyên chất. Giò được hấp cách thủy trong vòng 12 tiếng đồng hồ, mỗi lát cắt ra có màu hồng của thịt bê đã chín đều, không bị khô.
+ Giò bò
Giò được làm từ thịt bò loại ngon, kèm theo rau thì là thơm thoang thoảng, vị cay nồng của hạt tiêu. Giò càng ngon hơn khi được ăn kèm với dưa món, nem, tỏi sống, tương ớt… Nó cũng được ăn kèm với bún mắm nêm, cháo chả hay bánh mì kẹp thịt…
+ Giò thủ (giò xào)
Giò thủ (hay còn gọi là giò xào) được xem là món ăn truyền thống bắt nguồn từ miền Bắc nước ta. Giò thủ được làm từ các bộ phận của đầu lợn (thủ lợn) như tai, mũi, lưỡi, má... xắt mỏng, xào chín, trộn chung với thịt nạc quết nhuyễn cùng chất kết dinh của bì lợn.