Thì ra ký ức tôi đã đo không gian theo bước chân ngắn cũn ngày xưa của mình. Không chỉ có thời gian mới được đo bằng kích thước của kỷ niệm, cả không gian cũng vậy." />

Ngày xuân một ngụm quê hương

06:34, Thứ ba 12/02/2013

( PHUNUTODAY ) - align: justify;">Thì ra ký ức tôi đã đo không gian theo bước chân ngắn cũn ngày xưa của mình. Không chỉ có thời gian mới được đo bằng kích thước của kỷ niệm, cả không gian cũng vậy.

Quê tôi ở Hội An, thành phố rất nhỏ, tôi không nói quá đâu, nhỏ bằng bàn tay. Chắc là thành phố nhỏ nhất thế giới, tôi tự hào là dân của cái thành phố vô địch thế giới về độ nhỏ đó. Và biết ơn nữa. Chắc chắn nó đã tạo nên ít ra một nửa cuộc đời tôi...

[links()]
Hội An những năm 1950, đường Cầu Nhật, nay là đường Trần Phú.
Hội An những năm 1950, đường Cầu Nhật, nay là đường Trần Phú.
Nhà tôi ở đường Minh Hương (bây giờ gọi là đường Phan Châu Trinh). Năm 1975, kết thúc chiến tranh, tôi trở về Hội An và tất nhiên tìm về nhà cũ. Đi qua đi lại mấy lần, tìm mãi không ra. Nó ở đâu nhỉ? 
 
Trong cả hai cuộc chiến tranh, Hội An may mắn hầu như không hề bị tàn phá, khu phố cổ còn nguyên, vậy nó ở đâu rồi, ngôi nhà cũ thân thiết tuổi thơ tôi? Hoá ra tôi nhầm. Nhầm về thước đo. Ngày trước, đi từ ngã tư gần chợ, nơi có dãy nhà gọi là Nhà Chè (chắc vì hồi ấy đấy là một sở sản xuất chè) lên tới nhà tôi, tôi nhớ rõ, xa lắm, đi học về mỏi rã chân.
 
Thì ra ký ức tôi đã đo không gian theo bước chân ngắn cũn ngày xưa của mình. Không chỉ có thời gian mới được đo bằng kích thước của kỷ niệm, cả không gian cũng vậy.
 
Nhà tôi bây giờ đã được dùng làm hiệu sách nhân dân của Hội An. Tôi bước lên thềm, cái thềm chỉ có mỗi một bậc, dừng lại một lúc ở chỗ ngày xưa và bây giờ vẫn là cái hiên, và kinh ngạc: nó bé tẹo, chật cứng, vậy mà, tôi nhớ rõ lắm chứ, làm sao ngày ấy mẹ tôi đã kê được một cái giường tre ở đấy để cho tôi và người anh con bà dì ruột tôi ở quê ra phố học phổ thông cùng ngủ chung những đêm hè? Ông anh tôi, bấy giờ mới học lớp nhất, tức khoảng lớp năm ngày nay, nhiều đêm bỏ tôi nằm lại một mình, lén đi tìm bạn gái.
 
Tôi không oán trách, cũng không tố giác với ba mẹ tôi, chỉ không sao chợp mắt, vì rất sợ ma! Đường phố rợp bóng những cây bàng đồ sộ – tất nhiên cũng là theo thước đo ngày ấy, lá rộng đung đưa trong gió thổi từ biển Cửa Đại lên, khiến ánh trăng chập chờn những oan hồn lởn vởn. Mà cách nhà tôi chỉ một căn, về bên phải, lại có một cái miếu gọi là miếu Quảng An hay miếu Âm hồn, nổi tiếng linh thiêng.
 
Có lần buổi tối, ba tôi sai đi mua thuốc lá, phải đi ngang qua cái miếu ấy, sợ quá, tôi nhắm mắt cắm đầu chạy một mạch, vấp phải một con chó bécgiê lớn cũng vừa băng qua đường, tôi hét lên một tiếng, ngã lăn ra và ngất đi, trán bê bết máu me, khiến cả xóm hoảng hồn một phen!
 
Qua khỏi miếu Âm hồn là một đường kiệt – ở Hội An người ta gọi các con hẻm như vậy – chạy vòng ra sau nhà tôi, ở đấy có một cái giếng tên là giếng Bá Lễ, nước ngon nổi tiếng, cả thành phố đều ăn nước giếng ấy. Cạnh giếng Bá Lễ có cây thị cổ thụ, đồn rất nhiều ma, toàn ma con gái: có những cô gái thất tình – mà con gái Hội An thì đẹp và rất đa tình – đã treo cổ lên các cành cây thị ấy, ông anh họ tôi kể vậy, đêm nào cũng nghe tiếng các cô than khóc (hay là ông anh ranh ma doạ tôi để trốn ra đấy theo gái một mình?)
 
Tôi thì tôi cho rằng rất có thể chính cái sự nhiều chùa, nhiều miếu, nhiều ma quá… đã góp phần làm cho không ít chàng trai Hội An thành những chàng trai nghệ sĩ và tài tử. Họ sống thường trực trong một thế giới lẫn lộn hư thực, rất đời mà rất ma, tràn trề hiện tại mà đậm quá khứ huyền ảo, cả xa lẫn gần, có gì đó đôi chút… liêu trai. Có lẽ một cái dở nhất của các thành phố hiện đại là chúng… đã mất hết ma!
 
Các thế kỷ đọng lại, đặc sánh trong từng ngôi nhà, từng góc phố, từng con đường, từng con hẻm – mà hẻm ở Hội An thì tuyệt đẹp, mỗi con hẻm là một bức tranh – Và tuyệt hơn nữa, trong từng con người.
 
Giếng Bá Lễ là giếng cổ Chàm. Người Chàm giỏi nhất thế gian về nghệ thuật tìm mạch nước và đào giếng. Suốt dọc dài Nam Trung bộ, họ để lại một loạt những chiếc giếng tuyệt vời. Rất dễ nhận ra giếng Chàm cổ: miệng giếng tròn, nhưng đáy lại là một khung gỗ hay đá xếp theo hình vuông, và nắng cháy khô hạn đến đâu cũng không bao giờ cạn, cả phố xúm lại gánh nước quanh năm chẳng vơi, và trải bao thế kỷ vẫn trong vắt, ngọt lịm. Mỗi lần trở về Hội An, thế nào tôi cũng tìm đến giếng Bá Lễ, tự tay kéo gàu lên, ngửa cổ uống "một ngụm quê hương"!
 
Hội An 1930, tháp Bàng An của người Chăm.
Hội An 1930, tháp Bàng An của người Chăm.
Mẹ tôi hàng năm, vào tháng ba thì phải, đều có làm một lễ cúng trang trọng và rất đặc biệt. Bàn thờ đặt trước hiên, lễ vật dâng cúng toàn những thứ kỳ lạ: mắm cái, rau lang và khoai lang, một con cá nướng, một con cua luộc, một dĩa rau đắng trộn với ruột ốc đá… Bạn có hiểu ý nghĩa các lễ vật ấy không? 
 
Đấy là những món ăn đặc trưng của người Chàm. Mẹ tôi, và cả phố, cúng ma Chàm. Gọi là cúng Tá thổ. Tá thổ nghĩa là mượn đất, thuê đất. Người Việt đi vào Nam, tới Hội An, chiếm đất của người Chàm, biết rằng mình có lỗi, hàng năm làm lễ cúng thưa với hương hồn người Chàm xin hãy cho chúng tôi thuê đất này làm nơi cư trú, tạm thôi, bất đắc dĩ mà. Mỗi năm xin thuê lại một lần… và khất lần khất hồi vậy cho đến mãi mãi!
 
Trong hành vi ấy có một sự mặc cảm, một sự biết lỗi và tạ lỗi, cũng có thể một kiểu mánh khoé tâm linh nữa, nhưng lại cũng có thể là một tâm lý biết ơn, khiêm nhường, nhỏ nhẹ. Hay cũng có thể là một nhận thức về những sự thật chẳng đừng được của lịch sử, lịch sử là thế đấy, biết làm sao! Hình như đấy cũng là một nét tâm hồn kín đáo và trí tuệ sâu xa của người Hội An…
 
Người ta hay nói đến "bản sắc Hội An", rất đặc trưng, chẳng giống ai, và rất quý. Tất nhiên tôi cũng thường nghĩ về chuyện đó. Nhưng ngẫm cho cùng, liệu có một cái gì đó thật là nguyên gốc Hội An, vốn có từ đầu, trời cho, bẩm sinh, đã sẵn từ mãi mãi và sẽ còn đến mãi mãi. Hoá ra Hội An không có cái đó. Có lẽ đặc điểm quan trọng nhất của Hội An là ở chỗ nó là "hợp chủng quốc". Đấy là thị cảng quốc tế đầu tiên của Việt Nam. Có thể cả trước đó nữa, của Chămpa.
 
Rất xa xưa, đây là một xóm chài. Con sông Thu Bồn ngày ấy cường tráng, đổ xuống từ đỉnh núi Ngok Linh cao nhất miền Nam, tuôn ra biển, tạo nên Cửa Đại sâu và rộng, lại có hòn Cù lao Chàm (thật ra là cả một dãy đảo lớn nhỏ) chắn phía trước, khá kín gió. Thương thuyền Đông sang Tây, rồi Tây sang Đông, Bắc xuống Nam, rồi Nam lên Bắc, tìm thấy ở đây một bến đỗ hạng nhất.
 
Người Trung Hoa, người Nhật, người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Anh, người Ấn Độ, Mã Lai, Philippines, Java (mà ngày trước ta gọi là Chà Và, thực ra chính là cả quần đảo Indonesia bây giờ), cả người Arập, người Ba Tư… rồi người Mỹ nữa, cuối cùng là người Pháp… đều từng đến Hội An, buôn bán, lập nghiệp, lấy vợ, sinh con đẻ cái, sống và cả chết ở đấy… tất cả, tất cả, mỗi loại người góp một phần công sức, một phần tâm hồn, cả linh hồn nữa, và cả máu, âm thầm trong huyết quản người Hội An hôm nay, biết đâu, để làm nên Hội An bây giờ.
 
Hội An cũng là nơi duy nhất ở nước ta từng có, thời các chúa Nguyễn, cả một thành phố Nhật, một thành phố Tàu, do người Nhật và người Tàu tự cai quản, một thứ Hong Kong hay Macao sớm hơn Hong Kong và Macao đến vài thế kỷ. Cái giỏi của Hội An, cũng là cái giỏi của tất cả những người đến từ bốn phương ấy, và của những người dân chài bản địa cửa sông Thu Bồn, là đã hoà trộn thành một thật tự nhiên, dễ dàng, nhẹ nhàng, Hội An hoá, Việt hoá cứ như không, không cần bất cứ điều luật hay hiến pháp nào (ta biết nước Mỹ đã được hình thành bằng một hiến pháp kỹ lưỡng công phu biết bao).
 
Nếu trên thế giới có một loại cư dân gọi là "cư dân quốc tế" thì tôi cho đó chính là dân Hội An. Hội nhập và chắt lọc. Bản địa và thế giới. Xưa cũ và tân kỳ…
 
Hội An những năm 1960. Ảnh: Life
Hội An những năm 1960. Ảnh: Life
Một đặc điểm khác của Hội An: hình như ở đây thời gian hoàn toàn bất lực. Các thế kỷ đọng lại, đặc sánh trong từng ngôi nhà, từng góc phố, từng con đường, từng con hẻm – mà hẻm ở Hội An thì tuyệt đẹp, mỗi con hẻm là một bức tranh – và tuyệt hơn nữa, trong từng con người. Ngày nhỏ, buổi tối học bài xong, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi vòng một tua hết thành phố, đến các cột đèn điện thường sà xuống ăn bắp nướng, nửa xu một trái. 
 
Bắp Cẩm Phô trồng ở bãi phù sa bên kia sông Thu Bồn ngon nổi tiếng, các chị bán bắp nướng một lượt cho trái bắp nóng bỏng lên, hơi cháy sém, rồi rưới qua một lượt nước mắm cái, lại nướng lần nữa, mắm cái thấm vào từng hạt ngô, mặn chát và ngon hết biết. Chúng tôi lận những trái bắp tẩm mắm cái ấy trong túi, đi một đoạn lại lấy ra tỉa nhai vài hạt… Vừa đi vừa háo hức và phập phồng lo: lo qua khúc quanh ở đầu đường kia rất có thể bất ngờ chạm mặt một ông tây cao lớn, râu ria xồm xoàm, mặt mày đỏ gay vì nắng gió đại dương, ông ta sẽ chặn chúng tôi lại và hỏi bằng cái giọng lơ lớ: Ê, trẻ nít, đây có phải phố không?
 
(Người ta bảo cái tên Faifoo của Hội An là do từ cách hỏi "phải phố?" của những ông tây đến đây đầu tiên ấy mà ra – tôi thích cái giả thuyết này hơn giả thuyết từ nguyên học uyên bác "Hải phố" của Faifoo, mặc các nhà khoa học!) Mà các bạn có biết ông tây xồm xoàm, phanh ngực đỏ gay ấy là ai không? Chính là Marco Polo, hay Magellan đấy. Mấy thế kỷ trước, trong cuộc đi vòng quanh thế giới của mình, chắc chắn các ông từng ghé lại cái thương cảng hạng nhất này của chúng tôi. Mà mấy thế kỷ đối với Hội An thì nghĩa lý gì, "chỉ là cái đinh", tôi đã nói rồi, ở đây thời gian không có quyền lực gì hết.
 
Mãi năm ngoái, có đêm tôi đưa một chị bạn người Hà Nội đi chơi phố Hội khuya. Mưa nhẹ. Rất khuya. Phố vắng. Chúng tôi sà vào một quán càphê đường Nguyễn Thái Học. Ngoài hai chúng tôi, quán chỉ còn một người khách duy nhất: một ông tây cao lớn, râu xồm, cũng phanh áo phô ngực đỏ gay. Tôi nói với chị bạn: Marco Polo đấy, chị có nhận ra không? Chị nhìn chăm một lúc, rồi bảo: Ừ nhỉ, đúng đấy, nhưng mà mình có biết nói tiếng Bồ Đào Nha đâu! Vậy đó, không chỉ người Hội An, cả người nơi khác đến đây, đều có thể mất hết khái niệm thời gian.
 
Hai chúng tôi nhâm nhi càphê một lúc, rồi ra đi, mặc trời vẫn mưa, có vẫy tay chào ông Marco Polo của chúng tôi: Bye! Ông ta vẫy tay lại nhưng chỉ gầm gừ gì đó, không rõ ra tiếng nào. "Ôi, mình quên mất, ông ấy có biết tiếng Anh đâu, người Bồ mà!".
 
Mưa nhẹ hạt, vừa đủ để chúng tôi ướt tóc và đi nép vào nhau. Chợt chị bạn tôi dừng lại: Anh có nghe gì không? Có tiếng đàn, ở đâu thế nhỉ? Và chúng tôi phát hiện ra: góc phố nhỏ cạnh chùa Cầu, một nhóm năm hay sáu thanh niên đang ngồi chơi đàn dưới hàng hiên một ngôi nhà cổ, hình như có hai cây ghita, còn lại là măngđôlin. Họ chơi nhạc cổ điển. Bach thì phải. Chị bạn tôi bảo: Tôi từng sang Tây Ban Nha, Hội An của anh giống Madrid quá chừng, thành phố của những nghệ sĩ, đêm họ tụ nhau ở các góc phố và chơi đàn tài tử…
 
Thế Hội An của anh có thả bò tót chạy đuổi người giữa đường không? Tôi ghen với anh đấy, với Hội An kỳ lạ của anh, rất Việt Nam và rất thế giới!
 
  • Nguyên Ngọc (Theo SGTT)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc