Chứng đầy hơi, khó tiêu
Chứng đầy hơi, khó tiêu xảy ra thường xuyên có thể là biểu hiện của các bệnh đường tiêu hóa như: viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng, giảm nhu động ruột hoặc dạ dày, táo bón, sau phẫu thuật ống tiêu hóa, ung thư dạ dày… Việc dùng một số thuốc cũng ảnh hưởng đến chức năng sinh lý bình thường của hệ tiêu hóa…
Trong những ngày Tết, nếu ăn quá nhiều thức ăn chứa chất béo, tinh bột, đạm, nhiều gia vị, uống nhiều bia rượu; hoặc ăn uống quá nhanh, nhai không kỹ, ăn xong đã đi nằm… bạn sẽ dễ phát sinh chứng đầy hơi, khó tiêu, đặc biệt với những người trong quá khứ có bệnh mạn tính của hệ tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm đại tràng, viêm gan, viêm tụy.
Gừng làm giảm đầy hơi, khó tiêu hiệu quả
Gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng điều chỉnh tình trạng co thắt cơ trơn dạ dày - ruột, giúp tiêu hóa thức ăn. Có thể dùng gừng dạng tươi hoặc khô.
- Vài lát gừng tươi, nhai ít một cho đến khi hết cảm giác đầy trướng.
- Giã nhuyễn gừng, pha với nước nóng hoặc với mật ong uống từ từ.
- Pha một muỗng nước gừng + một muỗng nước cốt chanh + một muỗng mật ong với một ly nhỏ ấm rồi uống từ từ.
- Dùng 150g gừng tươi băm nhỏ, phơi hoặc sấy khô trộn với mật ong để ăn từ từ trong ngày.
- Gừng khô 10g, hãm với 100ml nước sôi uống dần trong ngày.
Lưu ý: Phụ nữ đang hành kinh, rong kinh hoặc có thai chỉ nên dùng một lượng ít.
Thực phẩm làm giảm đầy bụng hiệu quả khác
1. Sữa chua
Tuy sữa dễ gây đầy hơi nhưng sữa chua lại tốt cho đường ruột do chứa vi khuẩn lactobacillus, giúp tiêu diệt các vi khuẩn có hại gây đầy hơi.
2. Nước chanh và gừng
Những gì bạn cần là hai thìa nước cốt chanh và gừng, mật ong. Pha chúng trong một cốc nước ấm. Uống nó sau mỗi bữa ăn “quá đà” để hỗ trợ tiêu hóa.
3. Dứa
Dứa có chứa bromelain và đây là một loại enzyme có tác dụng thúc đẩy tiêu hóa, giảm bớt hơi bị ứ đọng và di ngược lên thực quản, từ đó giảm cảm giác bị đầy bụng. Những người bị bệnh thận không nên ăn dứa vì trong dứa giàu bromelain, sẽ làm hòa tan hemaleucin và casein ở thận, làm suy giảm chức năng của thận.