Người cha mù lòa mỏi mòn chờ những đứa con lưu lạc

( PHUNUTODAY ) - Ông Trừng nói: “Đời tôi đến lúc này coi như đã tàn. Tôi chỉ cố gắng sống để chờ đến ngày hai con trở về. Hơn chục năm quanh quẩn trong ngôi nhà, nhưng trong tâm trí tôi chưa bao giờ nguôi ý định tìm lại vợ con mình..."

Khi nhắc đến ông Lê Văn Trừng, người dân ở tổ 4, thị trấn Quế (Kim Bảng, Hà Nam) ai cũng phải lắc đầu ngán ngẩm, cảm thương cho số phận “có một không hai” này. Ông Trừng bị mù lòa cả hai mắt, người vợ ôm hai đứa con bỏ ông mà đi. Năm nay đã 76 tuổi, sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, ông Trừng một mình bươn trải trước cuộc sống nhiều chông gai.

[links()]

Tai họa nối tiếp tai họa

Đến thăm ông Trừng vào buổi chiều giữa thu, tiết trời hanh khô, vào thị trấn Quế, không khó để hỏi ra được địa chỉ nhà ông bởi ông đã quá “nổi tiếng” với người dân trong vùng với hoàn cảnh “đặc biệt” của mình.

Trên con đường đê, bước xuống những bậc thang bằng đất, trước mắt tôi là căn nhà xiêu vẹo chừng 7m2 đang đóng kín cửa, đó cũng chính là nơi ông Trừng sinh sống gần 60 năm nay.

Tôi tiến lại gần, cửa đóng nhưng trong nhà có tiếng đài. Sau ba, bốn tiếng gọi cửa, một người đàn ông thân hình gầy gò, quờ quạng ra mở cửa. Chưa cần biết khách là ai, giọng ông Trừng hiền hậu cất tiếng mời khách vào nhà uống nước.

Căn nhà tối om, bốc lên mùi ẩm mốc, phải mất một lúc tẩn mẩn xung quanh, ông mới tìm thấy công tắc điện mà bật. Ông Trừng vui vẻ nói: “Cái công tắc đã gần 10 năm nó nằm ở đây nhưng lần nào bật, tôi cũng phải mất vài phút mới tìm thấy nó. Mới đây thôi, nó hở tôi không biết vô tình chạm vào bị giật. May mà lúc ấy có người tới chơi nên không việc gì…”.

Khi biết tôi là phóng viên, muốn đến tìm hiểu về hoàn cảnh của ông. Ông Trừng thoáng buồn trên nét mặt. Đang đứng, ông ngồi phịch xuống giường rồi im lặng trong giây lát. Cái im lặng của ông khiến tôi cảm thấy ngượng ngùng, mở lời để xóa đi bầu không khí nặng nề đó.

Ông Lê Văn Trừng
Ông Lê Văn Trừng

Tôi hỏi vợ con ông đâu sao lại để ông ở một mình với đôi mắt mù lòa thế này? Ông Trừng thều thào đáp: “Dạ… không có… có…mà họ bỏ đi rồi”. Rồi ông giải thích luôn: “Vì mình không làm được ra của cải nuôi người ta mà…nên mẹ nó đã đem… hai đứa đi”. Trong những câu nói đó, ông Trừng phải ngắt quãng liên tục như có gì đó tắc nghẹn ở cổ.

Rồi như tìm được người trút bầu tâm sự, ông Trừng kể cho tôi nghe về câu chuyện của đời mình. Ông sinh năm 1946, khi sinh ra ông vốn là một người khỏe mạnh bình thường. Đến năm 1960, trong một trận ốm lên Sởi, do gia cảnh nghèo không có điều kiện chữa trị nên căn bệnh đã khiến cho đôi mắt của ông kém đi.

Lúc ấy gia đình mới “tá hỏa” đưa ông đi khám thì bác sĩ kết luận: đôi mắt của ông sẽ mờ dần theo thời gian và đến một lúc nào đó, ông không còn nhìn thấy mọi thứ xung quanh nữa.

Không tin vào lời bác sĩ, ông Trừng vẫn quyết tâm vượt lên số phận. Thời gian đầu, ông còn nhìn được khoảng cách chừng 40m, ông đã làm đủ nghề từ việc nhà cho tới làm thuê. Trong khu vực ông Trừng sinh sống có người con gái hoàn cảnh éo le, là con của một người “không chồng mà chửa”.

Thương cảm cho số phận của người phụ nữ ấy nên ông đã lấy cô về làm vợ. Ông Trừng kể: “Trước kia, vợ tôi phải chịu rất nhiều sự dè bỉu của người dân trong làng, chỉ có hai mẹ con sinh sống trong sự ghẻ lạnh của những người xung quanh.

Thấy số phận của hai mẹ con như thế nên tôi thấy thương lòng. Mỗi khi nhà cô ấy có công việc gì tôi lại ghé qua giúp đỡ, rồi dần dần đem lòng cảm mến.

Ngày quyết định lấy cô ấy về làm vợ tôi phải chịu rất nhiều sự khinh bỉ của bạn bè và bà con làng xóm, vì ngày xưa chuyện như gia đình cô ấy được liệt vào hàng tối kỵ. Nhưng rồi, bỏ qua mọi lời dị nghị, tôi vẫn quyết tâm được chăm sóc cho người vợ của mình”.

Vợ chồng ông sinh được 2 người con, con gái ông đặt tên Lê Thị Mai, con trai tên Lê Văn Giang. Đang chung sống hạnh phúc thì tai họa bất ngờ ập đến với ông Trừng: đúng như lời bác sĩ năm xưa đã nói, mắt ông dần dần mờ đi và đến năm 1986, ông Trừng không còn nhìn thấy gì nữa.

Nối tiếp nỗi đau bệnh tật là nỗi đau tinh thần đè xuống thân hình nhỏ bé của ông Trừng, khi mà người vợ sau hơn 10 năm chung sống, thấy ông bị mù lòa, không làm lụng được gì, hàng ngày lại phải chăm sóc ông, đã không chịu được, càng ngày càng tỏ ra ghẻ lạnh với chồng.

Những cuộc “khiêu chiến” liên tiếp xảy ra dù người đấu dịu luôn là ông. Nhưng “giữ người ở lại chứ ai giữ được người muốn đi”, ông Trừng nở nụ cười chua chát nói.

Ông Trừng nhớ lại: “Đó là vào buổi sáng một ngày tháng 8/1986. Tối hôm trước tôi và cô ấy có lời qua tiếng lại, tưởng vợ chỉ giận dỗi bỏ đi đâu đó rồi về. Nhưng khi sáng ra tỉnh dậy gọi tên vợ con mà không thấy ai trả lời. Lúc ấy…”, nói đến đây giọng ông Trừng nghẹn lại không nên lời.

Tôi tiến lại gần lắm lấy tay ông tỏ lòng cảm thông, rồi ông Trừng nói tiếp: “Tôi không thể nào quên cái cảm giác bàng hoàng khi mà gọi mãi không thấy vợ con mình trả lời.

Đi quanh làng kêu gào tên vợ con đến khản cả cổ thì một người phụ nữ trong thôn đi chợ về nói cho tôi biết là sáng sớm nhìn thấy cô ấy bế hai đứa con cùng với một chiếc túi ra đầu đường cái bắt xe đi đâu đó.

Lúc ấy, tôi chết lặng như nhận được giấy báo tử vậy. Tôi ngồi sụp xuống, người dân phải đưa tôi về nhà. Từ đó, tôi ở trong căn nhà này một mình cho tới bây giờ”.

“Cố gắng sống để chờ đến ngày hai con trở về”

Ngày đầu vợ con mới bỏ đi, ông Trừng đi khắp làng trên xóm dưới mong tìm được vợ con mà thuyết phục họ trở về. Anh em bên đằng ngoại cũng “mất hết, chẳng còn ai” nên càng khó cho ông để tìm ra người vợ tệ bạc của mình.

Trong nhà có thứ gì giá trị ông cũng đã bán sạch từ hơn 20 năm nay để làm “lộ phí” lên đường tìm lại vợ con. Một mình với thân hình mù lòa, ốm yếu, ông lang thang bươn trải đi khắp Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội… để tìm vợ con.

Ông đã khóc khi có người dự đoán: “Có khi vợ anh mang con vượt biên sang Trung Quốc rồi”. Nhưng ông vẫn không tin, tiếp tục lang thang đi tìm để rồi nhận được sự vô vọng.

Ông Trừng chỉ dừng lại cuộc “hành trình” tìm vợ con trong một lần ông đang ở Ninh Bình bị ngã gẫy chân bên phải, may mà gặp người tốt đưa ông về tận nhà mới sống được tới bây giờ.

Có đến nhà ông, mới thấy cám cảnh cho gia đình của người đàn ông này. Những người hàng xóm vẫn ví ngôi nhà giống như “túp lều chăn vịt”.

Trong căn nhà gần chục mét vuông đó, vật dụng đáng giá nhất chỉ là cái đài cát-sét cũ kỹ mà ông “tích góp tiền cả một năm mới mua được”; chiếc nồi cơm điện cũ rích mà người quen “thải” ra đem cho và cái quạt điện mới “sắm” hồi đầu mùa hè vừa rồi.

Ông Trừng bảo mình già nua lại mù lòa nên chẳng đi đâu được, ở nhà làm bạn với cái đài cát-sét, mọi thông tin ngoài xã hội ông đều biết thông qua nó. “Có lần tôi còn nhờ cả người đăng tin tìm vợ con trên vô tuyến cũng như trên đài. Mỗi lần đăng tin là mỗi lần hy vọng nhưng rồi cũng chẳng ăn thua gì”, ông tâm sự.

Cuộc sống sinh hoạt của ông Trừng “gói gọn” trong căn nhà lụp xụp. Một mình thân già mù lòa ấy phải làm tất cả mọi việc từ nấu cơm, quét nhà, đun nước, tắm rửa… mỗi lần muốn mua thứ gì ông đều phải mò mẫm ra đường nhờ người mua hộ.

Ông Trừng bảo: “Khổ nhất là lúc nhóm bếp củi để nấu thức ăn. Do tôi không nhìn thấy gì nên nhóm mãi củi mới cháy được, có lúc khói um lên, hàng xóm cứ tưởng cháy nhà lại tất tả chạy sang”.

Chi tiêu sinh hoạt hàng ngày của ông chỉ dựa vào 180.000 đồng/tháng tiền trợ cấp hộ nghèo, thi thoảng đến dịp lễ tết ông lại nhận thêm được vài trăm nghìn đồng tiền “an ủi” từ chính quyền địa phương.

Hàng tháng nhận được số tiền ấy, ông phải chia nhỏ ra để chi tiêu. Ông Trừng cho biết: “Hàng ngày tôi chỉ ăn hai bữa trưa, tối. Trong bữa cơm chỉ có rau với vài con cá vụn. Nhưng dù có xoay sở đủ kiểu, chi tiêu tằn tiện thế nào, số tiền ấy vẫn không đủ cho tôi trang trải cuộc sống hàng ngày.

Anh em trong nhà cũng đã mất hết chẳng còn ai mà nương nhờ. Nhiều khi ăn bữa nay chẳng biết có gạo để ăn bữa mai không, nói gì đến việc mua thuốc chữa bệnh”.

Hiện tại, ngoài việc bị mù lòa cả hai mắt, ông Trừng còn mắc thêm bệnh hen phế quản mãn tính nên thường xuyên phải uống thuốc. Mỗi lần điều trị cũng phải mất gần 1 triệu đồng.

Ông cho biết: “Những ngày trời nắng thì còn đỡ chứ vào những hôm trời lạnh, thời tiết hanh khô, ông ho đến khản cổ. Có lúc cơn hen lên, nếu không uống thuốc kịp thời sẽ không thở được”.

Ông Trừng tâm sự thêm: “Đời tôi đến lúc này coi như đã tàn. Tôi chỉ cố gắng sống để chờ đến ngày hai con trở về. Hơn chục năm quanh quẩn trong ngôi nhà là thế, nhưng trong tâm trí tôi chưa bao giờ nguôi ý định tìm lại vợ con mình.

Mong anh đừng thay tên tôi, cũng đừng làm nhòa mặt tôi. Biết đâu một ngày nào đấy các con của tôi đọc được bài báo mà nhận ra để tìm về”.

Chào ông ra về, hình ảnh người đàn ông tóc đã bạc trắng, đôi mắt mù lòa, ngày ngày ngồi một mình ngoài cửa nhà mỗi khi hoàng hôn buông xuống, hai tay chống cằm, gương mặt hướng ra phía có người qua lại như đang ngóng đợi điều gì đó cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi.

  • Đông Tẩu
     
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn