Nga - Mỹ điện đàm nhằm giải quyết khủng hoảng
Theo bản thông cáo của điện Kremlin hôm thứ 2 (14/4), hai vị nguyên thủ Putin và Obama đã trao đổi trên nhiều khía cạnh của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine với những diễn biến leo thang mới đây ở miền Đông và Nam nước này.
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Obama đã có cuộc điện đàm về khủng hoảng Ukraine chiều qua 14/4. (Ảnh minh họa) |
Trong cuộc điện đàm của 2 nhà lãnh đạo Nga, Mỹ, Tổng thống Putin đã bác bỏ các buộc mới đây cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm về bất ổn ngày càng gia tăng tại miền Đông Ukraine, nơi những người biểu tình ủng hộ Nga xông vào chiếm giữ nhiều tòa nhà chính quyền địa phương cũng như một số trụ sở cảnh sát.
"Đáp trả quan ngại của Tổng thống Mỹ về sự can thiệp của Nga (như nhiều cáo buộc) ở Đông Nam Ukraine, Tổng thống Nga nhấn mạnh, những suy đoán đó đều dựa trên thông tin bịa đặt, không chính xác", thông cáo báo chí của Điện Kremlin viết.
Theo đó, Tổng thống Putin cho hay, những cuộc biểu tình ở một số vùng phía Đông Nam của Ukraine là hậu quả của "việc chính phủ ở Kiev không muốn và không có khả năng đáp ứng những lợi ích (hợp pháp) của người Nga và công dân nói tiếng Nga (trong khu vực)".
Từ đó, Tổng thống Nga kêu gọi Tổng thống Obama dùng ảnh hưởng của ông đối với Kiev và vận dụng hết mọi khả năng của Mỹ "để ngăn chặn việc sử dụng vũ lực và đổ máu" tại Ukraine.
Trong khi đó, về phần Mỹ, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, Tổng thống Obama đã kêu gọi Nga ngừng can thiệp vào Ukraine, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ chính quyền lâm thời Ukraine, trong đó có việc cung cấp các khoản viện trợ “không gây sát thương” và kinh tế.
Theo kế hoạch, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến công du tới Kiev từ ngày 22/4 tới nhằm “thể hiện sự ủng hộ cấp cao” của Mỹ cho chính phủ tạm quyền Ukraine. Phó Tổng thống Joe Biden sẽ là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Kiev kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng nổ tại quốc gia này.
Miền Đông Ukraine quyết đối đầu
Động thái của hai nhà lãnh đạo Nga Mỹ cho thấy tình hình vô cùng căng thẳng ở Ukraine.
Nhiều nhà quan sát đã không khỏi lo ngại khi những tay súng nổi dậy ở miền Đông Ukraine đánh chiếm thêm một đồn cảnh sát ở thành phố Horlivka gần vùng Donetsk, tiếp tục chiếm giữ các tòa nhà chính quyền, phớt lờ thời hạn chót mà chính phủ Ukraine đưa ra vào ngày hôm qua.
Cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại khu vực miền Đông Ukraine |
Tổng thống lâm thời của Ukraine, ông Oleksandr Turchynov, tuyên bố sẽ triển khai một “chiến dịch chống khủng bố toàn diện”, nếu các tòa nhà chính quyền ở Slavyansk cùng nhiều thị trấn và thành phố khác không được trả lại vào lúc 6h GMT ngày 14/4. Nhưng thời hạn này đã qua đi mà cờ của Nga vẫn bay trên nóc đồn cảnh sát ở Slavyansk và không có dấu hiệu gì cho thấy những người nổi dậy tuân thủ tối hậu thư của chính quyền, BBC đưa tin ngày 14/4.
Một số người lo ngại sẽ xảy ra bạo lực lớn sau hạn chót, nhưng đến nay vẫn chưa có biến cố lớn nào xảy ra. Slavyansk (thuộc vùng Donetsk) đã hoàn toàn bị vây quanh bởi rào chắn và các tay súng nổi dậy đang đứng gác tại các trạm kiểm soát nằm trên những tuyến đường chính dẫn vào thành phố. Ít nhất 100 người nổi dậy đã tấn công đồn cảnh sát ở thành phố Horlivka hôm 14/4. Đoạn video chiếu trên truyền hình Ukraine ghi lại cảnh một xe cứu thương đang chuyển những người bị thương sau vụ tấn công, Reuters đưa tin.
Dù Kiev tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát Slavyansk, các nhà quan sát cho rằng, một cuộc tấn công tổng lực sẽ gây rủi ro lớn và có thể châm ngòi cho một phản ứng không có lợi từ phía Nga. Ông Turchynov tuyên bố sẽ không cho phép lặp lại sự việc giống như Crimea ở miền đông đất nước, nơi phần lớn dân số nói tiếng Nga.
Tuy nhiên, diễn biến căng thẳng ở Ukraine khiến nhiều người lo ngại rằng không thể nói trước được điều gì.