Nghị lực phi thường của người đàn ông không tay

06:20, Thứ bảy 08/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Bộ trưởng Nadine Morano nhấn mạnh: “Bằng hành động mang đậm chủ nghĩa anh hùng này, Philippe Croizon đã chứng minh cho thế giới biết rằng, không có gì là không thể khi chúng ta tin tưởng vào chính bản thân mình”.

Philippe Croizon (44 tuổi, người Pháp) bị mất toàn bộ tứ chi vào năm 1994 do bị điệt giật với điện áp hơn 20.000 volt khi cố gắng kéo ăngten tivi ra khỏi mái nhà. Với quyết tâm muốn khẳng định “không có gì là không thể, mọi thứ đều có thể thực hiện được nếu như bạn vượt qua được chính mình”, Philippe Croizon cùng một người bạn của mình đã thực hiện các chuyến bơi vượt eo biển nối giữa các châu lục trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt…

Vào năm 1994, một tai nạn xảy ra đã làm thay đổi cả cuộc đời của một người đàn ông Pháp có tên là Philippe Croizon. Khi đó, Philippe Croizon 26 tuổi, đã lập gia đình và có con. Cả hai vợ chồng Philippe Croizon đều đang mong muốn và chuẩn bị để có thêm đứa con thứ hai.

Tuy nhiên, trong một buổi chiều, khi Philippe Croizon sửa hệ thống ăng ten truyền hình trên mái nhà thì bất ngờ bị một cú sốc điện đột ngột bởi dòng điện mạnh hơn 22.000V từ đường điện cao áp. Phải hơn hai mươi phút trôi qua, Philippe Croizon mới được một người hàng xóm phát hiện và đưa tới bệnh viên.

Tại bệnh viện Tours, các bác sĩ thông báo với Philippe Croizon rằng cả hai chân, hai tay của ông đều bị tổn thương nghiêm trọng. Mặc dù đã cố gắng để có thể giữ lại nhưng các bác sĩ vẫn buộc phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tay, chân của Philippe Croizon.

Cánh tay trái của Philippe Croizon bị cắt bỏ đến phía trên khuỷu tay. Cánh tay phải bị cắt bỏ phần chi dưới khuỷu tay. Chân bên phải của Philippe Croizon bị cắt bỏ đến trên đầu gối. Riêng chân trái của ông, các bác sĩ hi vọng có thể cứu chữa nhưng, đến cuối cùng, họ vẫn phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.

Philippe Croizon (44 tuổi, người Pháp) bị mất toàn bộ tứ chi vào năm 1994 do bị điệt giật với điện áp hơn 20.000 volt
Philippe Croizon (44 tuổi, người Pháp) bị mất toàn bộ tứ chi vào năm 1994 do bị điệt giật với điện áp hơn 20.000 V.

Có thể nói rằng, vụ tai nạn nghiêm trọng dẫn đến việc bị cắt toàn bỏ toàn bộ chân tay đối với Philippe Croizon thực sự là một cú sốc rất lớn mà ông chưa bao giờ nghĩ nó sẽ xảy đến với mình. Nhất là vào thời điểm bấy giờ, khi Philippe Croizon đang ở độ tuổi thanh xuân nhất, có một gia đình hạnh phúc với vợ con, cũng như đang tràn đầy niềm hi vọng về tương lai hạnh phúc.

Vào những giây phút đầu tiên khi phải đối mặt với biến cố lớn ấy, Philippe Croizon gần như sụp đổ, không thể tìm thấy cho mình con đường nào tươi sáng ở phía trước.  

Sau ca phẫu thuật, Philippe Croizon tiếp tục phải tiến hành điều trị, hồi phục sức khỏe trong bệnh viện. Trong một lần, Philippe Croizon vô tình xem chương trình thể thao nói về một vận động viên nữ người Anh bị tàn tật. Sau chương trình đó, Croizon đã suy nghĩ rất nhiều.

Ông nghĩ, tại sao mình lại không thể nỗ lực như thế? Tại sao mình lại thấy cuộc đời đen tối? Tại sao không sống một cách mạnh mẽ và nghị lực hơn? Hình ảnh vận động viên nữ tàn tật đã thôi thúc niềm quyết tâm sống mạnh mẽ trong Croizon.

Bởi thế, sau khi sức khỏe được hồi phục, Philippe Croizon bắt tay vào một chế độ luyện tập bơi lội vô cùng nghiêm ngặt tại gần vùng biển La Rochelle. Mỗi ngày, Philippe Croizon đều tập bơi trong khoảng thời gian là 5 tiếng.

Những buổi tập đầu tiên, Philippe Croizon đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc thử nghiệm các loại tay chân giả khác nhau được thiết kế dành cho việc bơi lội. Tuy nhiên, sau một thời gian dài nỗ lực, Philippe Croizon vượt qua được những trở ngại này.

Ông đã bơi được nhiều tiếng trong nước biển với chân tay giả và chân vịt được gắn vào chân giả. Việc bơi được với tay chân giả giúp Croizon vượt thoát được quãng đời đen tối nhất của mình.

Sau này, khoảng thời gian khó khăn nhất của Philippe Croizon khi phải đối mặt với việc mất toàn bộ chân tay đã được ông chia sẻ trong cuốn sách có tên “Tôi quyết định sống” của mình. Philippe Croizon nói rằng, vào thời điểm sau khi xảy ra vụ tai nạn, ông có hai con đường để lựa chọn.

Một là chết hay sống như đã chết. Hai là phải mạnh mẽ sống, vững vàng vực lại bản thân mình. Philippe Croizon đã chọn con đường thứ hai cho mình và tìm mọi cách để sống một cách có ý nghĩa, mạnh mẽ nhất như chính cái cách ông bơi bằng chân tay giả.

Sau khi tập luyện bơi một cách thành thạo với tay chân giả trong suốt thời gian dài, Croizon quyết định thực hiện một ý tưởng táo bạo hơn: bơi qua eo biển Manche. Để thực hiện được ý định này, Croizon đã phải “thực tập” bơi ở nhiều khu vực biển khác nhau để kiểm tra sức bền của mình ở trong nước.

, Croizon đã vượt qua bốn eo biển nối liền giữa 5 châu lục.
Nhưng với nghị lực phi thường của mình, Croizon đã thực hiện bơi vượt qua bốn eo biển nối liền giữa 5 châu lục.

Croizon đã bơi ở cửa sông Loire, giữa các hòn đảo của vùng Noirmoutier và thị trấn biển Pornic, gần Saint Nazaire. Quá trình này đối với Croizon tiếp tục là một thử thách lớn. Bởi “chân tay giả không thể tạo lực đẩy cho cơ thể, tất cả đều phải nhờ đến sự bền bỉ cũng như nghị lực”.

Ý định bơi qua eo biển Manche của Croizon nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người, từ người thân, bè bạn cho đến các chính trị gia lớn của nước Pháp. Ngay cả Tổng thống Pháp Sarkozy cũng đã gửi thư động viên ông.

Những sự ủng hộ lớn đó cũng đã tiếp thêm nghị lực cho Croizon tiếp tục thực hiện ý tưởng đầy táo bạo của mình. Đến ngày 18/9/2010, ở tuổi 42, Croizon đã thực hiện chuyến bơi qua eo biển Manche của mình.

Croizon bắt đầu từ lúc 6 giờ 45 phút tại Folkestone và đến điểm đích là vùng Cap Gris Nez vào lúc 20 giờ 13 phút. Croizon đã vượt qua quãng đường dài 21 dặm (tương đương với 34km) trong khoảng thời gian chưa đến 14 giờ. Ban đầu, dự kiến thời gian bơi của Croizon là 24 tiếng trong nước.

Tuy nhiên, ông đã hoàn thành trước thời gian mà mình đặt ra. Thông thường, một vận động viên khỏe mạnh sẽ mất khoảng 8 giờ để vượt qua quãng đường mà Croizon đã bơi.

Sau khi vượt qua được eo biển Manche, Croizon nói rằng rất nhiều lần trong lúc bơi, ông cảm thấy cơ thể mình vô cùng đau đớn, tưởng chừng sẽ không thể tiếp tục nhưng với niềm tin rằng mọi việc đều có thể vượt qua nếu bản thân cố gắng nên Croizon tiếp tục bơi.

Cuối cùng, Croizon đã có thể hoàn thành hành trình của mình. Nói về khoảng thời gian bơi ngắn hơn nhiều so với thời gian dự định ban đầu, Croizon khiêm tốn cho rằng ông đã nhận được sự “giúp đỡ” rất lớn của thời tiết khi có gió cùng chiều, biển lặng. Trong khi đó, cha của Croizon, người đã theo dõi ông trong suốt hành trình thì tự hào nói rằng:

“Đó là một chuyến đi đầy thuận lợi và may mắn. Có những đoạn biển, ba con cá heo đã xuất hiện, bơi cùng với Croizon”. Kết thúc hành trình vượt eo biển Anh, Croizon chính thức khẳng định được quyết tâm cũng như sức mạnh của sự nỗ lực của mình.

Bản thân Croizon cũng không giấu nổi niềm hạnh phúc và sung sướng mà nói rằng: “Tôi rất hạnh phúc. Tôi không thể tin được. Thật điên rồ. Mục tiêu đã hoàn thành nên tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm cho mình những mục tiêu mới. Tôi sẽ bơi ở ngoài biên giới”.

Sau hơn một năm sau khi vượt thành công eo biển Manche, trong tháng 4 vừa qua, Croizon đã công bố những hành trình mới của mình. Croizon đự định sẽ bơi ở bốn eo biển chia cắt 5 châu lục. Lần này, đồng hành với Croizon trong dự án mới sẽ là vận động viên bơi lội Arnaud Chassery.

Các chuyến “vượt biển” của Croizon dự kiến sẽ là đi từ Châu Úc đến Châu Á, từ Châu Á đến Châu Phi (qua eo biển Đỏ), từ Châu Phi đến Châu Âu (eo biển Gibraltar) và từ Châu Âu đến Châu Mỹ (eo biển Bering).

Croizon đã hoàn thành hành trình từ Châu Úc sang Châu Á của mình khi bơi 20km trong vòng 7 tiếng rưỡi vào tháng 5. Đến tháng 6, Croizon lại tiếp tục vượt qua biển đỏ từ Ai Cập đến Jordan với khoảng cách là 19km trong thời gian 5 tiếng.

Đến tháng 7, Croizon vượt qua eo biển Gibraltar từ Tarifa, Tây Ban Nha đến thành phố Tangier, Ma-rốc với hơn 14km. Cuộc hành trình này cũng chỉ mất 5 tiếng đồng hồ. Vào tháng 8, Croizon lên kế hoạch vượt eo Bering từ đảo Little Diomede đến đảo Big Diomede.

Đây được xem là vùng biển với điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Nhiệt độ của nước biển thường xuyên ở âm 40 độ F. Với một vận động viên bơi lội, điều này được xem là mối nguy hiểm rất lớn nên với một người không hoàn thiện về cơ thể như Croizon thì càng đáng lo ngại hơn.

Bản thân Croizon cũng nhận thức được điều đó nên trong lần vượt eo biển này, mục tiêu đảm bảo được thân nhiệt ổn định là điều tối quan trọng với ông. Các thiết bị hỗ trợ được kiểm tra cẩn thận. Quần áo bơi cũng được thiết kế lại để đảm bảo giữa được thân nhiệt an toàn.

Tuy nhiên, sau khi chuẩn bị kĩ lưỡng thì chuyến bơi của Croizon lại phải chịu tác động của những yếu tố ngoại cảnh. Dự định ban đầu của Croizon là sẽ bơi vào ngày 13/8 song do ảnh hưởng của cơn bão đến sớm mà chuyến đi buộc phải hủy bỏ.

Đến ngày 17/8,  những đợt sóng lớn xuất hiện lại ngăn cản Croizon cùng bạn đồng hành của mình vượt eo biển. Croizon và người bạn bơi chỉ thực hiện được 4,3km trong khoảng thời gian là 1 giờ 20 phút với thời tiết sương mù dày đặc, dòng chảy mạnh, sóng lớn, nhiệt độ nước ở dưới 4 độ C.

Mặc dù không thể hoàn thành được hết chặng bơi trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt nhưng Croizon vẫn rất tự hào và không giấu nổi niềm vui sướng của mình. Ông nói: “Đây là lần bơi khó khăn nhất của tôi khi nước ở 4 độ C, chảy xiết. Thật hạnh phúc là chúng tôi đã vượt qua được”.

Như vậy, Croizon đã vượt qua bốn eo biển nối liền giữa 5 châu lục. Nghị lực cũng như sức mạnh của một người đàn ông có những khiếm khuyết về cơ thể đã được chứng minh.

Bộ trưởng Nadine Morano của nước Pháp cho rằng Croizon chính là biểu tượng của “lòng dũng cảm, sự kiên trì và quyết tâm”. Nadine Morano nhấn mạnh: “Bằng hành động mang đậm chủ nghĩa anh hùng này, Philippe Croizon đã chứng minh cho thế giới biết rằng, không có gì là không thể khi chúng ta tin tưởng vào chính bản thân mình”.

Về phía Croizon, ông nói rằng: “Tôi làm điều này trước hết là để cho chính bản thân mình, để thấy bản thân mình được sống, được có ý nghĩa. Nhưng trên tất cả tôi cũng muốn trở thành một “ví dụ” để chứng minh rằng bạn có thể thực hiện được mọi điều trong cuộc sống miễn là bạn luôn luôn chiến đấu vì nó”.

Croizon cũng nói, ông muốn cho mọi người thấy rằng không có sự khác biệt nào giữa những con người trên thế giới, dù đó là người khỏe mạnh hay người tàn tật. Với Croizon, tất cả mọi người đều đang sống ở một mái nhà chung là trái đất. Vì thế, hãy đừng ngần ngại khi suy nghĩ đến những việc mang tính nhân loại.

Cũng bởi vậy mà Croizon đã lựa chọn việc bơi qua các eo biển nối các châu lục như một cách mà ông muốn kết nối thế giới lại với nhau bằng hòa bình, đoàn kết, sự chia sẻ cũng như ý chí và sức mạnh của nghị lực.

Với Croizon, tất cả những điều đó sẽ xóa đi mọi bất công giữa tật nguyền, màu da, văn hóa hay nguồn gốc.

  • Dạ Thanh

[links()]
 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc