Nga-Trung ’tung hứng’ vụ Snowden thế nào?

( PHUNUTODAY ) -

(Đời sống) - Vụ cựu nhân viên kỹ thuật của CIA Edward Snowden, người đang lẩn tránh hệ thống tư pháp của Mỹ sau khi tiết lộ chương trình do thám Internet của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) một lần nữa thử thách quan hệ ngoại giao Mỹ - Nga - Trung vốn đang phức tạp bởi hồ sơ Syria.
 
 
Vụ Edward Snowden chạy sang Hong Kong (Trung Quốc) tiết lộ các chương trình tuyệt mật của cộng đồng tình báo Mỹ không chỉ gây căng thẳng nội bộ Mỹ, làm bẽ mặt Washington, mà còn gây ra những rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với một số quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Nga. Tung tích Snowden cho đến nay vẫn còn là điều bí ẩn.
 
Liệu vụ Snowden này có gây rạn nứt mối quan hệ của bộ ba Mỹ - Nga - Trung
Liệu vụ Snowden này có gây rạn nứt mối quan hệ của bộ ba Mỹ - Nga - Trung?
 
TTXVN đưa tin, từ ngày 10/6, Chính quyền Mỹ đã liên lạc với Hong Kong để xác minh thông tin Snowden đang lưu trú tại khu vực này, đồng thời bày tỏ sự lạc quan về hợp tác của hai bên trong việc xử lý vụ việc. Một quan chức thuộc Bộ Tư pháp Mỹ cho hay Bộ trưởng Eric Holder đã điện đàm với người đồng cấp Hong Kong Rimsky Yuen ngày 19/6 để thúc giục Hong Kong tôn trọng yêu cầu của Mỹ về việc bắt giam Snowden. Tuy nhiên, quan chức này cho biết Mỹ đã vô cùng thất vọng khi Hong Kong cho phép Snowden xuất cảnh một cách hợp pháp.

Văn phòng Thông tin chính quyền Hong Kong ngày 23/6 cho biết Snowden đã rời Hong Kong một cách hợp pháp sang nước thứ ba. Thông cáo cho biết thêm chính phủ Mỹ đã chuyển lệnh bắt tạm thời cho chính quyền Hong Kong, nhưng văn kiện của chính phủ Mỹ không hoàn toàn phù hợp với luật pháp Hong Kong. Do vậy, trong khi chưa đủ thông tin xử lý lệnh bắt, chính quyền Hong Kong không có căn cứ pháp lý để ngăn cản Snowden rời khỏi hòn đảo này. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cho hay trong các cuộc thảo luận trước đó vào ngày 21/6, phía Hong Kong không hề đưa ra bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến tính chính đáng của yêu cầu mà Mỹ đưa ra.

Các quan chức Mỹ tin rằng chính quyền Bắc Kinh đã tác động tới chính quyền Hong Kong để cho phép Snowden rời khỏi khu vực. Với việc làm này, Trung Quốc có thể tránh khỏi một tình huống "nhạy cảm", nhiều khả năng làm bùng phát xung đột chính trị.
 
Trong lời chỉ trích bất thường nhằm thẳng vào Bắc Kinh, ngày 24/6, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nêu rõ: "Liên quan đến Chính phủ Trung Quốc, chúng tôi sẽ không chấp nhận rằng đây là quyết định theo luật của một quan chức di trú Hong Kong. Đây là sự lựa chọn có chủ ý của chính phủ nhằm thả một một người lánh nạn bất chấp lệnh bắt giữ hợp lệ và quyết định đó tất nhiên có ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ Mỹ-Trung".
 
Trong khi đó, trước thông tin Snowden rời Hong Kong sang Nga, phát ngôn viên Carney, Nhà Trắng cho rằng Nga nên chấp thuận yêu cầu của Mỹ về việc trục xuất Snowden về quê nhà.
 
Ông Carney nhắc đến việc tăng cường hợp tác với Nga trong lĩnh vực thực thi pháp luật sau vụ đánh bom kép ở Boston và Mỹ đã trao trả "nhiều tội phạm đầu sỏ về Nga theo yêu cầu của Chính phủ Nga".
 

Mỹ liên tục lớn tiếng đưa ra những lời cảnh báo với Trung Quốc và Nga về vụ Snowden này
Mỹ liên tục lớn tiếng đưa ra những lời cảnh báo với Trung Quốc và Nga về vụ Snowden này
 
Đáp lại cáo buộc của Mỹ rằng Bắc Kinh đã gây áp lực lên chính quyền HongKong buộc đặc khu này để Snowden rời đi một cách an toàn dù Washington đã yêu cầu HongKong bắt giữ kẻ "gián điệp phản bội", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng lên án các cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ và không thể chấp nhận được".
 
Nhân dân nhật báo phiên bản tiếng Anh viết: Trong một ý nghĩa nào đó, Mỹ đã đi từ “mô hình nhân quyền” tới “kẻ nghe trộm, xâm phạm quyền riêng tư cá nhân”, “kẻ thao túng” và “kẻ xâm lược” hệ thống mạng của các nước khác.
 
"Thế giới sẽ nhớ Edward Snowden”, tờ báo cho hay. “Sự gan lì của Snowden đã xé toạch mặt nạ của Washington”.
 
Theo một nguồn tin giấu tên từ phía Bắc Kinh: “Nếu giao Snowden cho Mỹ, Trung Quốc sẽ chỉ là kẻ chạy theo Mỹ và bị chỉ trích bởi những người sử dụng Inernet ở Trung Quốc và nước ngoài, những người thông cảm với hành động của Snowden”.
 
Trong khi đó, Tân Hoa Xã lại có giọng điệu ôn hòa hơn: Cả Bắc Kinh và Washington đều hiểu rằng một cá nhân, một vụ việc cá biệt không nên và không được phép làm tổn thương một trong những mối quan hệ quan trọng nhất thế giới. Đó là vì lợi ích của cả hai quốc gia, giữ những động lực tích cực thúc đẩy mối quan hệ song phương.
 
Về phần mình, Nga cũng bác bỏ mọi liên quan đồng thời phản ứng với Mỹ. Ngày 25/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định: "Chúng tôi không liên quan tới ông Snowden, những quan hệ của ông ta với luật pháp Mỹ, cũng như những hoạt động của ông ấy trên khắp thế giới” - Ngoại trưởng Nga nói, đồng thời khẳng định không liên quan tới kế hoạch hành trình cựu nhân viên CIA này.
 
AFP dẫn lời Tổng thống Putin gọi những cáo buộc nhằm vào nước này là “rác rưởi” đồng thời nhấn mạnh Nga không có hiệp ước dẫn độ với Mỹ và Snowden “là một người tự do”.
 
Trong khi đó, Nga cho rằng không có cớ gì phải
Trong khi đó, Nga cho rằng không có cớ gì phải "dẫn giải" hay trục xuất Snowden
 
Trong khi đó, một quan chức nhân quyền của Nga, ông Vladimir Lukin khẳng định, Mỹ không có quyền yêu cầu Nga bắt giữ hay dẫn độ Snowden. Theo ông Lukin, Snowden không phạm tội ở Nga, cũng như các nhà chức trách Nga không nhận được bất kỳ thông báo nào của Tổ chức cảnh sát chống tội phạm quốc tế về lệnh bắt giữ công dân này, vì vậy Nga không có cơ sở để bắt ông ta. 
 
Trong phát biểu mới nhất, Tổng thống Nga thừa nhận Edward Snowden vẫn đang trong khu quá cảnh ở sân bay Sheremetyevo, song Nga sẽ không dẫn độ theo yêu cầu của Mỹ.
  • Nam Phong (Tổng hợp theo TTO, VOV, TTXVN)

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn