Giấy phép lái xe là gì?
Giấy phép lái xe hay còn gọi là Bằng lái xe là một loại giấy phép, chứng chỉ do cơ quan nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp cho một cá nhân cụ thể cho phép người đó được phép vận hành, lưu thông, tham gia giao thông bằng xe cơ giới các loại như xe máy, xe mô tô phân khối lớn, xe ô tô, xe tải, xe buýt, xe khách, xe container hoặc các loại hình xe khác trên các con đường công cộng.
Quy định về giấy phép lái xe ở các quốc gia tuy có khác nhau tùy vào đặc thù của mỗi nước nhưng nhìn chung để nhận được GPLX, người xin cấp giấy phép lái xe cần trải qua nhiều thủ tục pháp lý như nộp đơn xin cấp, phải trải qua một bài kiểm tra lái xe hoặc những kỳ thi sát hạch về lái xe nghiêm ngặt (tùy yêu cầu của từng loại phương tiện) và các thủ tục khác. Sau khi được cấp GPLX, người đó mới có quyền (về mặt pháp lý) để tham gia giao thông bằng phương tiện xe.
Giấy phép lái xe thông thường được cấp căn cứ vào độ tuổi nhất định. Khi một người vi phạm Luật giao thông, cảnh sát giao thông có thể yêu cầu xuất trình giấy phép lái xe để kiểm tra. Một số quy định pháp luật ở các nước có hình thức xử phạt tịch thu giấy phép lái xe hoặc tước GPLX có thời hạn hay không có thời hạn (giam bằng lái).
Những trường hợp phải đổi Giấy phép lái xe trong tháng 12/2023
Điều 17 Thông tư 01/2021/TT-BGTVT đã chỉ rõ thời hạn của giấy phép lái xe được ghi trên giấy phép lái xe. Trong đó, bằng A1, A2, A3 là không có thời hạn. Tất cả các loại bằng còn lại chỉ có giá trị trong một thời gian nhất định.
- Bằng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam;
(Trường hợp lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp);
- Bằng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp;
- Bằng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.
Như vậy, trừ bằng cấp cho người điều khiển xe mô tô hai bánh, mô tô ba bánh (A1, A2, A3), các loại bằng khác phải xin đổi trước khi hết thời hạn sử dụng.
Trường hợp quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng, được xét cấp lại giấy phép lái xe.
Theo khoản 3 Điều 36 Thông tư này, đối với người có bằng lái quá thời hạn sử dụng trên 03 tháng sẽ phải thi sát hạch lại để được cấp lại giấy phép lái xe. Cụ thể,
- Quá hạn từ 3 tháng đến dưới 01 năm phải sát hạch lại lý thuyết;
- Quá hạn từ 1 năm trở lên phải sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành.
Như vậy theo quy định những người có bằng lái xe cấp tới tháng 12/2023 tròn 10 năm cần phải đi đổi lại là người có bằng lái xe hạng A4, hạng B2 được cấp tháng 12/2013.
Ngoài ra, có 3 nhóm đối tượng có bằng lái xe thời hạn 5 năm cần phải đi đổi lại trong tháng 12/2023 là người có bằng lái xe hạng C, D, E cấp tháng 12/20218 thì tới tháng 12/2023 là tròn 5 năm cần phải đi đổi lại.
Sử dụng giấy phép lái xe hết hạn bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ thì khi tham gia giao thông cần phải mang giấy phép lái xe còn thời hạn sử dụng, do đó những trường hợp điều khiển ô tô khi giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng sẽ bị xử phạt.
Căn cứ vào Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định các xử phạt đối với hành vi điều khiển ô tô khi hết hạn giấy phép lái xe như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
- Có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 3 tháng;
- Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia;
- Sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ (Giấy phép lái xe có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe).
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
+ Có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng từ 03 tháng trở lên;
+ Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
Theo căn cứ đã đưa ra thì hành vi sử dụng giấy phép lái xe hết hạn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng nếu giấy phép đã hết hạn sử dụng dưới 3 tháng. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng giấy phép đã hết hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên.