Người dân thôn Chi Ngôn (Thanh Liêm – Hà Nam) luôn gọi lão nông Phạm Văn Nhẫn và bà vợ Đào Thị Lam là đôi vợ chồng “gàn”. Hơn 30 năm nay, vợ chồng lão nông này không quản ngày đêm, hễ ở đâu có người tâm thần nào lang thang cơ nhỡ, là vợ chồng họ đạp xe đi tìm, và đưa họ về nhà, tắm rửa, cho ăn uống, rồi lại cố gắng gọi điện liên lạc, để tìm lại mái ấm cho những con người mắc bệnh về thần kinh như thế.
[links()]
Hỏi lão nông tên Nhẫn ấy, lão chỉ cười hề hề: “Mình làm phúc cho người ta thôi, cũng là con người với nhau mà, chứ để ngủ bờ ngủ bụi, lang thang đầu đường xó chợ thế, ngộ nhỡ có gì không hay thì lại khổ họ ra…”.
Hơn 30 năm “nhặt” người điên
Không quá khó để hỏi đường đến nhà lão nông Phạm Văn Nhẫn, mà người dân nơi đây luôn gọi với một biệt danh khá lạ lẫm, đó là lão Nhẫn “gàn”. Sinh ra ở vùng quê Hà Nam chiêm chũng, cũng như bao người nông dân khác, chàng thanh niên Nhẫn cũng cần mẫn ở lại quê hương, cưới vợ là chị Đào Thị Lam, rồi hai vợ chồng cùng nhau làm ăn, sinh sống.
Ngoài vài sào ruộng, chăn nuôi đàn ngan, gà để bán thịt, chị Lam ở nhà mở thêm hàng nước để bán lúc nông nhàn, còn anh Nhẫn có thêm nghề vá xe, chạy xe ôm. Có lẽ, cái tên Nhẫn xe ôm dần bị thay thế bởi Nhẫn “gàn” cũng nhờ những chuyến xe ôm định mệnh đó.
Giọng nói sang sảng, chắc nịch, lão gàn Nhẫn bắt đầu kể: “Hôm ấy, trở xe ôm cho một chị về dưới Thanh Nguyên kia, lúc quay xe đi về thì tôi bỗng thấy một bà điên đầu tóc bù xù, chân tay lấm lem, quần áo rách rưới đang lết từng bước bên đường.
Vợ chồng lão nông Phạm Văn Nhẫn và vợ Đào Thị Lam |
Đã đi qua rồi, nhưng không hiểu thế nào, tôi lại đánh xe quay ngoắt lại, dừng xe hỏi han, rồi ngọt nhạt dụ bà ấy về nhà mình. Thế nào mà bà ấy cũng cười hềnh hệch, đồng ý ngồi sau xe tôi và về nhà”. Lão gàn nhấp ngụm nước chè, rồi lại chậm rãi kể tiếp.
Lúc đầu, mang bà ấy về nhà với bộ dạng bẩn thỉu, người hôi hám, đen nhèm như thế, chị vợ cũng giật mình, không hiểu đó là ai và chồng mình có ý định gì.
Khi được sai đi tắm giặt, kì cọ, kiếm quần áo thay cho người đàn bà điên ấy, chị Lam cũng không dám hé răng nửa lời để hỏi chồng, vì chị biết tính của lão chồng nhà mình, một khi lão bảo thì cứ thế mà làm, chứ cấm được thắc mắc, hỏi han.
Xong xuôi đâu đấy, chị Lam lại nhận được lệnh của chồng, là đi nấu cơm cho người đàn bà ấy ăn, rồi đi dọn giường chiếu dưới bếp cho bà ấy ngủ.
Nhớ lại lần đầu tiên phải làm cái việc mà chị chưa được biết lí do ấy, chị Lam kể lại: “Thấy lạ lắm, nhưng tôi nào có dám hỏi, cứ lẳng lặng làm theo lời chồng thôi. Mãi tối hôm ấy, lão ấy mới kể rõ sự tình cho tôi nghe, và có bảo rằng, đây là mình làm phúc, coi như để đức sau này cho con cháu, để lấy cái hậu về sau thôi, nên đừng suy nghĩ gì. Nghe cũng xuôi xuôi, tôi cũng gật đầu không chút phản đối.”
Rồi, như chợt nghĩ ra, là sức hai vợ chồng với nách 2 con nhỏ khó có thể nuôi thêm một người tâm thần trong nhà, nên chị bàn với chồng tìm cách nối lại liên lạc, tìm lại gia đình cho người đàn bà tâm thần ấy.
Nghe lời vợ, lão gàn lân la, hỏi chuyện người đàn bà điên ấy, để dò la tin tức, rồi lại hộc tốc chạy ra bưu điện gần đó, gọi nhờ điện thoại lên tổng đài, hỏi dò số điện thoại của huyện, rồi của xã, nơi mà người tâm thần kia cung cấp.
Nhớ lại lần đầu tiên làm công việc ấy, lão gàn nói: “Ngày ấy làm gì có di động như bây giờ đâu, mỗi lần gọi là tôi phải chạy xe vài cây số đi gọi thuê, rồi lần mò chán mới dò la được tin tức. May thay thế nào, mấy ngày sau, người nhà bà điên này từ tận Thanh Hóa kéo cả đoàn ra, nhận người và cảm ơn gia đình rối rít.”
Kể từ đó, nó như một thói quen và nghĩa vụ, hễ chạy xe ôm chở khách đi đâu, dọc đường thấy người điên, người lang thang là lão gàn lại dừng xe, ngọt nhạt dụ dỗ họ đi về cùng. Về nhà, chị Lam lại tất bật tắm rửa, kiếm quần áo cũ thay cho sạch sẽ, rồi lại nấu cơm cho ăn.
Từ đó tới nay, cũng gần 30 năm anh chị cứ thay nhau làm công việc như thế, đưa về nhà phải vài ba trăm người điên, người tâm thần lang thang, trôi dạt đến đây. Lão gàn chia sẻ:
“Chủ yếu là người có vấn đề về thần kinh, từ Thanh Hóa, Nghệ An, xa nhất là có người ở tận Yên Bái, Lạng Sơn dạt về đây, tôi đều đưa về nhà hết, đều cố gắng sớm nhất tìm ra tung tích của họ, để trả họ về với gia đình mình.”
Có lần, nghe mấy bà đi buôn về ngồi nghỉ ở quán nước, kể về một cô bé trẻ măng, nhìn xinh xắn mà bị điên, cứ lang thang mạn Ninh Bình, ban ngày cứ thơ thẩn, hát hò, có khi nằm giữa đường xe đi lại, quần áo rách rưới bẩn thỉu và thấy tội tội lắm.
Thấy vậy, lão gàn vội hỏi han cụ thể, rồi một mình giữa trưa hè oi ả, phóng xe đi về tận phía Ninh Bình để tìm cô gái ấy. Lão gàn nhớ lại:
“Hôm ấy, vội đi đường tắt, nên tôi còn bị ngã xe, trầy xước hết cả chân tay, rách cả quần, nhưng lại vội dựng xe đứng dậy đi tiếp, quên hết cả đau đớn, chỉ mong sao mau tìm được cái cô điên ấy. Cũng may, lang thang hỏi han tới gần chiều, tôi cũng tìm và đưa được cô ấy về nhà mình.”
Lục trong đống quần áo rách rưới cô gái này mang theo, mới thấy một tấm ảnh mờ nhạt, có ghi địa chỉ và ngày giờ chụp đằng sau. Như bắt được của, lão gàn lại hộc tốc chạy xe ra bưu điện, gọi lên tổng đài, xin số điện thoại của ủy ban xã đó, rồi tả lại hình dáng cô gái, những người trong ảnh, mong nhận được sự phối hợp để giúp đỡ.
Và cũng may, chỉ vài ngày sau, gia đình cô gái này cũng thuê xe ôm từ Hòa Bình ra đây để nhận người. Lão gàn bảo: “Nhận người xong, anh trai cô này cũng đưa tôi mấy trăm nghìn, nói là tiền cám ơn, vì gia đình cũng hoàn cảnh, không có nhiều nên coi như chỉ đỡ điện thoại, xăng xe cho tôi.
Nhưng, nghe hoàn cảnh của nhà cô này, một mẹ già và tận 3 người con điên dại, chỉ duy có người anh cả là bình thường, nên tôi cũng chả dám cầm, đành gửi lại bảo làm lộ phí đi đường cho hai anh em. Thế là, cậu này cứ nắm tay tôi, mếu máo khóc, rồi còn nhận là em nuôi, em kết nghĩa, hàng năm vẫn ra thăm nhà tôi đấy.” Nói xong, lão gàn lại cười rõ to.
Mất cả con trai vì cứu người…
Mải nói chuyện về những con người có số phận bất hạnh, những con người có vấn đề về thần kinh, cứ lang thang cơ nhỡ ngoài đường, lão gàn mới chợt nhớ tới một câu chuyện buồn, giọng lão như trầm hẳn xuống. Lão kể:
“Vợ chồng đẻ được 2 thằng con trai, thì năm 2006, khi thằng lớn vừa đi nghĩa vụ quân sự về, ở nhà chơi với bố mẹ rồi tính đi học nghề. Ai ngờ, cũng chỉ vì giúp bố đi tìm cái cô bị tâm thần giữa đêm ấy, mà nó bị tai nạn xe, mất ngay đêm hôm ấy. Năm kia, tôi vừa sang nhà mới cho cháu nó xong rồi…”.
Lão bỗng nghẹn lại, bỏ lửng câu nói, chỉ khẽ ngước mắt nhìn lên di ảnh người con trai trên ban thờ, rồi lão vội quay mặt đi, cố nén tiếng thở dài não ruột….
Nhớ như in cái ngày định mệnh ấy, khi lão vừa vui mừng tìm được gia đình của một người đàn ông bị điên, và cả nhà họ đang trên đường từ Lạng Sơn xuống nhận người. Thì cũng đúng hôm ấy, người đàn ông này vùng khỏi nhà bỏ chạy.
Phần vì lo cho ông ấy, phần vì cũng thấy ngại với gia chủ, mất công họ cất công đi bao nhiêu cây số để xuống nhận cha, nhận chồng, nên lão gàn hối hả cùng cậu con trai lao đi tìm trong đêm. Hôm ấy trời mưa tầm tã, chạy xe hết đoạn Ba Sao, Kim Bảng, rồi ra tận Cầu Giẽ (Phú Xuyên) mới thấy. Và trong lúc đi về, con trai lão đã gặp nạn và mãi mãi ra đi…
Sự mất mát quá lớn ấy tưởng chừng có thể làm cho lão không còn hứng thú và thiết tha với cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này nữa, nhưng vừa lo đám tang cho đứa con xong, nghe tin có người bị điên đã ngủ 2-3 ngày ở góc chợ Phủ Lý, lão lại lấy xe, lao đi tìm.
Chị Lam ở nhà cũng vừa cạn nước mắt vì con, nhưng khi thấy chồng đưa một bà cụ gầy yếu, nhom nhem, hốc hác, chị lại gạt nước mắt, đứng dậy tắm rửa, rồi làm những việc hàng ngày chị vẫn làm với bao người tâm thần được đưa về nhà khác.
Chị nói: “Âu cũng là cái số con trai tôi nó thế, chứ sao mà trách là do ai được. Còn bây giờ, mình giúp những người bất hạnh kia, cũng là để giúp đỡ họ bớt khổ, mình làm để tích đức về sau cho con cháu được hưởng…”
Mặc cho hàng xóm dị nghị, bao người nói vợ chồng ông hâm, ông điên mới đi làm cái việc không công ấy, nhưng vợ chồng lão nông Nhẫn vẫn cứ làm, vẫn cứ giúp người một cách tự nguyện như thế. Hiện gia đình ông Nhẫn đang cưu mang một người bị tâm thần từ gần 4 năm nay, đó là ông Trần Văn Cường ở Bắc Giang.
Không có người thân thích ở quê, ông Cường chỉ có một cô em gái đang làm việc trong Nam, nhưng vì điều kiện nên chưa ra đón ông Cường vào được, vì vậy gia đình ông Nhẫn coi ông Cường như người trong gia đình.
Gần 30 năm đi cứu người, lão gàn làm bởi thấy việc mình cần làm và đúng với lương tâm. Nhiều gia đình sau khi đến nhận và đón người thân đều tìm cách trả ơn cho ông Nhẫn bằng tiền bạc nhưng ông đều từ chối khéo, hoặc tùy hoàn cảnh thì mới nhận, coi như tiền điện thoại, xăng xe, để cho gia đình họ đỡ thấy mang ơn nhiều quá.
Sắp chia tay chúng tôi, lão gàn Nhẫn nói như trút hết tâm sự: “Người ta có thể cho tôi là điên là khùng, nhưng tôi chỉ làm vì cái tâm của mình, mặc cho mọi người bàn tán. Mà những việc tôi làm chưa thấm vào đâu so với nỗi khổ của những người có số phận bất hạnh đang kiệt sức vì đói khát ngoài kia.
Vì thế, còn khỏe ngày nào, còn đi được ngày nào là tôi vẫn còn cưu mang và tìm lại mái ấm cho những con người khốn khổ như thế”.
- Huy Khánh