(Phunutoday) - Ba lần lấy chồng thì có đến hai lần chị phải trốn chạy khỏi “địa ngục trần gian”. Những dại dột của tuổi trẻ khiến cho chị lạc lối, chỉ đến khi đã sống qua nửa đời người, gặp người đàn ông góa vợ 73 tuổi, chị mới thực sự cảm nhận được hạnh phúc làm vợ, tình yêu đôi lứa. Chị kể nhiều về cuộc sống với người chồng già, những câu chuyện mà tưởng chừng chỉ xảy ra ở những cặp đôi trẻ tuổi đang say men tình yêu...
“Nhắm mắt” đưa chân
Lớn lên như bao cô thôn nữ thủa ấy, năm 20 tuổi, chị Thắm (ở Hải Phòng) lấy chồng là người làng bên. Cảnh nhà khó khăn nhưng chị cũng được cưới xin đàng hoàng. Hai năm sau, chị sinh được một cô con gái xinh xắn. Sau khi sinh con gái được hai tháng, mẹ con chị dắt nhau về nhà mẹ đẻ nương nhờ bởi bà mẹ chồng quá khắt khe khiến cuộc sống bí bách.
10 năm sau, tức là khi đó chị 32 tuổi, nghe mọi người giới thiệu về một viễn cảnh đẹp đẽ nơi xứ người nên chị đồng ý theo người ta sang Trung Quốc lấy chồng.
Gửi lại đứa con nhỏ cho mẹ nuôi, chị Thắm theo người đàn ông tên Vuồng Thung Và sang tận Quảng Đông – Trung Quốc để làm vợ ông ta. Liều mình lấy chồng xứ người, chị không biết tiếng Trung, mọi trao đổi chỉ dựa vào những hành động mô tả, như diễn kịch câm. Chị cũng chẳng hiểu về phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt nơi quê chồng. Hơn hai tháng sau ngày theo không về làm dâu, chị mới bập bẹ biết sơ sơ tiếng Trung để giao tiếp.
Người đàn tên Vuồng Thung Và ấy đã từng có vợ và 4 đứa con riêng. Người vợ của ông Và đã chết trước khi ông ấy rước chị về làm vợ. May mắn cho chị là được các con riêng của chồng tỏ ra quý mến. Sau hai năm chung sống với ông ta, chị Thắm sinh thêm một người con trai. Năm nay con trai chị đã 19 tuổi, có vợ và một cô con gái nhỏ xinh xắn.
Lấy chồng xứ người, những tưởng bớt đi những khổ cực, chị không ngờ, khi theo người đàn ông ấy về tận vùng nông thôn xa xôi, chị tiếp tục phải sống cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Mọi việc đồng áng nặng nhọc một tay chị phải quán xuyến. Lúc nông nhàn, chị phải tranh thủ chạy chợ để kiếm thêm đồng ra, đồng vào. Người chồng của chị làm nghề phụ xây, tiền kiếm được cũng chả nhiều nhặn gì.
Lấy chồng được vài năm, người chồng Trung Quốc của chị bị bệnh nặng. Gần hai năm trời, chị phải hầu hạ, tắm rửa cho người chồng gần như sống thực vật ấy. Sau lần đó, tuy không chết nhưng ông ta bị khoèo một tay. Từ dạo bị bệnh tật hành hạ, tâm tính người chồng của chị càng trở nên cáu bẳn, thô lỗ.
Chị Thắm nhớ lại: “Cứ cách một hôm ông ta lại lôi tôi ra đánh. Mà đánh ác lắm, đánh thừa sống thiếu chết. Các con riêng của ông ý thì cho rằng tại tôi không chiều ông ý trong chuyện vợ chồng nên ông ta mới hành động lỗ mãng thế. Nhưng nào ai hiểu cho tôi đâu. Tôi đã cắn răng chịu đựng, cố gắng chiều chuộng ông ấy đủ đường, thế nhưng vẫn phải chịu những trận đòn.
Ông ta đánh dã man lắm, dao kề cổ, búa kề đầu tôi mà đánh”. Kể đến đây, người đàn bà lam lũ gạt nước mắt, cố kìm tiếng khóc nấc. Chị cho biết thêm, những hôm trái gió trở trời, vết thương trên đầu chị vẫn khiến chị đau buốt.
Lần giỗ vợ cũ của ông Và, các con riêng của ông ta tề tựu đông đủ, một vài đứa thương tình đã giấm dúi cho chị Thắm ít tiền. Có chút tiền giắt lưng, chị Thắm nảy sinh ý định trốn về quê nhà. Nói dối đứa con đẻ rằng phải đi xa tìm việc làm, chị Thắm đã chạy trốn, giải thoát cho chính mình khỏi địa ngục nơi xứ người. Cuộc chạy trốn bắt đầu từ tờ mờ sáng.
“Ngày thường ông ta ngủ dậy rất muộn, chả hiểu sao hôm đó ông ta dậy sớm thế. Tôi vẫn liều mình, lấy xe đạp, cầm theo chiếc đèn pin, lén trốn ông ấy ra khỏi nhà. Tôi cứ thế đạp xe từ nhà ra phố huyện, đến bến xe khách. Tôi bỏ lại xe đạp tại đó, bắt xe khách ra vùng biên, theo đường sông sang địa phận Việt Nam.
Gặp một gia đình, vợ chở đò, chồng lái xe ôm, tôi hỏi từ đó về Móng Cái – Quảng Ninh bao nhiêu tiền? Họ lấy tôi 100 nhân dân tệ, khoảng 300.000 đồng tiền Việt và hứa đưa tôi đến tận đất Hải Phòng. May mắn là tôi gặp người tốt. Chắc tôi được bố tôi ở trên trời phù hộ, vì trước khi đi tôi đã khấn: bố linh thiêng phù hộ con đi đến nơi về đến trốn.”
Khoảng tháng 12/2010, chị Thắm đã trốn về được đến quê hương. Người mẹ già của chị sau bao năm ngóng tin con, mừng mừng tủi tủi giang tay đón chị. Từ ngày về quê hương, sống trong tình cảm thân yêu của gia đình nhưng không lúc nào chị Thắm nguôi ngoai nỗi nhớ con. Chị nhớ đến quặn lòng người con trai và đứa cháu nội xinh xắn của chị. Biết mẹ đau khổ vì nhớ người em trai, cô con gái của chị giờ là một bà mẹ trẻ đã cố gắng động viên mẹ.
Ảnh minh họa |
Chị Thắm kể: “Không còn bị những trận đòn hành hạ nhưng tôi nhớ thằng con trai và đứa cháu lắm. Nhiều lần tôi đã gọi điện sang bên đó nhưng không liên lạc được. Không biết có phải ông ta biết chuyện tôi bỏ trốn và cấm con tôi liên lạc với tôi không. Giờ đây tôi chỉ cầu mong thằng con trai tôi biết tìm về quê ngoại. Nếu nó sang đến đây, tôi sẽ khuyên nó rồi xin ở lại đây, mẹ con đoàn tụ. Ở bên đó, nó cũng khổ lắm, bị cha đánh mỗi khi bênh mẹ, lại không có công ăn việc làm ổn định. Sống cùng tôi, mẹ con rau cháo nuôi nhau qua ngày.”
Hồi sinh bởi tình già
Chị Thắm năm nay 49 tuổi, vốn lam lũ, công việc luôn chân luôn tay nên ở tuổi này, chị Thắm vẫn sung sức, khỏe mạnh lắm. Thấy người phụ nữ rắn rỏi, lại sống đơn chiếc, nhiều người trong làng đã mai mối với những người đàn ông góa vợ, mong chị sống một cuộc đời khác, có bầu bạn sau nhiều năm lưu lạc. Chị đã gặp gỡ vài mối, có cả ông cán bộ huyện khá phong độ mới nghỉ hưu, nhưng chị chẳng ưng ai. Chẳng phải chị kén cá chọn canh mà chị sợ cuộc sống vợ chồng sau hai lần lỡ dở.
Rồi đột nhiên chị lấy chồng. Tin chị lấy chồng lần thứ ba trở thành đề tài bàn tán của nhiều người ở làng trên, xóm dưới suốt một thời gian dài. Không bàn tán sao được bởi ở vùng quê bình yên này, mấy ai phận đàn bà lại “lắm chồng” như chị. Hơn nữa, người chồng thứ ba của chị lại khá đặc biệt: một ông cụ 73 tuổi, đã có đầy đủ cháu nội cháu ngoại.
Ông K. là người cùng huyện với chị nhưng ở xã bên. Chị đã bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu để về sống với ông K., thậm chí chấp nhận cả sự ruồng rẫy của anh em, họ hàng. Những người thân mà chị đã từng bất chấp hiểm nguy, vượt cả nghìn cây số tìm về đoàn tụ đã không thể chấp nhận việc chị lấy một người chồng già tới vậy. Với họ, việc chị lấy chồng lần ba, lấy một người chồng già là một sự sỉ nhục vào danh dự của cả một dòng họ. Dù vậy, chị chấp nhận đánh đổi tất cả vì một chữ yêu.
Ông K. – chồng chị Thắm – là một người đàn ông góa vợ mấy chục năm nay. Ông đã sống độc thân gần cả cuộc đời để nuôi dạy những đứa con khôn lớn.
Con cái ông K. giờ đã trưởng thành, có gia đình riêng. Tuổi già, ông mới thấm thía nỗi cô đơn. Biết hoàn cảnh chị Thắm, ông K. cảm thông và từ sự cảm thông ấy, nhen nhóm trong ông tình thương, sự khao khát được che chở cho người đàn bà bất hạnh. Ông K. đánh bạo nhờ người mai mối.
Con cái ông K. cũng hết mình ủng hộ, bởi họ thấu hiểu một lẽ thường “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Chị Thắm cũng vì cảm động trước sự chân thành của ông mà bằng lòng gá nghĩa vợ chồng. Họ cũng làm vài mâm gọi là để ra mắt hai bên họ hàng, xóm làng và trong bữa cơm thân mật ấy, phần lớn người đến chia vui là họ hàng bên ông K.
Gặp chị vào một buổi chiều muộn, tôi nhận thấy người đàn bà từng dại dột “nhắm mắt đưa chân” lấy chồng xứ người giờ đây thay đổi hẳn. Chị có da có thịt hơn trước, nói cười nhiều hơn, nụ cười hằn dấu vết thời gian nhưng ánh nhìn chứa chan hạnh phúc. Chị kể nhiều về cuộc sống với người chồng già, những câu chuyện mà tưởng chừng chỉ xảy ra ở những cặp đôi trẻ tuổi đang say men tình yêu. Có lần, nhân tiện hái đủ gánh rau, chị tranh thủ mang ra chợ ngồi bán kiếm thêm đồng ra, đồng vào.
Buổi chợ chẳng hết mấy thời gian nhưng có đến vài ba lần ông K. “kiếm cớ” ra chợ để được nhìn thấy chị. Khi thì ông cầm ra đưa cho chị chai nước uống, lúc lại lấy lý do đi ngang qua nên tạt vào xem chị buôn bán ra sao. Chứng kiến cảnh đó, cả một góc chợ được một phen xúm vào trêu chị. Chị xấu hổ đỏ mặt như cô gái mới lớn, nụ cười hạnh phúc thường trực trên môi. Một lần khác, chị có việc phải ra khỏi nhà khi ông K. chưa về. Không kịp nói với chồng về lý do vắng mặt, chị đã khiến ông K. bồn chồn, lo lắng không yên.
Lúc vừa thấy chị trở về, ông K. hờn trách như một đứa trẻ: “Tôi tưởng bà chạy trốn khỏi tôi!”. Nhìn người đàn ông tóc đã bạc, luống cuống đón vợ trở về, chị tự hứa với mình, dù no đói, sướng khổ cũng sống bên ông đến trọn đời. Chị kể, nửa đời người khốn khổ, giờ chị mới thực sự hiểu hạnh phúc giản dị của người vợ, ấy là khi có tình yêu thương hết mực của chồng. Tình yêu của ông K. đã khiến trái tim người đàn bà lạc lối hồi sinh.
Mùi thuốc bắc ngào ngạt khắp gian nhà chị, tôi ngỡ chị hay ông K. bị bệnh nên hỏi thăm. Chị cười lớn, lắc đầu quầy quậy. Chẳng một chút giấu giếm, chị thật thà bộc bạch, ấm thuốc bắc ấy là thuốc bổ, ông K. mới bốc của thầy lang xã bên. Ông K. bảo, tẩm bổ cho chị khỏe mạnh và nếu trời còn thương, biết đâu họ sẽ có một đứa con chung. Ở cái tuổi gần đất xa trời, ông K. cũng mơ hồ lo sợ, sợ một ngày nào đó ông ra đi trước, chị Thắm sẽ chỉ còn lại một mình. Đứa con, dù trai hay gái, thì theo lời ông K. nó sẽ giúp chị hạnh phúc hơn.
Nhi Quyên