Ngâm rau sống nước muối tốt hay hại? Mách bạn 6 mẹo "vàng" dễ làm, hiệu quả hơn

14:35, Thứ hai 21/04/2025

( PHUNUTODAY ) - Ngâm rau sống nước muối được nhiều người tin là cách làm đơn giản mà lại giúp sạch, an toàn khi ăn rau củ quả sống.

Hiện nay vẫn nhiều người vẫn có thói quen ngâm rau sống trong nước muối loãng với niềm tin rằng điều này giúp loại bỏ ký sinh trùng và vi khuẩn. Điều này đã truyền qua truyền lại nhiều năm, nhiều người và biến thành niềm tin vững chắc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, đây lại không phải là phương pháp hiệu quả và an toàn như bạn nghĩ.

Vì sao ngâm rau củ trong nước muối không hiệu quả?

Nước muối pha loãng không có khả năng tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn hay ký sinh trùng bởi nồng độ chưa đủ mặn. Nếu bạn pha nước muối đủ mặn để diệt khuẩn thì lại khiến rau củ bị héo, nhũn và mất độ giòn ngon tự nhiên. Đó là vì muối làm rau mất nước, khiến kết cấu tế bào bị phá vỡ, rau dễ bị mềm, mất vị ngọt và không còn tươi ngon.

Không chỉ vậy, việc ngâm nước muối không giúp loại bỏ được hóa chất bảo vệ thực vật – một trong những yếu tố nguy hại tiềm ẩn trên rau củ quả. Chính vì thế, cách làm này được coi là thói quen cũ kỹ và không thực sự hiệu quả nên không cần thiết duy trì nữa.

Ngâm rau củ nước muối không thực sự đủ mạnh để đảm bảo an toàn thực phẩm
Ngâm rau củ nước muối không thực sự đủ mạnh để đảm bảo an toàn thực phẩm

Gợi ý 6 cách rửa rau củ quả sạch và an toàn

Không cần thiết phải dùng nước muối, bạn có thể áp dụng các cách sau:

1. Rửa dưới vòi nước chảy

Đây là cách đơn giản mà cực kỳ hiệu quả và rửa bất cứ loại rau củ gì cũng nên áp dụng cách này đầu tiên. Thay vì ngâm rau trong chậu nước, bạn nên rửa từng mớ rau, từng tàu lá rau, từng quả riêng lẻ dưới vòi nước chảy mạnh. Dòng nước sẽ giúp cuốn trôi bụi bẩn, vi khuẩn, trứng giun hay ký sinh trùng bám trên bề mặt.

Lưu ý: Hãy dùng tay chà nhẹ vào bề mặt rau củ để làm sạch kỹ hơn nhưng tránh làm dập nát rau. Sau khi rửa sạch, có thể ngâm rau thêm 10 phút trong nước sạch để hỗ trợ phân huỷ một số chất tồn dư, sau đó rửa lại vài lần dưới vòi nước.

Rửa dưới vòi chảy là điều đáng lưu tâm nhất khi làm sạch
Rửa dưới vòi chảy là điều đáng lưu tâm nhất khi làm sạch

2. Sử dụng nước kiềm để rửa rau

Nước có độ kiềm cao (pH > 10) có khả năng khử khuẩn tốt. Bạn có thể dùng nước kiềm từ máy tạo nước hoặc bột pha sẵn trên thị trường để rửa rau củ. Sau khi làm sạch bụi bẩn, ngâm rau trong nước kiềm khoảng 5–15 phút, rồi rửa lại bằng nước sạch 3–5 lần.

Độ kiềm từ 10 đến 12 được cho là lý tưởng để loại bỏ vi khuẩn và hóa chất tồn dư trên rau quả.

3. Gọt vỏ rau củ quả

Mặc dù vỏ là nơi chứa nhiều chất xơ và dinh dưỡng, nhưng đây cũng là nơi tích tụ thuốc trừ sâu và hóa chất. Nếu không chắc chắn về nguồn gốc rau củ, bạn nên gọt bỏ lớp vỏ ngoài để đảm bảo an toàn hơn.

Một số loại rau quả nên được gọt vỏ trước khi sử dụng như: táo, lê, kiwi, cà rốt, dưa leo, bí đỏ, củ cải, cà tím...

Một số loại rau quả nên gọt vỏ chấp nhận mất một phần dinh dưỡng nhưng an toàn
Một số loại rau quả nên gọt vỏ chấp nhận mất một phần dinh dưỡng nhưng an toàn

4. Chần rau củ qua nước sôi

Chần rau qua nước sôi trước khi chế biến cũng là một cách giảm thiểu dư lượng thuốc trừ sâu và vi khuẩn có hại. Các loại rau như đậu đũa, súp lơ, cải ngọt… có thể áp dụng phương pháp này. Chần trong vòng 1–3 phút tùy loại, sau đó vớt ra rửa lại rồi đem nấu canh, luộc hoặc xào như bình thường.

5. Để rau củ vài ngày trước khi sử dụng

Nhiều loại hóa chất bảo vệ thực vật sẽ phân hủy dần theo thời gian nếu để rau củ trong điều kiện nhiệt độ thường. Nếu không cần dùng ngay, bạn có thể để rau thêm vài ngày trước khi ăn. Enzyme tự nhiên trong rau và oxy từ không khí sẽ giúp phá vỡ một phần hóa chất còn sót lại.

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp với những loại rau củ có thời gian bảo quản lâu như bí, cà rốt, khoai tây, hành...

6. Rửa rau bằng baking soda

Baking soda là nguyên liệu quen thuộc trong nấu ăn và có khả năng làm sạch hiệu quả. Pha baking soda với nước theo tỷ lệ vừa phải, sau đó ngâm rau củ trong khoảng 20 phút rồi rửa sạch lại dưới vòi nước chảy. Cách này giúp loại bỏ vi khuẩn và một phần dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên hãy nhớ mua baking soda sạch không mua hàng trôi nổi.

Chính bởi những điều trên nên thay vì tiếp tục duy trì thói quen rửa rau bằng nước muối loãng – vốn không hiệu quả và có thể gây hại nếu dùng không đúng thì bạn có thể áp dụng các phương pháp làm sạch rau củ an toàn và khoa học hơn như rửa dưới vòi nước, sử dụng nước kiềm, baking soda hay chần sơ với nước sôi. Đó mới là cách bảo vệ sức khỏe gia đình bạn một cách thông minh và đúng đắn.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Như Bình