Nên tạm đình chỉ vắc xin gây tai biến

( PHUNUTODAY ) - “Sau khi tiêm chủng mà trẻ tử vong thì nên tạm đình chỉ dùng vắc xin đó, đồng thời lập hội đồng điều tra độc lập tai biến vắc xin”, GS.TS Nguyễn Đình Bảng đã nghiêm túc đề nghị như vậy.

“Sau khi tiêm chủng mà trẻ tử vong thì nên tạm đình chỉ dùng vắc xin đó, đồng thời lập hội đồng điều tra độc lập tai biến vắc xin”, GS.TS Nguyễn Đình Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm (Bộ Y tế) đã nghiêm túc đề nghị như vậy.

Thêm một trẻ tử vong sau tiêm vắc xin ’5 trong 1’

Trước hàng loạt vụ việc trẻ tử vong sau tiêm vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, nhưng nguyên nhân vẫn chưa được tìm ra, tờ Tuổi trẻ TP. HCM dẫn lời GS.TS Nguyễn Đình Bảng cho hay, đã đi nhiều nơi, trong đó có tuyến xã/phường thấy việc thăm khám trước khi tiêm ngừa chưa kỹ.

Vì vậy, theo ông Bảng, khi kiểm tra chất lượng vắc xin phải kiểm tra mẫu vắc xin sử dụng trước khi tiêm cho trẻ (sau bảo quản), vì có thể vắc xin sản xuất ra tốt nhưng khâu bảo quản làm sai lệch. Sau đó là kiểm tra nhân viên tiêm chủng và trẻ được tiêm, nhân viên y tế chịu trách nhiệm về bảo quản vắc xin, chỉ định tiêm, kỹ thuật tiêm, muốn kiểm tra nhân viên y tế là phải kiểm tra ba khâu này, đây cũng là ba khâu dễ sai sót.

vaccine
Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem liên tục gây tai biến thời gian qua.

Ngoài ra, cần lưu ý cơ thể nhận vắc xin là trẻ em, phải khai thác kỹ thể trạng, cơ địa có từng bị dị ứng hay mẫn cảm với thành phần của vắc xin. Thật ra khâu này ở nhiều phòng tiêm chủng không làm được. Mỗi khi không làm được, có tai biến thì không tìm được là tai biến do cái gì.

“Tiêm vắc xin cho phép một tỉ lệ nhỏ gặp các phản ứng phụ như sốt nhẹ, sưng chỗ tiêm... nhưng vắc xin có tỉ lệ phản ứng phụ là gây choáng phản vệ (ở trẻ em thường không cứu được), tử vong là không nên cho phép lưu hành đến khi tìm ra nguyên nhân mới cho tiếp tục”, ông Bảng khẳng định, gần đây không ai có những đề nghị mạnh mẽ nữa, có thể không phải vì tiền, nhưng việc ngại ngần đó là vì quan hệ.

Về điều tra nguyên nhân toàn bộ các trường hợp, theo ông Bảng, nên thành lập một hội đồng độc lập chứ giao cho đơn vị quản lý việc tiêm chủng điều tra sẽ không ổn, ai chả bênh nhân viên của mình. Đơn vị điều tra nguyên nhân phải độc lập với cơ quan nhập khẩu vắc xin hay điều phối việc tiêm chủng thì việc điều tra mới khách quan.

“Làm nghề này phải trong sáng, đừng vì mục đích gì khác mà gây thiệt hại cho trẻ em. Các cháu khỏe mạnh mà chết thì xót lắm, Bộ trưởng Y tế phải xót xa những trường hợp này”, ông Bảng nói thêm.

Từ khi thế giới sản xuất được vắc xin ho gà vô bào, giới nghiên cứu đã khuyến cáo chuyển sang sử dụng loại vắc xin vô bào an toàn hơn, chuyện giá thành rẻ đắt không thể đặt ra với tính mạng con người.

Theo ông Bảng, chuỗi phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem thời gian gần đây là vụ việc gây nhiều tử vong nhất trong lịch sử chương trình tiêm chủng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong thời gian từ tháng 11/2012 đến nay trên cả nước đã có trên 10 trường hợp trẻ gặp tai biến, tử vong sau tiêm vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem. Trong đó, đã có 8 trẻ tử vong ở các tỉnh Lâm Đồng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội và Kiên Giang.

Mới đây nhất, là trường hợp trẻ tử vong sau tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem tại trung tâm y tế TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) xảy ra sáng 16/3. Sau khi tiêm phòng, cháu bé có biểu hiện bị sốt cao, quấy khóc, gia đình cho biết đã cho cháu uống 3 liều paracetamol hạ sốt. Uống thuốc xong, cháu ngủ ngoan, không khóc, quấy nữa, nhưng đến sáng thì cháu đã tử vong.

  • P.V (tổng hợp)

[links()]

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn