Phòng bệnh từ chính thói quen ăn uống hàng ngày
Ung thư dạ dày hiện đang là căn bệnh đứng thứ 2 ở Việt Nam về tỷ lệ người mắc, chỉ sau ung thư gan. PGS.TS Đoàn Hữu Nghị - Phó Chủ tịch Hội ung thư Hà Nội cho biết, nguyên nhân chính gây bệnh ung thư là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Ngoài ra thói quen ăn uống như ăn đồ muối, mặn hoặc uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá cũng là nguyên nhân gây nên căn bệnh này.
Để phòng bệnh ung thư dạ dày, PGS Nghị cho rằng mọi người cần phải đi khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần, đặc biệt là người trên 40 tuổi. Ngoài việc nhằm phát hiện sớm ung thư, việc khám sức khỏe qua test nhanh còn có thể phát hiện cơ thể có dương tính với vi khuẩn Hp hay không, từ đó để có hướng điều trị cụ thể.
Vi khuẩn Hp thường lây nhiễm qua đường ăn uống, đặc biệt là việc trẻ nhỏ được bố mẹ hoặc ông bà mớm cơm, cháo cho ăn hàng ngày. Ngoài ra, việc chấm chung bát nước mắm cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn Hp. Vì thế, để không bị nhiễm loại vi khuẩn gây ung thư dạ dày này, mọi người tốt nhất không nên mớm cơm cho trẻ. Ngoài ra trong bữa ăn hàng ngày nên dùng riêng đũa, riêng bát kể cả nước chấm.
Một vấn đề nữa liên quan đến ăn uống mà mọi người cần chú ý, đó là không nên ăn nhiều các đồ muối mặn như dưa muối, cà muối, các loại thịt hun khói. “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đồ muối ướp có chứa chất gây ung thư dạ dày, vì thế không nên quá lạm dụng, ăn trong thời gian dài”, PGS Nghị khuyên.
Ngoài những vấn đề trên, để phòng bệnh ung thư dạ dày người dân cần phải có lối sống, sinh hoạt lành mạnh. Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá và thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao…
Những thói quen không thể ngờ gây ung thư dạ dày
Thức đêm nhiều
Với nhiều người, "cú đêm" thường xuyên là chuyện thường nhưng họ lại ít khi biết được những tác hại của nó như tăng nguy cơ bệnh tim mạch, béo phì, giảm trí nhớ… và đặc biệt gây hại cho dạ dày.
Thức khuya sẽ làm cho dạ dày của bạn hoạt động quá tải, tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa, dịch vị dạ dày tiết nhiều hơn dễ dẫn đến mắc các bệnh như viêm loét, tăng nguy cơ ung thư hình thành.
Ăn đêm
Việc ăn khuya thường xuyên, đặc biệt là các loại đồ ăn nhanh như mì tôm, nước uống có ga… không tốt cho sức khỏe của bạn. Một số nghiên cứu cho biết ăn khuya sẽ khiến dạ dày không có thời gian nghỉ ngơi, làm cản trở sự phục hồi của niêm mạc dạ dày, lâu ngày gây tổn hại niêm mạc dạ dày và tăng nguy cơ ung thư.
Ăn ít rau xanh, trái cây tươi, ăn nhiều thịt
Theo nghiên cứu của Viện Dinh Dưỡng Quốc gia 2017, người Việt nói chung và đặc biệt là các bạn trẻ ăn rất ít rau, khoảng 170 – 200 gram mỗi ngày, bằng ½ mức khuyến cáo của WHO.
Lười ăn rau được cho khiến tình trạng táo bón nặng hơn, ứ đọng chất độc trong cơ thể, làm bệnh ung thư dễ phát triển.
Lười ăn rau xanh kết hợp với ăn nhiều thịt càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nguyên nhân được giải thích là do thịt giàu đạm nên rất dễ bị hỏng, người bán dễ tẩm những loại chất bảo quản mà nấu chín thực phẩm cũng không phân hủy được, tăng nguy cơ ung thư.
Uống rượu
Quỹ nghiên cứu Ung thư thế giới đã cảnh báo rằng: thói quen ăn uống kết hợp rượu với thịt nguội làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày…