Đã ngoài 70 nhưng bà Nguyễn Thị Phương vẫn từng ngày đi khắp mọi ngõ ngách của khu phố mình đang ở. Vì ở đây có những con người lỡ sa chân vào con đường lầm lạc, họ đang ngày ngày chịu sự hành hạ của “cái chết trắng”. Bà tâm niệm: “dù là con nghiện nhưng mấy em nó cũng như con cháu mình thôi, cứ nghĩ như vậy là thấy thương chúng hơn”.
[links()]
Giấu gia đình làm việc…không ai làm
Chúng tôi tìm về căn nhà của bà Nguyễn Thị Phương tại khu phố 4, phường 10, quận 3, TP.HCM, đây vốn là khu vực nằm cạnh Ga Sài Gòn - điểm nóng về tệ nạn, đặc biệt là nạn ma tuý, hút chích.
Đi đến đâu người dân cũng nhiệt tình chỉ đường kèm theo những lời khen bày tỏ sự cảm kích về người phụ nữ nhân hậu. Họ gọi bà bằng cái tên nghe rất “kêu” gắn liền với công việc bà làm thường ngày là bà Phương “Cai nghiện”.
Do tính chất phức tạp của khu vực này tập trung chủ yếu là những dân nghèo, buôn bán. Những đứa trẻ khiến đám thanh niên trong khu phố không được dạy dỗ đến nơi đến trốn đã bỏ học chạy theo làn khói trắng.
"Ngày xưa trẻ con, người lớn hút chích ma tuý công khai, rồi sinh ra trộm cướp giữa ban ngày. Đoạn đường này đi đến đâu cũng thấy kim tiêm vứt la liệt. Tôi đã phải cẩn thận nhặt hết rồi đóng gói rồi nộp cho cán bộ phường tiêu hủy", chỉ con hẻm nhỏ dẫn vào khu phố, bà Phương kể.
Cũng theo bà Phương thì số đông trong chúng không đường về dẫn đến tù tội hay đã chết vì căn bệnh thế kỉ HIV. Nhìn những thanh thiếu niên cùng trang lứa con cháu mình cứ từng lứa một ăn chơi đua đòi rồi như con thiêu thân lao vào làm bạn với làn khói trắng bà Phương đã không thể bỏ mặc. “Tôi muốn làm một cái gì đó để giúp chúng dứt hẳn với tệ nạn để làm lại cuộc đời”, bà nói.
Bà Nguyễn Thị Phương tại bếp ăn tình thương của mình ở quận 3, TP.HCM. |
Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng sức khoẻ bà Phương vẫn còn rất tốt, những bước chân thoăn thoắt và tinh thần thì cực kì minh mẫn. Vốn từng lâu năm hoạt động trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, hội chữ thập đỏ của khu phố nên bà am tường hoàn cảnh của từng gia đình có con em bị nghiện ma túy.
Cũng chính vì lẽ đó, bà đã không mấy khó khăn để tiếp cận phụ huynh, gia đình khuyên họ đưa con em vào các trung tâm trực thuộc Sở Lao động - thương binh và xã hội, các Trung tâm giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm của Thành phố do Lực lượng Thanh niên xung phong quản lý.
“Gia đình có con em vướng vào ma tuý rất bất hạnh, không phải ai cũng biết đưa con mình đi chữa trị ở đâu. Phần lớn trong đó chỉ biết trách mình và để cho lũ trẻ ở nhà đến một ngày từng món tài sản đội nón ra đi, gia đình vỉ thế cũng tan nát”, bà kể.
Vận động được gia đình hợp tác đưa các em đi cai nghiện đã là thành công bước đàu. Tuy nhiên cái chính là lấy đâu chi phí lo thủ tục, thuốc thang để giúp chúng cắt cơn lại là một vấn đề. Mỗi trường hợp tốn vài trăm nghìn nhưng đối với những gia đình vốn đã khánh kiệt bởi sự phá hoại của ma tuý cũng là một vấn đề lớn.
Thế là bà lại tìm đến những nhà hảo tâm để vận động, tìm nguồn hỗ trợ cho những trường hợp này. Bản thân bà cũng đem tiền lương hưu ít ỏi của mình để góp phần hỗ trợ những gia đình không có điều kiện.
Để giúp được nhiều người hơn, bà lại giấu chồng con lén đi làm thêm việc nuôi bệnh thuê cho những gia đình có người bệnh nhưng neo đơn, không ai chăm sóc tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Biết gia đình sẽ ngăn cản nên mọi việc được bà giấu nhẹm đi. Hàng ngày, bà ráng thu xếp việc nhà đâu vào đấy đến gần trưa thì vào bệnh viện làm thêm. Sau khi lo cho gia đình bữa cơm chiều, tối đến bà lại đạp xe đạp len lỏi vào các con hẻm nhỏ, đến những hộ có con em nghiện ma tuý đi cai.
Những bộ quần áo nhận giặt thêm cho các bệnh nhân bà không mang về nhà mà mang sang nhờ một số người phụ nữ địa phương để phơi nhờ. Số tiền ít ỏi khảng vài chục nghìn tiền công mỗi ngày bà lại gom góp cho việc đưa những thanh thiếu niên đi cai nghiện.
Hết mình với ước nguyện cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp
Tiếp cận những kẻ nghiện ngập, những người đã nhiễm bệnh HIV là công việc cực kỳ gian nan và nguy hiểm nhưng đối với bà Phương, đó là chuyện hàng ngày. Bà quan niệm hãy xem chúng như con cháu mình thì sẽ có thêm động lực.
Nghĩ vậy nên bà lăn xả vào những khu vực nóng của nạn ma tuý. Không chỉ hoạt động gói gọn trong phường, bà còn tìm hiểu và đến những nơi khác tại các quận lân cận như Phú Nhuận, Gò Vấp…
Nhiều người biết tiếng bà lại cầu cứu nhờ sự giúp đõ của bà Phương. Những lần “hành hiệp trượng nghĩa” cũng đem lại không ít phiền toái và cả những thương tích đến cho bà.
Theo bà thì trong một lần chăm sóc cậu thanh niên cai nghiện tại nhà. Theo qui trình thì hàng ngày bà phải đến tận nhà để cho người cai nghiện uống thuốc cắt cơn. Ngày đó, do lên cơn sớm nên thanh niên quay ra quậy phá không kiểm soát được.
Khi bà đến cũng là lúc cậu này vùng vẫy, đá đấm khắp nơi trúng vào mặt khiến bà Phương gãy cả răng và mồm đầy máu. Gia đình “bệnh nhân” do ngại đã khuyên bà dừng lại nhưng bà vẫn quyết tâm tìm đến. Kết quả là cậu thanh niên đã dứt cơn thành công khiến cả gia đình này hết lòng biết ơn.
Còn lần khác, một thanh niên sau khi đồng ý theo bà Phương đi cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện ma tuý Bình Triệu (quận Thủ Đức, TP.HCM). Song đến nơi, trong khi chờ làm thủ tục, cậu này xin đi vệ sinh và đổi ý trốn luôn trong đó.
Bà Phương đã đứng ngoài cùng nhiều cán bộ để khuyên giải nhưng bất ngờ cậu này tung cửa bỏ chạy. Sau cú tông bà lảo đảo ngã xuống cái hố bên cạnh và bị gãy tay và phải đến bác sĩ bó bột. Sau tai nạn, người nhà và rất nhiều hàng xóm khuyên bà nên tịnh dưỡng một thời gian để con cháu chăm sóc.
Song, những ngày tiếp theo, nhiều người phải chịu thua khi bà Phương lại xuất hiện tại nhà các con nghiện với cánh tay băng trắng.
Hết lòng vì công việc không giống ai này nên cho đến nay bảng thành tính của bà Phương cũng rất đáng nể. Trong quãng thời gian 14 năm hoạt động, bà đã giúp đỡ hơn 100 người trong khu phố và hàng chục thanh niên ở các địa phương khác thoát cảnh nghiện ngập.
Mỗi trường hợp, bà đều lập hồ sơ quản lý riêng biệt và theo dõi chi tiết kể cả quá trình sau khi cai nghiện thành công. Trong số hồ sơ bà lưu giữ, cũng có những người dù có quyết tâm cai nghiện nhưng lại không chống chọi lại được với căn bệnh HIV từng nhiễm phải trước đó.
Đáng nhớ nhất là chuyện những cô vợ trẻ bị lây nhiễm bệnh từ chính người chồng của mình. Chìa lá thư bằng những nét chữ nguệch ngoạc bà cho biết là của một cô gái đã chết vì căn bệnh thế kỷ. Trong thư cô gái cho biết mình đã nhiễm bệnh và đang ở giai đoạn cuối không sống lâu được nữa và nhờ bà chăm sóc lo cho đứa con gái mới 3 tuổi.
Đã có rất nhiều trường hợp những thanh niên được bà đưa đi cai nghiện đã thực sự hoàn lương và tìm được công việc ổn định. Có người đã có gia đình và thỉnh thoảng quay lại tìm bà xem bà là người tái sinh cho mình.
Một trường hợp cậu thanh niên sống cùng khu phố sau khi cai nghiện thành công đã xin được nhập ngũ và trở thành chiến sĩ giỏi. Nhiều trường hợp lại trở thành những thợ điện lành nghề, cá biệt có cả những người sau đó đã thành diễn viên...
Đến nay khu phố 4, nơi bà Phương sinh sống theo hồ sơ quản lý của địa phương thì không còn tệ nạn ma tuý và đạt danh hiệu “Khu phố văn hoá”.
Không còn cảnh thường ngày phải đi động viên, khuyên giải nhưng bởi từng mồ côi mẹ từ bé bà hiểu và thông cảm và quay sang cho những trẻ em cơ nhỡ. Năm 2008, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các đóng góp của nhiều nhà hảo tâm bà Phương xây dựng một bếp ăn tình thương.
Nơi đây, hàng ngày cung cấp gần 80 xuất cơm miễn phí cho người nghèo. Chi phí thực phẩm cho những phần cơm mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng trong đó có cả tiền lương hưu, tiền quà bánh con cái cho của bà Phương. Phần con lại bà vận động những Mạnh thường quân tại địa phương.
Ngoài những xuất cơm tình nghĩa, bà Phương còn vận động tiền bạc giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Từ tấm lòng hảo tâm của bà và nhiều người khác đã có 14 căn nhà tình thương được xây dựng dành cho những người tàn tật, neo đơn.
Theo bà Phương thì bếp ăn tình nghĩa hoạt động hiệu quả suốt nhiều năm nay. Những người phụ nữ trong khu phố, những người khó khăn từng được bà giúp đỡ củng quay lại để tham gia đóng góp, hỗ trợ giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Đến nay, hành trang đến với những mảnh đời lầm lỡ của người phụ nữ này được ghi nhận là tình thương chân thành và ước mong giúp cho xã hội tốt đẹp hơn. Cũng chính vì điều này, bà Phương rất nhiều năm liền đạt thành tích “Người tốt việc tốt” cấp phường, cấp quận và cũng rất nhiều lần đạt được giấy khen cấp thành phố.
Mới đây, bà còn được Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng bộ Công an trao tăng Huân chương vì sự nghiệp nhân đạo. “Nhìn những nụ cười của những người cơ nhỡ khi nhận những xuất cơm từ thiện tôi không còn cảm thấy mệt mõi”, bà cười mãn nguyện.
Chia tay người phụ nữ này, chúng tôi tự nghĩ phải chăng nơi đâu cũng có những tấm lòng như của bà Phương thì tệ nạn cũng như tội ác không thể tồn tại.
- Hoàn Vũ