Trong khi ngành y tế Việt Nam tự hào thu hút được nhiều bệnh nhân nước ngoài thì quốc tế lại không cho rằng Việt Nam là một điểm đến về du lịch chữa bệnh.
Tại phiên thảo luận du lịch chữa bệnh ngày 9/4 ở Singapore trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về sức khỏe vùng châu Á, Việt Nam không được đề cập như là một điểm đến về du lịch chữa bệnh.
Trong số các điểm đến chữa bệnh cho du khách quốc tế được nhiều người nhắc đến, châu Phi và Trung Đông có năm quốc gia, châu Mỹ có mười nước, châu Âu có 12 nước, và châu Á có 10 nước và vùng lãnh thổ.
Tại châu Á, bên cạnh các cường quốc kinh tế và y tế như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, còn có các nước mà hệ thống chăm sóc y tế thoạt nhìn có vẻ không hơn Việt Nam là bao. Đó là Pakistan, Ấn Độ, Malaysia, và Philippines. Không những thế, hai nước này còn lọt vào danh sách 15 điểm đến hấp dẫn nhất.
Xét trên quy mô toàn cầu, một số nước có nền kinh tế không hơn Việt Nam nếu không muốn nói còn thấp hơn lại nằm trong nhóm năm điểm đến hấp dẫn nhất về du lịch chữa bệnh. Đó là Cuba, Colombia, và Costa Rica.
Đề cập đến hiện tượng có vẻ bất thường này, ông Lim Heng Seng, trợ lý giám đốc phụ trách phát triển doanh nghiệp Bệnh viện Mount Alveria - bệnh viện tư nhân và từ thiện lớn nhất Singapore, đưa ra một lý giải: "Thay vì chỉ nhắm vào chữa trị bệnh tật, các nước nói trên đã đặt chăm sóc bệnh nhân lên hàng đầu. Tại Mount Alveria - còn là bệnh viện tư lâu đời nhất ở Singapore, khẩu hiệu của y bác sỹ là “Chúng tôi điều trị bệnh nhân chứ không phải điều trị bệnh. (We treat patients but not diseases). Chúng tôi phục vụ với tất cả tấm lòng yêu thương”.
Việt Nam không được đề cập như là một điểm đến về du lịch chữa bệnh. |
Trước đó, ngành y tế Việt Nam vui mừng cho biết hiện nay, nước ta có nhiều bác sĩ có tay nghề cao, cùng chi phí điều trị rẻ đã thu hút được nhiều bệnh nhân ở nước ngoài.
Đơn cử tại khoa hiếm muộn BV Từ Dũ TP.HCM, số lượng Việt kiều và người nước ngoài đến khám liên tục tăng, chiếm 5 - 10% trong 1.300 ca hiếm muộn mà bệnh viện thực hiện mỗi năm. Tại khoa Hiếm muộn Bệnh viện An Sinh TP.HCM, trong năm 2011 đã có 201 cặp vợ chồng từ nước ngoài đến điều trị vô sinh. Trong đó, 50% đến từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Kenya, Tanzania.
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, chia sẻ hiện Việt Nam là nơi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nhiều nhất khu vực Đông Nam Á với tỷ lệ thành công cao và thực hiện được hầu hết kỹ thuật điều trị trên thế giới. Trong khi đó, chi phí chỉ bằng 1/4 - 1/3 so với các nước trong khu vực, còn nếu so với Mỹ thì chỉ bằng 1/8 - 1/6.
Không chỉ có bệnh nhân là người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh mà tại các BV Chợ Rẫy, ĐH Y dược TP.HCM mỗi năm đón ít nhất 20 bác sĩ đến từ các nước Đông Nam Á sang học các kỹ thuật mới về nội soi tiêu hóa, tim mạch, nhi,...
Đây không chỉ là lần đầu tiên ngành y tế Việt Nam tự khen mình khi vinh danh thành tựu kiểm soát bệnh lạ.
Trong năm 2011-2012, có 24 người ở huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi chết vì bệnh “lạ” và đến năm 2013 tiếp tục có thêm ca bệnh mới, thế nhưng ngành y tế khẳng định đã phát hiện được căn nguyên, khống chế được căn bệnh này, và coi đây là “1 trong 10 thành tựu tiêu biểu ngành y tế năm 2012”!
- Cam Thảo (tổng hợp)
[links()]