Mỹ - Trung xây dựng mối quan hệ nước lớn kiểu mới

08:27, Thứ sáu 07/06/2013

( PHUNUTODAY ) - Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama đang hứa hẹn mở ra cơ hội xác định lại quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới trong nhiều năm tới.

Mặc dù không phải là chuyến thăm chính thức cấp nhà nước, nhưng việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama đang hứa hẹn mở ra cơ hội xác định lại quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới trong nhiều năm tới theo hướng “quan hệ nước lớn kiểu mới.”

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: THX/TTXVN)
 
Trong thời gian qua, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã trải qua không ít thăng trầm, có lúc tưởng chừng đứng trước ngã rẽ trở thành đối thủ nhiều hơn là đối tác cạnh tranh. Tuy nhiên, trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế và đa cực hóa thế giới, quan hệ bình ổn giữa các nước lớn sẽ là tiền đề đảm bảo hệ thống quan hệ quốc tế diễn ra suôn sẻ, là điều kiện cần thiết cho việc duy trì ổn định và phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời giải quyết các vấn đề nóng và loại bỏ các ẩn họa an ninh.
 
TTXVN cho hay, hai quốc gia đứng đầu hai nhóm nước phát triển và đang phát triển hiện đang đứng trước cơ hội lớn trong việc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới theo hướng giữ vững quan hệ song phương từ tầm cao chiến lược và mục tiêu lâu dài, qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước, đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, mối quan hệ đó chỉ được thiết lập khi Mỹ-Trung thúc đẩy hợp tác, đối thoại bằng thái độ tích cực; giải quyết thỏa đáng những bất đồng, mâu thuẫn trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau; không ngừng tăng thêm nội hàm chiến lược trong quan hệ đối tác nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi.
 
Nói như lời của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, hai nước Mỹ và Trung Quốc có thể không giải quyết được mọi vấn đề, nhưng bất kỳ vấn đề lớn nào trên thế giới mà không có sự hợp tác của hai quốc gia này đều khó có thể giải quyết. Vì thế, Washington hy vọng Bắc Kinh cũng sẽ đóng vai trò ngày càng tích cực hơn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
 
Trong thời gian qua, quan hệ Mỹ-Trung đã xảy ra không ít căng thằng liên quan đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và chiến lược xoay trục an ninh của Mỹ từ Tây sang Đông. Sự cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra một vòng xoáy địa chính trị-địa an ninh mới ở châu Á-Thái Bình Dương, làm bùng phát nhiều điểm nóng trong khu vực, đồng thời tạo ra một cuộc đua tranh sức mạnh và tăng cường tiềm lực quân sự của nhiều nước.
 
Trong bối cảnh như vậy, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Obama có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin nhằm gạt bỏ những bất đồng, từ đó củng cố thêm một bước quan hệ vừa hợp tác, vừa cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
 
Ông Obama gặp Phó chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2012.
Ông Obama gặp Phó chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng hồi tháng 2/2012.
 
Có thể nói tuy chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ kéo dài hai ngày, nhưng hai nhà lãnh đạo sẽ có khá nhiều thời gian để phát triển quan hệ cá nhân cũng như thảo luận các vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. 
 
Đầu tháng 6, trong bài phát biểu  tại diễn đàn an ninh Shangri-La, ông Chuck Hagel đã tái cam kết về chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời chỉ đích danh Trung Quốc là nơi bắt nguồn một số cuộc tấn công mạng nhắm vào Mỹ.
 
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gây ra phản ứng gay gắt từ thiếu tướng Diêu Vân Trúc, giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc phòng Trung - Mỹ thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc.
 
Bà Diêu đã đòi ông Hagel giải thích rõ hơn ý định của Mỹ trong việc tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, theo tờ Independent.
 
Dẫu vậy, ông Hagel không làm gì nhiều để trấn an Trung Quốc trước nỗi lo sợ bị kiềm chế. Dù nói Mỹ ủng hộ và hoan nghênh một Trung Quốc phồn thịnh, ông Hagel nói Washington có quyền hiện diện tại châu Á.
 
Trong khi đó, cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Mỹ gồm Trinidad and Tobago, Costa Rica và Mexico nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại với các nền kinh tế đang nổi ở khu vực này. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Tập Cận Bình trên cương vị nguyên thủ quốc gia. 
 
Một số học giả đặt câu hỏi liệu có phải Trung Quốc đang tìm cách lấn “sân sau” của Mỹ ở châu Mỹ Latinh, nhằm trả đũa việc Washington gia tăng ảnh hưởng tại sân sau của Trung Quốc ở châu Á. Rõ ràng nhất là chuyến đi của ông Tập Cận Bình diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Obama tiếp Tổng thống Myanmar Thein Sein, lãnh đạo một quốc gia suốt nhiều năm qua là một đồng minh thân cận của Trung Quốc.
 
Chuyến đi có ý nghĩa đặc biệt khi ông là Chủ tịch nước đầu tiên của Trung Quốc đặt chân đến vùng Caribe nói tiếng Anh.
 
Không phải vô cớ mà ông Tập Cận Bình chọn Trinidad & Tobago, Costa Rica và Mexico. Mối quan hệ thương mại của Trung Quốc với châu Mỹ Latinh đã tăng mạnh trong những năm gần đây khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đổ tiền của vào nguồn khoáng sản và dầu lửa của khu vực, nhằm tiếp liệu cho tốc độ tăng trưởng trong nước.
 
Phát biểu với báo giới Trung Quốc trước khi lên đường thăm ba nước Mỹ Latinh và Caribe, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh ông tin tưởng vào triển vọng của mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Mỹ Latinh bất kể sự cách trở về vị trí địa lý.
 
Trong chuyến thăm đầu tiên kể từ khi trở thành chủ tịch nước, Tập Cận Bình chắc chắn không bỏ qua cơ hội để bày tỏ mối lo ngại của Bắc Kinh về việc tái định hướng chính sách ngoại giao và chuyển hướng các nguồn lực quân sự của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chiến lược này được nhiều chuyên gia nhận định là để tái khẳng định với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc về cam kết của Mỹ trong việc chống lại sức mạnh của Trung Quốc.
 
Khi được hỏi về khả năng “kèn cựa” tại khu vực giữa Mỹ-Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho hay: “Trung Quốc muốn có mối quan hệ song phương hài hòa với các nước châu Mỹ Latinh”. “Chúng tôi tin rằng Trung Quốc và Mỹ có thể thực hiện hợp tác ở châu Mỹ Latin bằng cách phát triển lợi thế mỗi bên để đóng góp chung cho sự phát triển của các nước châu Mỹ Latinh”, ông cho hay.
  • Mỹ Thơm (Tổng hợp)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc