Ngực lép không lái xe: Đứa con 'ngoài giá thú'

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Việc Bộ Y tế chính thức bác bỏ ngực lép, nhẹ cân không được cấp bằng lái xe đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ bởi trước đó đư luận đã điềm nhiên cho rằng dự thảo này là 'đứa con ngoài giá thú' vì cả hai bộ Y tế - Giao thông vận tải không ai nhận đó là do đơn vị mình xây dựng, là tác phẩm của mình.

Trước liên tiếp nhiều thông tin trái chiều về việc Bộ Y tế - Bộ Giao thông vận tải “ông nói gà, bà nói vịt” xung quanh dự thảo tiêu chuẩn sức khỏe lái xe, ngày 26/8 Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã có thông cáo báo chí, chính thức bác bỏ dự thảo ngực lép, nhẹ cân không được cấp bằng lái xe.

Theo ông Khuê, hiện Cục Quản lý khám chữa bệnh đang trình bộ trưởng Bộ Y tế thành lập ban soạn thảo thông tư liên tịch Bộ Y tế - Bộ Giao thông vận tải quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe. Do đó, chưa có dự thảo nào về tiêu chuẩn này.

Dự kiến thành phần ban soạn thảo thông tư sẽ có đại diện Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội ôtô, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, Mặt trận Tổ quốc VN và một số tổ chức đoàn thể.

Dự thảo ngực lép, nhẹ cân không được cấp bằng lái xe là văn bản 'ngoài giá thú'?

Ông Khuê cũng cho biết để đảm bảo tính khách quan, khoa học, Bộ Y tế sẽ giao các cơ quan chuyên môn làm đầu mối nghiên cứu chỉ số sinh học người Việt, sức khỏe lái xe hiện hành và tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế để làm căn cứ cho tiêu chuẩn sức khỏe lái xe mới của VN.

Việc Bộ Y tế chính thức bác bỏ ngực lép, nhẹ cân không được cấp bằng lái xe đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ bởi trước đó dư luận đã điềm nhiên cho rằng dự thảo này là 'đứa con ngoài giá thú' vì cả hai bộ Y tế - Giao thông vận tải không ai nhận đó là do đơn vị mình xây dựng, là tác phẩm của mình.

Ngày 24/8, trả lời báo chí, ông Trần Quý Tường, phó Cục trưởng cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết ban soạn thảo “Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe của người lái xe” vẫn chưa được thành lập.
 
Do đó vẫn chưa có bản dự thảo thông tư trong đó có các quy định về ngực lép, thấp bé, nhẹ cân… không được lái xe máy.
 
Theo ông Tường, hiện Bộ Y tế đã giao Viện Chiến lược và chính sách y tế nghiên cứu về thực trạng sức khỏe lái xe, thực trạng cấp phép lái xe và báo cáo bộ để bộ có cơ sở khi xây dựng quy chế mới. Đại diện Bộ Y tế cho rằng, những quy định trong dự thảo ngày 7/8 mà báo chí thông tin là do bộ GTVT lấy từ năm 2008.
 
Trái lại, ông Nguyễn Thành Lâm – Phó Cục trưởng Cục y tế giao thông vận tải (GTVT) cho biết, ông đã nhiều lần họp với Bộ Y tế, Bộ Công an về nội dung dự thảo thông tư trên. Ông Lâm khẳng định dự thảo ngày 7/8, ra đời sau cuộc họp lần 2 của ban soạn thảo và các bên đã cơ bản thống nhất các nội dung, trong đó vẫn giữ nguyên các quy định ngực lép, thấp bé, nhẹ cân không được lái xe máy.
 
Cũng theo ông Lâm, để xây dựng dự thảo thông tư trên, Bộ Y tế cũng đã quyết định thành lập ban soạn thảo gồm 30 người. Hiện ban soạn thảo vẫn đang tiếp tục tiếp thu ý kiến và chỉnh lý để trình 2 bộ trưởng ký.
 
Ông Lâm cho rằng nhiều quy định trong dự thảo này cần phải chỉnh sửa vì phù hợp với thể trạng của người Việt Nam. Cụ thể là cần phải quy định rõ hơn các tiêu chuẩn về thể lực theo giới tính hoặc theo từng loại xe khác nhau.
 
“Ví dụ, nam thường khỏe hơn nữ và hiện tại có những loại phương tiện cần rất ít thể lực để điều khiển. Chúng ta không thể tham khảo các quy chuẩn của nước ngoài để áp dụng vào Việt Nam được”, ông Lâm nhận định.
 
Bổ sung, ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế, Bộ GTVT cho rằng trả lời của Bộ Y tế về việc chưa có dự thảo trên là chưa chính xác. Bộ Y tế đã thành lập một ban soạn thảo tiêu chuẩn sức khỏe gồm nhiều người và đã họp nhiều lần. Bên Bộ GTVT chỉ tham gia 2 người.
 
Ông Triển cho biết cách đây một tháng, Cục Y tế (bộ GTVT) đã xây dựng một thông tư nền để gửi cho Bộ Y tế. “Khi xây dựng văn bản này chúng tôi cũng đã tham khảo, rút kinh nghiệm từ những quy định từ năm 2008 để tránh những quy định không phù hợp. Sau đó bộ Y tế tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thành một dự thảo mới”, ông Triển nói.
 
Thậm chí, đến cả Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cũng phủ nhận sự tồn tại của văn bản này. Trước đây, vào năm 2008, người dân đã được một phen lao đao trước quy định “Về việc ban hành tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” của Bộ Y tế. Quy định này ngay lập tức bị phản ứng. Trong một cuộc trưng cầu ý kiến độc giả, có đến 75.5% những người được hỏi cho rằng quyết định “ngực lép không được lái xe máy” là không phù hợp.
 
Ngay sau đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khằng định: "Việc đưa ra một loạt các tiêu chuẩn về sức khỏe chưa đảm bảo về tính hợp lý – không thực sự cần thiết, không gắn với yêu cầu đặc định đối với việc điều khiển các phương tiện giao thông khác nhau". Quy định sau đó đã nhanh chóng bị gỡ bỏ.

Theo lý thuyết thông thường trong xã hội hiện nay, với những vấn đề, sự vật, sự việc mà không ai chịu thừa nhận là của mình, là tác phẩm do mình gây ra thì người ta sẽ coi đó là 'ngoài giá thú'. Và với văn bản dự thảo ngực lép không được lái xe cũng tương tự như vậy.

Dù là văn bản quy phạm pháp luật, có cơ quan soạn thảo, ban hành hẳn hoi nhưng việc không ai thừa nhận cũng khó có thể quy rằng các cơ quan chức năng nói không đúng rồi bắt họ nhận trách nhiệm.

Tuy nhiên, đến giờ chót lại có một vấn đề mới nảy sinh, Bộ Y tế ngay từ đầu đã không nhận đó là sản phẩm của mình sao bây giờ lại bất ngờ quay 180 độ để tuyên bố rút? Đã không nhận là sản phẩm của mình thì có quyền gì mà đòi rút? Bởi như vậy sẽ rất ảnh hưởng nếu không muốn nói là xúc phạm tới tác giả thật vì lạm quyền.

Cũng vì thế mà bỗng nhiên có không ít người cảm thán cho số phận của văn bản 'ngoài giá thú này', không ai nhận, ai quan tâm vậy mà ai cũng cho mình có quyền định đoạt. Đúng là cái sự lạ ở đời chẳng bao giờ là có điểm dừng.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn