Báo Tuổi trẻ dẫn tin từ UBND xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết: "người đào vàng xuyên thế kỷ" Nguyễn Hồng Công (sinh năm 1952) đã qua đời trong lán của mình trên núi Mã Cú, thôn Đăng Hóa, xã Hóa Sơn. Xác của ông Công được một người dân phát hiện vào khoảng 7 giờ ngày 6 -10 tại lán ở của ông.
Ông Công vào xã Hóa Sơn đào vàng từ hơn 30 năm qua với hy vọng tìm thấy kho vàng chôn dấu của vua Hàm Nghi. Qua những năm tìm kiếm, ông Công tiêu tốn hơn 2 tỷ đồng và nhiều lần tuyên bố tìm thấy kho báu nhưng tất cả đều không có.
Ông Nguyễn Hồng Công từng là một sĩ quan biên phòng, quê ở huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. Gia đình ông đang sống ở TP.HCM.
Với hy vọng tìm thấy kho vàng chôn dấu của vua Hàm Nghi, ông Nguyễn Hồng Công đã bỏ ra trong suốt hơn 30 năm qua hơn 2 tỷ đồng và nhiều lần tuyên bố tìm thấy kho báu nhưng tất cả đều không có.
Vàng thì chưa thấy đâu mà số tiền chi trả cho việc tìm vàng ngày một tăng. Theo như bản tường trình trước đó ông Công nêu rõ: Trong 14 năm tìm kiếm, chi phí tốn 242 triệu đồng (chủ yếu là thời điểm trước năm 1990), số tiền này do tôi vay mượn nên phải trả gấp 20 lần (khoảng 5 tỷ đồng).
Trước nhiều năm tìm kiếm vàng, ông đã bỏ ra nhiều công sức tìm hiểu tài liệu và nắm rõ kho báu khổng lồ của vị vua yêu nước trên đường rút chạy. Vì thế từ năm 1982 ông đã thường xuyên đến khu vực này và ngụ cư lại để bắt đầu cuông cuộc tìm kiếm vàng.
Núi Mã Cú là nơi ông Nguyễn Hồng Công từng đào vàng hơn 30 năm |
Đến năm 1989, Bình Trị Thiên được chia làm 3 tỉnh (Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình), ông Công đã xin phép tỉnh Quảng Bình tiếp tục tìm kiếm kho báu để thỏa chí đam mê. Ông bắt đầu huy động vốn khắp mọi nơi quyết lật tung đất Hóa Sơn một lần nữa mong thỏa mộng giàu sang. Có tiền, ông lại thuê dân bản địa đào bới. Thế nhưng, được một thời gian tiền cũng hết, thế nhưng số người được thuê đào dần thấy chán nản và còn ông lại một mình tự làm.
Cứ thế năm này qua năm khác giấy phép hết hạn ông lại xin gia hạn, chưa có giấy thì cứ thế âm thầm đào bới. Ông đào bới đất nhiều đến nỗi năm 1993, một trận lũ lớn đã làm số đất đá mà ông đào lên trôi xuống làm cạn cả một dòng suối. Thế nhưng, không nản chí, ông Công cứ tiếp tục đào.
Ông Nguyễn Khắc Thái - tiến sĩ sử học, người có nhiều nghiên cứu về các giai đoạn lịch sử cận đại, trong đó có vấn đề về kho báu của vua Hàm Nghi ở Quảng Bình - khẳng định: “Bản thân tôi từng làm nhiều việc liên quan đến chuyện tìm vàng của ông Công. Chúng tôi đã đào hố thám sát tại ngọn đồi ông Công đang đào tìm kho báu, kết quả không có dấu hiệu gì cho thấy các tầng đất ở đó từng bị xáo trộn, như kiểu đã bị đào bới rồi lấp lại để chôn cất kho báu. Ở đó chỉ toàn là mạch đất nguyên sinh".
"Trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, lực lượng đi theo vua Hàm Nghi khi hành tẩu không đông và thường xuyên bị truy đuổi, đường đi rất dài (Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Lào, Hà Tĩnh...) và toàn đi bí mật ở địa hình rừng núi hiểm trở nên không cho phép mang vác cả một kho của cải nặng đi theo. Việc vua Hàm Nghi rời Huế trong hoàn cảnh bị Pháp kiềm tỏa như thế thì chuyện mang cả kho báu là không thể”, ông Thái cho biết.