Ngành giáo dục mang dấu ấn Ngọc Trinh thế nào?

07:44, Thứ năm 10/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Việc hình ảnh Ngọc Trinh xuất hiện trong đề thi học sinh giỏi của Hải Phòng đang khiến nhiều người bàn tán xôn xao. Xôn xao cũng phải, vì người ta thấy dáng dấp của Nữ hoàng nội y đang dần dần xâm chiếm cả vào ngành Giáo dục, đến điều này mà còn không làm nhiều người tò mò thì thật là đáng tiếc.

Hôm qua (9/10), trên mạng internet bỗng xuất hiện một 'đề thi lạ', lạ ở chỗ đó là đề thi học sinh giỏi môn Văn của Hải Phòng đã 'táo bạo' đưa hình ảnh và phát ngôn được coi là sốc nhất của Nữ hoàng nội y Ngọc Trinh vào đề thi. Điều này gây ra một luồng dư luận trái chiều mạnh mẽ, người đồng tình, người phản đối, người cho là hay nhưng người thì cho là dở.

Nhưng nếu để ý kỹ một chút sẽ thấy rằng Ngọc Trinh đang có tầm ảnh hưởng đến ngành Giáo dục mà biểu hiện đầu tiên đó chính là hình ảnh của Trinh đã đi vào đề thi một cách rất tự nhiên và đẹp đẽ. Cô đã truyền cảm hứng cho biết bao thí sinh cũng như cho cả một hội đồng thi.

Hình ảnh Ngọc Trinh được đưa vào đề thi - một minh chứng cho sự xâm lấn ngành Giáo dục của Nữ hoàng đồ lót.

Xét về điểm tương đồng thì ngoài Ngọc Trinh ra cũng chẳng còn hotgirl, kiều nữ nào có thể xứng tầm với ngành Giáo dục, chẳng ai có nhiều tính cách đặc trưng giống với ngành Giáo dục như nữ hoàng nội y. Ngọc Trinh thật thà, thẳng thắn, dám nói dám làm, đã làm là làm cho ra nhẽ. 

Sự thật thà của Ngọc Trinh đã được kiểm chứng qua vô vàn những câu nói đậm chất ngô nghê, chân thành của cô. Trong giới giải trí Việt, có lẽ ít ai có những câu nói mang tầm “ranh ngôn” như Ngọc Trinh: "Tôi không nhận mình giỏi, vì tôi biết chỉ khi  nào mình tự làm ra mình mới giỏi. Còn tôi chỉ là may mắn thôi. Điều giỏi nhất của tôi có lẽ là ngoan", "Tôi thấy rất tự tin về body của mình. Tôi cũng nhìn dáng của những người mẫu rồi, không phải ai cũng được nuột nà như tôi". Hay "Yêu tôi tốn kém lắm. Tôi ham tiền nhưng không dùng mọi cách để kiếm tiền. Tôi còn phải chừa một phương lấy chồng chứ. Nghèo chắc không yêu đâu"... 

“Chính vì lời lẽ của mọi người chửi tôi sống bám này nọ, tôi mới quyết tâm tự lập. Chứ không có, chắc tôi cũng mãi ỷ theo bạn trai mình. Cảm ơn những câu chửi của người đời, tôi mới nhận ra mình rất giỏi”.

Đặc biệt là câu nói "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn" giờ đây đã trở thành 'thương hiệu' của Ngọc Trinh. Nó được coi như một chân lý trong cuộc sống, chỉ có điều, còn nhiều người vì e ngại mà chưa dám khẳng định là Ngọc Trinh nói đúng. Với câu nói này của Ngọc Trin, không ít người đã phùng má trợn mắt vì ngạc nhiên, một số khác thì che miệng cười tủm.

Liệu có mấy ai khẳng định được rằng sống trên đời mà không cần tiền, sinh sống ở mảnh đất đắt đỏ như TP.HCM và Hà Nội thì đúng là không có tiền có lẽ đất cũng không có mà cạp. 

Ngọc Trinh xứng đáng được tôn vinh vì cô dám nói thẳng, nói thật, điều mà hiếm người trong giới showbiz dám làm. Phải chăng vì nhận thức được điều này sớm, nên ngành Giáo dục đã quyết định 'chọn mặt gửi vàng' cho Ngọc Trinh, dần dần đưa cô vào làm hình ảnh đại diện cho lớp trẻ bởi sự thật thà đặc trưng vốn có của Trinh quá giống với ngành Giáo dục.

Điểm tương đồng giữa ngành này và Ngọc Trinh ấy chính là tinh thần thẳng thắn thật thà, dám nói dám làm. Ví như chuyện Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng thật thà thừa nhận việc dù đã cải thiện nhiều nhưng trên tổng thể, giáo dục phổ thông vẫn không đủ đảm bảo chất lượng tối thiểu. Hiện trạng ấy có thể nhiều người đã nói nhưng để người đứng đầu ngành giáo dục thừa nhận thì ấy chính là sự dũng cảm, thành thật hiếm thấy.

Ngọc Trinh thẳng thắn, thật thà y như Bộ giáo dục.

 

Một quan điểm khác của ngành Giáo dục mang dáng dấp 'dám nghĩ, dám nói và dám làm' như Ngọc Trinh đó là việc ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, mà đối tượng ở đây đó chính những... Bà mẹ Việt Nam anh hùng. 

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố thông tư này đã có nhiều ý kiến cho rằng quy định này không thực tế bởi nếu bà mẹ Việt Nam anh hùng có dự thi ĐH thì cũng ở độ tuổi xưa nay hiếm.

Dù đã ngót nghét trăm tuổi, chẳng có Bà mẹ Việt Nam anh hùng nào có thể đi thi được cả, thế nhưng Bộ vẫn kiên định: “Đây là quy định của Nghị định nên cấp dưới không được trái lệnh. Bộ GD-ĐT đã cập nhật thông tin, nghiên cứu kỹ về vấn đề này mới ban hành, mặc dù biết rằng đối tượng sẽ rất ít hoặc không có nhưng vẫn phải đưa ra quy định. Đây là nguyên tắc sử dụng văn bản pháp luật, Bộ không thể làm khác được”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết.

Ông Tạ Văn Thiều-phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐ,TB&XH còn khẳng định Thông tư của Bộ GD-ĐT bổ sung diện bà mẹ Việt Nam anh hùng; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 vào diện ưu tiên là không quá xa vời với thực tế.

Hay như việc Bộ Giáo dục "chỉ đạo mật" lãnh đạo Sở GD-ĐT 63 tỉnh thành giữ cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 không được cao hơn tỷ lệ các năm trước mà một biểu hiện hùng hồn cho sự chân thành, thật thà của Bộ. Vụ việc chỉ vỡ ra tại Hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục tổ chức tại Đà Lạt, Lâm Đồng, ngày 20/7. Khi đó, trong phần tổng kết, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Trong năm học vừa qua, toàn ngành giáo dục đã quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước, nhằm chống căn bệnh thành tích và siết chặt giám sát thi cử. 

Ấy cái sự thật thà của ngành giáo dục sao chân chất như những phát ngôn của Ngọc Trinh đến thế. Nhưng chừng đó cũng chưa đủ để thấy tầm ảnh hưởng, hơi hướng của Ngọc Trinh đối với ngành. Ngọc Trinh là hoa hậu, là nữ hoàng nội y nên cô rất đẹp, đẹp y như những báo cáo của ngành giáo dục. 

Còn nhớ, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm 2012 cao nhất không chỉ so với thời kỳ bắt đầu 'hai không' đến nay mà còn so với nhiều năm trước đó.

Tổng số thí sinh đỗ tốt nghiệp năm vừa qua là 940.225, đạt tỉ lệ 97,63%. Nếu tính riêng giáo dục THPT thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là 98,97%.

Ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT thừa nhận: “Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được khắc phục triệt để là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm, tiêu cực trong thi cử”.

Khi nhìn vào Ngọc Trinh, người ta thường chỉ biết khen Trinh đẹp, và khi nhìn vào những con số trong ngành Giáo dục, nhiều người cũng chỉ biết trầm trồ thán phục vì những con số trong báo cáo.

Qua những ví dụ cụ thể trên, có lẽ người đọc cũng phần nào hiểu được lí do mà kẻ viết bài cho rằng Ngọc Trinh đang xâm lấn ngành giáo dục. Bởi yếu tố thẳng thắn, thật thà, dám nói dám làm và đều... đẹp là điểm tương đồng hoàn hảo của cả hai bên.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: