Đại tá Steven Warren, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết vào cuối ngày 25/4 rằng các vụ vi phạm không phận xảy ra chủ yếu ở vùng biên giới giữa Ukraine và Nga. “Tôi có thể xác nhận trong 24 giờ qua, máy bay Nga đã tiến vào không phận Ukraine nhiều lần”, ông nói.
Tuy nhiên ông không cho biết chi tiết những vụ việc trên xảy ra ở vị trí nào và máy bay chiến đấu nào của Nga tham gia vào vụ việc.
Ông Warren kêu gọi Nga “thực hiện ngay các bước để giảm leo thang căng thẳng”.
Trước đó, ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng có những đáp trả về tuyên bố của người đồng cấp phía Mỹ rằng Nga sẽ phải trả giá đắt cho sự can dự vào Ukraine. Ngày 25/4, ông Sergei Lavrov đã tố Mỹ muốn xâm chiếm Ukraine.
Ngoại giao Nga - Mỹ ngày một căng thẳng. |
Ông Lavrov cảnh báo “sức mạnh tuyên truyền của Mỹ” đã được nhắm tới “việc bôi nhọ Nga, bôi nhọ những người đang biểu tình chống lại các hành động phi pháp của giới chức Kiev, những kẻ đang cố gắng cấm đoán người Nga và tìm cách xem toàn bộ người Nga và những người nói tiếng Nga là kẻ thù cần bị sát hại”.
“Nếu cần nói ra sự thật, phương Tây - đó là cách tất cả mọi chuyện bắt đầu - muốn chiếm lấy Ukraine, đang bị kích động duy nhất bởi tham vọng địa chính trị của mình và không quan tâm gì tới người Ukraine”, ông Lavrov khẳng định.
Còn tại Ukraine, lực lượng tự vệ địa phương đang chiếm giữ thị trấn miền Đông Slavyansk hôm qua tuyên bố sẽ quyết không đầu hàng, trong khi quân đội Ukraine thiết lập một vành đai phong tỏa khu vực này.
"Chúng tôi không giao nộp khu vực nào cả", một người có vũ trang đứng gác tại khu vực từng bị quân đội Ukraine tấn công nói.
Nếu quân đội của Kiev quay trở lại, "chúng tôi sẽ giáng đòn mạnh mẽ và không nhân nhượng", một binh sĩ khác đeo mặt nạ trượt tuyết, cầm súng Kalashnikov, quả quyết.
Kiev cho biết binh sĩ quân đội sẽ không tấn công Slavyansk lần nữa trong thời gian tới. Thay vào đó, họ thiết lập vành đai bao quanh thị trấn để không cho quân tiếp viện của lực lượng tự vệ tiếp cận Slavyansk và tránh thương vong cho dân thường.
Tay súng giấu mặt tại thị trấn Slavyansk. |
Trong một diễn biến khác, áp lực đang đổ dồn về phía Nga khi nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí áp dụng lệnh trừng phạt mới đối với Nga do liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và lệnh trừng phạt có thể có hiệu lực ngay vào thứ hai tới.
Những tuyên bố cứng rắn trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Obama, hiện đang công du Seoul, nói chuyện qua điện thoại với các lãnh đạo cấp cao của châu Âu, mà theo Bộ Ngoại giao Mỹ là minh chứng cho thấy các đồng minh đang sát cánh bên nhau.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Mỹ nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt của mỗi nước không giống nhau. Các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm tới các cá nhân nhưng sẽ không chống lại các ngành trong nền kinh tế Nga. Nhiều nền kinh tế châu Âu hiện đang gắn kết chặt chẽ với Nga, nhà cung cấp năng lượng chính của họ.