Nam bồi bàn khốn khổ vì lọt “mắt xanh” nữ gia chủ

06:21, Chủ nhật 05/08/2012

( PHUNUTODAY ) - Nhiều lần mình bị bạn gái giận và đòi chia tay vì cô ấy đọc được tin nhắn tình tứ trong điện thoại của mình khi chị ấy nhắn tin do mình chưa kịp đọc, thậm chí không muốn đọc.

Trút bỏ bộ đồng phục và công việc bận rộn cùng tiếng nhạc xập xình và tiếng nói cười trong không khí ngột ngạt của nhà đám. Những nam nhân viên bồi bàn đám cưới lại trở thành những sinh viên ưu tú, cười nói vui vẻ hoạt bát và đầy nhiệt huyết trong học tập.

Để có được những đồng tiền, ít tai biết được bản thân họ đã phải trải qua những khó khăn, những tình huống oái oăm, dở khóc dở cười như bị gia chủ phàn nàn về thái độ phục vụ, bị đuổi việc, gặp phải khách hàng khó tính hay bị lọt vào mắt xanh của cô chủ nhà.

Con trai là phải… “Đa-zi-năng”

Để có thêm những khoản tiền nho nhỏ trang trải cho những chi phí sinh hoạt hàng ngày, không ít các bạn sinh viên đã phải kiếm những việc làm thêm như gia sư, bán hàng, phát tờ rơi, bảo vệ, chở ga, gấp phong bì…

 Trong đó, một công việc mang tính thời vụ được nhiều bạn lựa chọn hiện nay là làm phục vụ bàn cho đám cưới. Vào những ngày cuối năm, dịch vụ này càng trở nên “nóng” và giúp các bạn sinh viên kiếm không ít tiền tiêu dịp tết.

Đức - Sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Công nghệ Hà Nội đã làm công việc bồi bàn đám cưới được nửa năm nên gần như trở thành người gạo cội trong nghề. Với thân hình cao ráo, khỏe mạnh lại nhanh nhẹn, tháo vát nên trong đội phục vụ Đức luôn được việc và được đội trưởng khen ngợi.

Với mỗi đám phục vụ khoảng 6 giờ mỗi thành viên trong đội sẽ được trả công từ 100-120 nghìn đồng.

Nếu phải đi xa sẽ được xe đưa đón hoặc tự túc và được thêm tiền bồi dưỡng. Vào mùa cưới, nhiều đám nên có ngày cả đội phải chia nhau và “chạy sô” 2, 3 đám là chuyện bình thường.

Đức vui vẻ cho biết: “Từ lúc vào “nghề” đến giờ mình phục vụ cho khoảng 20-30 đám cưới hỏi ở khắp nơi. Những ngày đầu mới đi làm thì cảm thấy cũng mệt mỏi và hơi nản vì phải dậy sớm, đi xa.

 Nhưng rồi cũng vì anh đội trưởng động viên, và mình cũng muốn làm thêm kiếm tiền giúp bố mẹ nên cố gắng và giờ mình thấy công việc đó rất bình thường.”

Nói là bồi bàn nhưng thực ra công việc của mỗi người phục vụ cho đám cưới hỏi như Đức bao gồm rất nhiều thứ: Với những đám cưới hỏi ở quê, công việc gồm bưng mâm cỗ, kê bàn ghế, dọn dẹp đồ đạc, trang trí theo yêu cầu, tiếp nước cho khách của cả hai họ…

Ngoài ra, mình cũng có thể làm thêm những công việc khác phù hợp mà gia chủ yêu cầu, mỗi lần như thế thì cả đội sẽ được trả thêm tiền.

Tâm sự về những ngày mới bước chân vào nghề, Đức cho biết: “Là con trai hay con gái thì công việc này đều có cái khó của nó.

 Nhưng ngày đầu đi làm ai cũng rất mệt, bởi nếu đám cưới ở gần nơi mình hoặc ở khách sạn thì không sao, nhưng có đám ở quê nên phải dậy sớm từ 4, 5 giờ thì mới tới kịp nhà đám để phục vụ.

Vừa đi tàu xe mệt, tới đám lại phải bắt tay ngay vào việc nên thành ra không còn sức mà nói.

Có những khi đói thì công việc nhiều quá nên quên cả ăn, thậm chí không có thời gian để ăn, ăn lén thì sợ làm mất hình ảnh đẹp của gia chủ, sẽ bị chủ phàn nàn và có thể sẽ bị đội trưởng khiển trách và trừ lương.”

Do yêu cầu của công việc mà mỗi người như Đức đều phải làm mọi việc, công việc của cả nam và nữ đều phải làm, thay phiên nhau làm cho tới khi hết nhiệm vụ. Cũng từ khi làm nghề phục vụ này, Đức trở thành một người “đa-zi-năng”.

Nhiều khi trong đám, Đức vừa phải đảm nhiệm công việc tiếp nước mời khách, bưng mâm hay trang trí sân khấu. Bưng mâm cỗ thì đó là công việc bình thường mà người con trai nào cũng phải làm được.

Còn việc tiếp nước hay trang trí có phần nữ tính hơn. Nó đòi hỏi sự khéo léo, có mắt thẩm mĩ, đòi hỏi sự nhẹ nhàng, nhã nhặn mà không phải người con trai nào cũng làm được.

Đức vui vẻ kể về một kỉ niệm mà cậu nhớ nhất khi làm công việc này: “Hồi ấy, đội mình đi phục vụ cho 1 đám cưới ở Vĩnh Phúc, lần ấy không có bạn nữ nào đi nên thành ra công việc tiếp nước mình phải đảm nhiệm vì mọi người bảo mình có khuôn mặt ưa nhìn.

Buổi tối khi thanh niên nam nữ tới chơi rất đông, mình vừa phải tươi cười vừa rót nước mời khách, thêm nữa lại có thêm bộ đồng phục nổi bật khiến mọi người để ý, lúc ấy mình ngượng đỏ mặt vì chưa bao giờ làm công việc đó cả.

Hôm đó luống cuống quá nên mình đã làm đổ chén nước chè vào một bạn nữ. Lúc ấy cứ nghĩ sẽ bị mắng te tua nhưng rồi mọi chuyện đều ổn mình mới thở phào nhẹ nhõm. Sau này, đi nhiều mình thấy quen và nhờ nó mà mình có thêm nhiều bạn mới  nhờ tài “chém gió” và nụ cười tươi hóm hỉnh của mình”.

Với Đức, công việc phục vụ bàn đám cưới không chỉ là một công việc làm thêm giúp cậu kiếm tiền mà nó còn giúp cho Đức có thêm nhiều thứ. Mỗi chuyến đi xa đều là một kỉ niệm vui đáng nhớ với cậu, được quen nhiều bạn ở khắp mọi nơi, rèn luyện được nhiều đức tính: kiên trì, chịu khó, khéo léo… Những thứ mà có lẽ mơ Đức cũng không thấy được nếu chỉ ở nhà.

Khốn khổ vì lọt vào mắt xanh của nữ gia chủ

Cũng giống Đức, Nam (quê Thanh Hóa, SV năm 3 ĐH GTVT) cũng làm nghề này được gần 1 năm nên mọi tình huống khó khăn, trớ trêu trong nghề cậu đều đã trải qua và truyền lại cho đàn em.

Nam cho biết: “Công việc này không những vất vả như bồi bàn trong quán ăn, nhà hàng mà còn yêu cầu nhiều hơn thế. Phải đi xa, phải làm nhiều việc và nhất là phục vụ theo yêu cầu của gia chủ.

Mình không làm thì thôi chứ đã nhận thì phải làm cho tốt, nếu bị phàn nàn sẽ không được trả tiền công, thậm chí còn mất việc vì bị đội trưởng khiến trách.”

Vì thế, để làm tốt công việc Nam cho biết, mỗi người trong đội đều phải có những buổi tự đào tạo nghề nghiệp như sức khỏe, sự nhanh nhẹn, khéo léo, khuôn mặt phải tươi cười, những cử chỉ thái độ, cách đi đứng sao cho lịch sự, đàng hoàng để làm đẹp mặt gia chủ. Có thể họ mới thích, lần sau mình mới có việc làm, nếu làm tốt họ còn thưởng thêm.

Kể về một sự cố trong nghề, Nam nói: “Có lần, đội mình nhận phục vụ cho một đám cưới trong khách sạn. Trong đội có một cậu mới đi làm tên Vinh, lần đầu nên chưa quen việc.

Vì sơ ý đã để rơi giấy ăn vào chén mắm, dù xin lỗi nhưng hôm đó gặp phải bà chủ khó tính, bà ta nói đi nói lại về thái độ phục vụ của Vinh không tốt, lại không có kinh nghiệm, không chịu được thái độ hách dịch nên Vinh lầm lầm lừ lừ cãi lại bà chủ kịch liệt.

Kết quả là cậu đã phải ra về vì bà chủ đề nghị với đội trưởng không cho Vinh làm tiếp, nếu không sẽ thuê đội khác làm.”

Đó chỉ là một trong số những tình huống khó xử mà bất cứ nhân viên phục vụ đám cưới nào cũng có thể gặp phải.

Không chỉ bị khách hai họ sai bảo, yêu cầu, mắng mỏ (nếu làm không tốt), những nhân viên như Nam thậm chí còn bị khinh bỉ và nhìn với con mắt khác thường.

Trong suốt quãng thời gian làm nghề phục vụ bàn đám cưới, có một tình huống khiến Nam dở khóc dở cười mà cho tới bây giờ cậu vẫn không thể nghĩ được nó lại xảy ra với mình. Đó là bị con gái của gia chủ theo đuổi.

Vốn đẹp trai, có tài ăn nói lại có kinh nghiệm trong nghề nên hầu như tới đám nào Nam cũng được gia chủ rất quý vì sự chăm chỉ lẫn thái độ phục vụ, vì thế Nam cũng chiếm được lòng tin của đội trưởng.

Hồi Tết năm ngoái, Nam có đi phục vụ cho một đám ở Hà Nội nhưng về quê tổ chức để báo cáo với họ hàng. Nhà bà chủ có một cô con gái, hơn Nam 2 tuổi nhưng chưa có người yêu và đang đi làm, tên Hương.

Những lần mới gặp nói chuyện Nam và Hương thấy hợp nhau, Nam coi Hương như chị gái và cũng rất quý Hương. Thế nhưng sau một ngày làm xong công việc.

Hương xin số điện thoại và sau đó nhắn tin thường xuyên cho Nam ngay cả lúc nửa đêm, xưng tớ (mà không phải là chị) với Nam. Lúc đầu, Nam thấy nói chuyện vui vẻ, nhưng rồi cậu dần nhận ra Hương hình như có tình cảm với mình.

Vài hôm sau, Nam nhận được “chỉ thị” của đội trưởng tới gặp khách hàng, cậu được đội trưởng bật mí đó là một khách quen và là nữ để nhận công việc vì đội trưởng bận, không đi gặp được nên nhờ Nam đi đại diện.

Dù không muốn nhưng Nam không thể từ chối vì nể đội trưởng, không muốn làm mất lòng anh, hơn nữa Nam không muốn để mất miếng cơm của cả đội nên miễn cưỡng đi gặp. Sau khi tới Nam mới nhận ra người đó chính là Hương.

Lúc ấy Nam mới biết hóa ra Hương lấy cớ giới thiệu mối đám đề được gặp Nam. Biết vậy nên Nam cố ở lại sau khi bàn công việc xong sẽ đi ngay nhưng mới tới thì Hương đã đon đả tươi cười, hỏi thăm Nam chuyện nọ chuyện kia mặc cho thái độ thờ ơ của Nam, Hương vẫn thao thao bất tuyệt.

 Hương hứa xin cho Nam công việc đỡ vất vả hơn. Nhận ra mục đích của buổi gặp mặt này nên Nam đã khéo léo từ chối và về báo cáo với đội trưởng.

“Sau buổi gặp hôm đó, chị ấy vẫn không ngừng gọi điện và nhắn tin cho mình. Nhiều lần mình bị bạn gái giận và đòi chia tay vì cô ấy đọc được tin nhắn tình tứ trong điện thoại của mình khi chị ấy nhắn tin do mình chưa kịp đọc, thậm chí không muốn đọc. Phải thề thốt mãi và hứa sẽ thay số điện thoại khác thì bạn gái mới chịu tin và tha thứ cho mình.

Sau một thời gian đi làm bồi bàn, mình đã tìm được công việc phù hợp hơn với chuyên ngành học của mình – một công việc tại công trường gần chỗ trọ, dù vất vả hơn công việc này một chút, nhưng cũng không phải dạy sớm, đi xa và bị bạn gái.. ghen nữa.

Nhưng dù sao, công việc đó cũng đem lại cho mình nhiều thứ, nhiều kỉ niệm, vui có mà buồn cũng có, từ đó giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm hơn, trưởng thành hơn” - Nam vui vẻ cho biết.

Linh Lam



 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc