Mỹ nâng cấp vũ khí đối phó giấc mơ Trung Hoa

09:30, Chủ nhật 29/12/2013

( PHUNUTODAY ) - Trung Quốc đang có những chiến lược phát triển sức mạnh mang đặc thù rất riêng khiến Mỹ phải vội vàng thay đổi khả năng tác chiến của mình để đối phó.

Chiến thuật lấy số lượng át chất lượng

Thời gian gần đây, những học thuyết quân sự của Trung Quốc luôn đề cập đến những cụm từ như “giấc mơ Trung Hoa”, “lợi ích cốt lõi”… Tựu chung lại, những học thuyết này nhắm đến việc đưa Trung Quốc đến vị trí số một khu vực và tương lai là thế giới.

Để hiện thực hóa giấc mơ này, cường quốc châu Á phải phát triển song song hai thứ sức mạnh: kinh tế và quân sự. Xét về kinh tế, Trung Quốc đã đứng thứ hai thế giới, nhưng xét về quân sự, Trung Quốc chỉ đủ sức mạnh để lấn át các quốc gia nhỏ và khó có thể xét vào danh sách cường quốc quân sự.

Thực tế này đặt ra một đòi hỏi, Trung Quốc phải phát triển sức mạnh quân sự của mình theo một chiến lược bài bản, tận dụng tối đa học thuyết chiến tranh phi đối xứng. Xét về các đối thủ tương lai của Trung Quốc, mà cụ thể là Nhật Bản, Mỹ, và thậm chí là cả Nga, hay cả khối NATO… thì quốc gia này chưa đủ tiềm lực để tạo nên cái gọi là “răn đe quân sự”.

Trung Quốc tập trung phát triển số lượng không quân với những mẫu chiến đấu cơ sẵn có. (Trong ảnh, bãi đáp của J-11).

Trung Quốc hiện đang thua kém rất nhiều về chất lượng vũ khí, tính kỹ chiến thuật của quân đội so với Mỹ hay Nga, thậm chí, so sánh với Nhật Bản, vũ khí của Trung Quốc vẫn thua kém về tính công nghệ. Có thể nói, nếu muốn trở thành cường quốc số một châu Á – Thái Bình Dương, thì trước hết, quốc gia này phải phát triển sức mạnh của lực lượng không quân hải quân.

Tuy nhiên, để chạy đua công nghệ và tốc độ, Trung Quốc vẫn đang thua thiệt khoảng một, hai thập kỷ với các quốc gia kể trên. Để lấp khoảng trống này, trước hết Trung Quốc cần phải có một chiến lược. Họ không mạnh về vũ khí có tính hiện đại, kỹ chiến thuật cao, đáp lại, họ lợi dụng số lượng để tạo thành lợi thế. Ngoài ra, trước khi có dã tâm nam chinh bắc chiến, thì Trung Quốc phải làm chủ sân nhà, ở đây chính là Biển Đông và Hoa Đông, hay là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Trong biên chế không quân Trung Quốc có tới 1.395 máy bay chiến đấu tính đến năm 2011, và đây là một con số thực sự đáng nể. Nếu chơi trên sân nhà, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng tổng động viên số vũ khí này vào một trận chiến mà khi đó, những siêu vũ khí, siêu máy bay sẽ không còn khoảng trống để mà thể hiện.

Ngoài ra, lực lượng hải quân, không quân của Trung Quốc đang ngày càng được hiện đại hóa với một tốc độ chóng mặt. Sở dĩ có điều này bởi Trung Quốc đã tự biến mình thành một chuyên gia sao chép, với khả năng “nhái” trang thiết bị với giá thành rẻ và chất lượng không quá thua kém.

Chiến lược “lấy thịt đè người” này đã khắc phục được sự thua kém công nghệ của Trung Quốc với các cường quốc. Nhưng để nuôi giấc mơ Đại Trung Hoa, quốc gia này đã phát triển song song những loại vũ khí viễn chinh mang tính chiến lược như tàu sân bay, tàu ngầm nguyên tử, và cả tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân. Hôm 16/12/2013, Trung Quốc đã phóng thử lần 2 tên  lửa DF-41 (Đông Phong 41) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm bắn vươn tới lục địa của Mỹ.

Có thể nói, dựa vào sức mạnh kinh tế và trình độ kỹ thuật, công nghệ ngày càng phát triển, Trung Quốc đã khéo léo chơi tốt trên sân nhà và chuẩn bị cho mình những mảng miếng để mang chuông đi đánh xứ người.

Không dừng lại ở Liêu Ninh, Trung Quốc đang có kế hoạch đóng mới 2 tàu sân bay.

Mỹ phải làm gì khi đến sân khách?

Nếu Biển Đông, Hoa Đông đang được Trung Quốc coi là sân nhà, thì chiến lược chuyển trục châu Á – Thái Bình Dương của Tổng thống B.Obama đang buộc Mỹ phải dấn thân đến sân khách.

Mỹ đang ngày càng tăng cường hiện diện tại khu vực này. Mùa hè năm 2012, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ L. Panetta tuyên bố, đến 2020 trên Thái Bình Dương sẽ tập trung 2/3 lực lương hải quân Mỹ.

Thực tế cho thấy, quân đội Mỹ là lực lượng thiện chiến nhất thế giới và có nhiều kinh nghiệm chiến tranh hiện đại nhất. Và trên tất cả các mặt trận, Mỹ đều đang chiến đấu ở sân khách. Một cường quốc giàu kinh nghiệm xâm lược, viễn chinh như Mỹ sẽ làm gì để đối phó với thế lực mới nổi tại châu Á?

Trước hết, việc Mỹ chuyển trục châu Á – Thái Bình Dương không nhắm vào ai khác mà chính là Trung Quốc. Một quốc gia nổi tiếng thực dụng như Mỹ không bao giờ làm bất cứ hành động gì mà không toan tính thiệt hơn. Mỹ đã khéo léo biến sân khách thành sân nhà khi thắt chặt sự đoàn kết với các đồng minh tạo thành các chuỗi đảo. Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia, Singapore… Tất cả đã tạo cho Mỹ một liên minh đầy sức mạnh và sự chủ động.

Đồ họa tên lửa LRASM tiêu diệt chiến hạm mục tiêu.

Thứ hai, thế mạnh của Mỹ là công nghệ, vậy hãy phát huy sức mạnh này. Vừa qua, Mỹ đã tiến hành chương trình phát triển tên lửa chống hạm tầm xa LRASM (Long range anti-ship missile). Mỹ đang sở hữu tên lửa Harpoon với tầm bắn khoảng 300km. Tuy nhiên, với LRASM, Mỹ sẽ có dàn tên lửa có khả năng hoạt động siêu chính xác ở cự ly từ 800 – 900km.

Ngoài ra, Mỹ không ngừng đẩy mạnh khả năng tương tác giữa các lực lượng trong chiến tranh biển như không quân, hải quân. Đồng thời, sát thủ diệt hạm B-1 Lancer cũng được Mỹ nâng cấp tầm bay, khả năng tàng hình, khả năng định vị... kết hợp với thế hệ tên lửa mới LRASM đủ uy vũ để đe dọa bất kỳ hạm đội nào trên đại dương.

Điều gì khiến quân đội Mỹ thay đổi kế hoạch phát triển tên lửa chống hạm của mình sau một thời gian dài hài lòng với tên lửa Harpoon? Lý do đầu tiên là sự hạn chế về tài chính. Hải quân Mỹ buộc phải giảm số lượng hoạt động của các tàu sân bay do thâm hụt ngân sách quá lớn. Điều đó khiến lực lượng Hải quân Mỹ trên khắp thế giới trở nên mỏng hơn. Do đó, khả năng tác chiến linh hoạt, làm chủ chiến trường phải được nâng cao.

B-1 Lancer oanh kích tại Lybia. Sau những cuộc chiến ở Trung Đông, Lầu Năm Góc quyết định chọn B-1 là máy bay oanh tạc chủ lực.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện tại đang thua Mỹ về công nghệ, nhưng theo tính toán của Lầu Năm Góc, 15 năm tới, Trung Quốc đủ sức đối chọi với Mỹ về lực lượng không, hải quân. Do đó, việc có những bước tiến đột biến để giữ mãi khoảng cách 15 năm là một điều vô cùng cần thiết.

Đồng thời, với thực tế Trung Quốc đang thua kém về công nghệ, Mỹ hoàn toàn có thể làm chủ sân khách và chiến thuật lấy số lượng bù chất lượng của Trung Quốc chỉ giúp những siêu vũ khí của Mỹ có nhiều đích ngắm hơn.

Quân đội Mỹ hiểu rất rõ những nguy cơ trước mắt cũng như sau này, và họ đang bước đầu có những thay đổi mang tính chiến lược về phương thức tác chiến trên biển.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Cao Thị Thủy
TIN MỚI CẬP NHẬT