Vào mùa hè, chè đỗ đen là món ăn giải nhiệt được nhiều người yêu thích. Chỉ với những nguyên liệu vô cùng đơn giản là đỗ đen và đường, bạn đã có thể chế biến ra một món ăn thơm ngon, thích hợp cho ngày nắng nóng oi ả. Để tăng thêm độ hấp dẫn cho món chè đỗ đen, nhiều người sẽ cho thêm các nguyên liệu như trân châu, dừa nạo, cốt dừa, dầu chuối... Dù cách ăn như thế nào thì yêu cầu đối với món chè đỗ đen vẫn là hạt đỗ phải chín bở nhưng không bị nát, ngấm đường, giữ được độ béo, độ bùi.
Để không mất quá nhiều thời gian ninh đỗ mà hạt đỗ vẫn mềm, bạn có thể áp dụng những mẹo sau khi nấu chè đỗ đen.
Chọn đỗ đen ngon
Đỗ đen có hai loại là đỗ đen xanh lòng và đỗ đen lòng trắng. Thông thường, để nấu chè, dùng đỗ đen xanh lòng sẽ thơm ngon, bùi béo hơn.
Khi mua đỗ, hãy chọn những loại có kích thước vừa phải, vỏ mỏng, hạt đều. Hạt đỗ phải có màu sắc đen óng. Dùng tay bóp thử vài hạt thấy hạt chắc ruột.

Sơ chế và ngâm đỗ đen
Đỗ đen mua về loại bỏ các hạt sâu mọt, hạt lép. Vo đậu đen với nước sạch để loại bỏ bụi bẩn bên ngoài. Sau đó, cho đậu đen vào thau nước và ngâm cho đến khi hạt đậu nở to. Tùy theo đậu cũ hay đậu mới mà thời gian ngâm sẽ khác nhau. Đậu cũ sẽ cần ngâm lâu hơn, trong khoảng 1 tiếng. Đậu mới chỉ cần ngâm khoảng 30 phút là được.
Mẹo nấu chè đỗ đen nhanh nhừ
Thông thường, quá trình nấu chè đỗ đen mất rất nhiều thời gian. Bạn sẽ phải ninh đỗ với lửa nhỏ trong khoảng 1 tiếng để hạt đậu mềm nhừ mới được. Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian nấu, bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ dưới đây.
- Ủ đỗ đen với muối
Cho đỗ đen vào nồi và thêm một lượng nước vừa đủ, tùy theo nhu cầu. Bạn không cần cho đường ngày từ đầu. Thay vào đó, hãy cho một chút muối vào nồi. Bật bếp và chờ cho nước sôi, sau đó hạ nhỏ lửa. Vớt phần bọt nổi lên trên và nấu sôi lăn tăn trong khoảng 5 phút.
Sau đó, tắt bếp và đậy kín vung nồi. Ủ/om đậu trong nước nóng khoảng 30 phút.
Tiếp đó, bật bếp và nấu cho nồi chè sôi lại trong 5 phút. Lúc này, có thể thêm đường cho vừa ăn.
Kiểm tra xem hạt đỗ đã đạt độ chín như mong muốn hay chưa. Nếu muốn đỗ chín nhừ hơn nữa, hãy lấy giấy bạc bọc phín miệng nồi. Việc này giúp giữ nhiệt tốt hơn cho nồi chè, giúp hạt đỗ tiếp tục chín mềm mà không cần phải nấu trực tiếp trên bếp.
Khi nấu chè, thêm một chút muối có tác dụng làm suy yếu một phần phên tử pectin trong hạt đỗ. Khi đó, hạt đỗ sẽ nhanh chín mềm hơn. Ngoài ra, khi nấu các món ngọt, thêm muối sẽ giúp tạo ra hương vị đậm đà hơn.

- Ủ đỗ đen với baking soda
Đầu tiên, bạn sẽ cần luộc đỗ đen trong nồi nước sôi. Thời gian luộc khoảng 3 phút. Vớt hạt đậu ra rửa lại bằng nước sạch để loại bỏ tạp chất cũng như mùi nồng của hạt đỗ.
Tiếp đó, cho đỗ và nước vào nồi, thêm một ít baking soda rồi bật bếp, đun cho nồi chè sôi lên. Khi nước sôi, vặn nhỏ lửa và vớt bỏ bọt. Tiếp tục đun lửa liu riu trong vài phút. Tắt bếp và đậy kín nắp nồi để ủ cho hạt đỗ chín mềm mà không bị nát.
Sau thời gian ủ, bật bếp và đun nhỏ lửa cho hạt đỗ chín mềm hơn nữa. Khi thấy hạt đỗ đạt độ chín như mong muốn thì tắt bếp.
Vớt phần đỗ ra nồi riêng và thêm một lượng đường vừa phải, tùy theo khẩu vị. Cho nồi đỗ lên bếp, nấu nhỏ lửa và đảo đều cho từng hạt săn lại, ngấm đường.
Khi hạt đỗ đã ngấm đường, cho đỗ vào nồi nước chè và đun sôi lại một lần nữa là xong.
Tùy theo sở thích, bạn có thể ăn chè đỗ đen khi còn nóng (cách này phù hợp với mùa đông) hoặc chờ cho chè nguội và dùng với đá. Chè đỗ đen chưa ăn đến cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Hy vọng với những cách nấu chè đỗ đen nêu trên, bạn sẽ có những cốc chè thơm ngon mà không tốn quá nhiều công sức trong việc nấu nướng.