Sáng 27-11, với đa số tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước và thẻ căn cước là phù hợp với mục đích quản lý và phục vụ nhân dân.
Việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, thì việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.
Luật cũng quy định điều khoản chuyển tiếp, theo đó, thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024.
Đối với việc cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, khi các thông tin của công dân được lưu trữ, mã hóa trong bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước có sai sót thì phải cập nhật, điều chỉnh để bảo đảm thông tin trên thẻ phản ánh chính xác với thực tế và thống nhất với thông tin trong các cơ sở dữ liệu, thông tin trong căn cước điện tử… bảo đảm quyền lợi của người dân khi thực hiện các giao dịch.
Trong trường hợp không phải đổi thẻ căn cước thì công dân phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, cập nhật thông tin. Luật quy định giao Chính phủ “quy định trình tự, thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước”.
Đổi từ Căn cước công dân sang Căn cước có làm đổi số không?
Trên báo Lao động, vấn đề này được thông tin như sau:
Việc không đổi số thẻ khi đổi từ căn cước công dân sang Căn cước là phù hợp bởi số thẻ Căn cước công dân được cấp hiện nay chính là số định danh cá nhân.
Số định danh là dãy số xác định nhân thân của mỗi công dân do Bộ Công an cấp và quản lý thống nhất trên toàn quốc. Mỗi công dân được cấp một số định danh duy nhất từ khi sinh ra đến khi mất đi và không lặp lại ở người khác.
Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, chia sẻ, cập nhật, khai thác thông tin của công dân. Cấu tạo của số định danh cá nhân quy định tại Điều 13 Nghị định số 137/2015/NĐ-CP như sau:
Số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
Khi đổi từ Căn cước công dân sang Căn cước, tuy không đổi số thẻ đã cấp nhưng mẫu thẻ Căn cước cấp từ ngày 1.7.2024 sẽ có một số thay đổi như:
- Tên thẻ đổi từ thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước.
- Thông tin chủ thẻ:
Cấp cho cả người dưới 14 tuổi;
"Quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh";
"Nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú";
Không còn thể hiện dấu vân tay.
- Chữ ký của người cấp thẻ đổi từ Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đổi thành "Nơi cấp: Bộ Công an".