Người mẹ chồng thắp sáng đời con dâu mù lòa

07:19, Thứ hai 12/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Bà chia sẻ: “chúng nó bám nhau nắm, vợ muốn đi đâu thì chồng đưa đi, trong bữa ăn biết gắp đồ ăn cho nhauhellip; Thương hơn cả người lành, như thế tôi cũng được an ủi”.

Khóe mắt bà đã lộ rõ những nét chân chim,  bà đã ở tuổi 70 mà không nguôi vất vả vì con gái, con dâu… Câu kể nào về con cái, bà cũng kể rất mạch lạc. Bà có một người con gái mù lòa, cho con trai lành lặn lấy một người vợ mù lòa nhưng bà yêu họ, lo cho họ con theo cách của người mẹ Việt Nam, câm lặng, chịu đựng, hi sinh…
[links()]
Dù không có con tham gia chiến tranh, nhưng chúng tôi xin phép gọi bà là mẹ. Mẹ là Nguyễn Thị Hương ở xã Đông Xá, Vân Đồn, Quảng Ninh.

Trong chuyến công tác vào những ngày u ám tại huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh, đoàn chúng tôi vô tình nghe được câu chuyện về một người phụ nữ mù lòa nhưng dũng cảm đứng lên làm lại cuộc đời và thay đổi số phận của mình.

Chị đứng ra mở cơ sở tẩm quất có tiếng, nhận nhiều người khiếm thị vào làm việc và tạo việc làm và thu nhập đều đặn cho họ. Chị là Châu Thị Bông - Chủ tịch hội người khiếm thị huyện Vân Đồn.

Nói đến nghị lực của chị thì ai cũng nể phục và biết đến, nhưng trong suốt câu chuyện của chị có hình ảnh của một người mẹ đứng sau âm thầm lo toan - người mà nhờ đó mới có một chị Bông dũng cảm ngày hôm nay.

Trong bài viết này chúng tôi xin nhắc đến bà ở vị trí một người mẹ tuyệt vời của những đứa con và một người mẹ chồng tuyệt vời.

Mười lăm lần đẻ…

Mẹ Nguyễn Thị Hương cùng cô con dâu bé bỏng
Mẹ Nguyễn Thị Hương cùng cô con dâu bé bỏng

Người mẹ Hương gầy quắt nhưng lúc nào cũng tươi tỉnh. Giọng nói của mẹ lơ lớ nhưng rất nhanh. Mẹ có đôi mắt sáng, nước da ngăm ngăm và cái kiểu hành xử thẳng như người xứ biển. Câu chuyện kể của mẹ mang nhiều biểu cảm trên khuôn mặt in rõ sự nhọc nhằn khắc khổ:

“Hơn chục năm về trước nhà tôi ở đảo nhỏ xa đất liền chứ đâu, ở đó toàn cát và nắng biển. Nhà chẳng có nghề gì ngoài nghề làm cá, làm muối. Sống ở đó xa xôi, khó khổ trăm đường vì tàu thuyền qua lại không có, điện đóm cũng không…

Rồi mãi sau này những đứa con của tôi lớn lên, đứa bệnh tật, đứa cần ăn học, đứa phải đi làm, đứa cần lập gia đình… Cần gấp “văn minh” nên tôi tích góp nhặt nhạnh đưa các cháu vào bờ.

Có được mảnh đất, rồi lại lo tiền xây nhà. Cũng bởi nhờ sự tảo tần của mẹ Hương mà con cái của mẹ có được như ngày nay.

Thế hệ mẹ Hương, 13- 14 tuổi đã lấy chồng, đẻ con thì đẻ nhiều vì lo ông trời lấy đi mất. Mẹ Hương tâm sự rất thật với chúng tôi: “Nói thật với các cô tôi chửa đẻ tất cả 15 lần, thế nhưng chỉ giữ lại được mấy đứa.

Chúng sinh ra đứa thì mất ngay khi rời khỏi mẹ, đứa thì sài, uốn ván mất sớm, đứa thì lớn lên vì nghèo hay lam hay làm mà sinh bệnh sinh tật”. Nói đến đây mẹ Hương đau đớn như mình bị cắt đi khúc ruột: “Đau đớn của đời tôi dài lắm, những đứa con sinh ra rồi mất ngay tôi đã hận ông trời lắm!

Thế nhưng có những đứa tôi sinh ra vẹn tròn đầy đủ như cái Bông, nó lớn lên xinh lắm! Ấy vậy mà đến tuổi làm, tuổi ăn nó đi gỡ sắt vụn, trúng quả mìn. Mìn nổ làm nước mắt nó chảy ròng ròng kèm với máu tươi.

Tôi chết lặng! Trời ơi, trời bắt nhà tôi khổ quá! Tôi chạy chữa cho con đủ kiểu cũng không cứu được đôi mắt. Đôi khi tôi còn thầm ước, giá mình có thể lấy mắt mình để thay mắt con, mình chịu ngay”.

Trong những ngày tháng đằng đẵng đau khổ ấy, mẹ Hương chỉ chống chọi một mình với những đau đớn của số phận ập tới. Người chồng của mẹ ra đi sớm để lại cho mẹ 1 mình cả chục đứa con. Thế nhưng lúc nào nhìn lên bàn thờ, với di ảnh của chồng mẹ cũng tự nhắc mình:

Ông ấy luôn đi cạnh mình, phù hộ cho mình và con. Mỗi khi trong nhà có công to, việc lớn mẹ lựa thắp nén nhang lên bàn thờ, hỏi ý kiến chồng bằng một đồng xu nhỏ bé. Chồng đồng ý thì mẹ làm, việc cần kíp mà chồng không đồng ý thì mẹ xin lần 2, lần 3…

Người mẹ như mẹ Hương chịu bao nhiêu khổ sở mà câm lặng vượt qua. Mẹ nuôi từng đứa một lên người.

Đến thời điểm này con của mẹ đều có gia đình riêng, hai người con đi Mỹ lấy chồng, đứa ở nhà mở cơ sở tẩm quất… đứa con út là Châu Văn Quang cũng ở nhà phụ chị Bông làm tẩm quất và lấy một người vợ khuyết tật.

Đến giờ sóng gió gia đình tạm yên, nhưng trong mọi hoàn cảnh nhìn mẹ đối xử với con gái, con dâu mới thấy bà yêu con rất nhiều.

“Có khổ để một mình mẹ khổ thôi”

“Không có gì đau đớn hơn nhìn người con mình sinh ra lành lặn trở thành khuyết thiếu chỉ sau 1 tai nạn” Mẹ Hương tiếp tục tâm sự về tai nạn xảy ra đối với con gái mình: “ Đôi mắt của Bông mù lòa đã đành, toàn thân nó còn bị bỏng nặng.

Gia đình đưa Bông chạy chữa ở nhiều nơi, da trên người thì lấy chỗ nọ vá chỗ kia nhưng đôi mắt thì phải chịu cảnh mù lòa vĩnh viễn. Thương nhất là tinh thần của nó, nó suốt ngày khóc oán than số phận và đã nhiều lần tìm đến cái chết”.

Sau này, hồi ức lại những ngày tháng đen tối ấy chị Bông kể lại với chúng tôi: “Tôi đã tìm đến cái chết không chỉ một lần mà rất nhiều lần bằng thuốc chuột. Tôi nuốt thuốc chuột để đi gặp diêm vương nhưng mẹ phát hiện lại đưa tôi đi cấp cứu, bắt tôi phải sống.

Thấy tình yêu của mẹ, nghĩ về những số phận khổ như mình mà vẫn cố sống cho được, tôi bắt đầu suy nghĩ… Tôi dò dẫm đi tìm cách sống có ích”, chị Bông tâm sự.

“Việc thành lập cơ sở tẩm quất của tôi thuận lợi hơn khi có mẹ giúp. Căn nhà với phần đất rộng rãi của mẹ, mẹ giúp dựng lên căn nhà, tôi lấy tiền tích góp mua đồ đạc…” chị Bông nói về mẹ với lòng biết ơn.

Đến hôm nay, cơ sở tẩm quất Diêu Bông, ở xã Đông Xá huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh đã có những tiếng tăm riêng và chị Bông đã khác xưa nhiều lắm! Từ chỗ thấy số phận của mình tối tăm không lối thoát, chị Bông nhìn thấy ánh sáng cuộc đời, tiếp tục làm việc cả vì những người khuyết tật khác.

Đến năm 2010 Vân Đồn chưa có Hội người mù, chị Bông đứng ra xin thành lập Hội, trong khóa đầu chị được bầu làm chủ tịch Hội.

Nói về hạnh phúc riêng của con gái mình, mẹ chia sẻ: Mấy năm trước Bông có đem lòng yêu một người bộ đội thế nhưng gia đình nhà kia họ phản đối ghê lắm! Con gái tôi lại hay nghĩ, nhìn nó suy sụp tôi chẳng đành lòng.

Tôi cũng chẳng hờn trách nhà họ... Tôi bảo với con, con ơi mẹ cũng từng làm dâu nhà người nên mẹ biết một gia đình bình thường ai chẳng mong muốn có một đứa con dâu lành lặn… Bây giờ con thế này, con cứ ở nhà với mẹ. Có khổ để một mình mẹ khổ thôi!

Thế là sau đó chị Bông ở nhà với mẹ, chị xin của một người đàn ông một đứa con. Em bé đẹp như thiên thần nhưng nuôi con trẻ không dễ… Mẹ Hương lại chắt bóp nuôi cháu. Vất vả là thật nhưng mẹ chỉ nói: Con càng dại, càng phải bảo ban. Lo cho con được đến đâu, mẹ cũng cần gắng sức!.

Thương con dâu mù lòa như con gái

Người con trai út của mẹ Hương là Châu Văn Quang. Quang sinh ra lành lặn, nhanh nhẹn, đẹp trai nhưng lại có quyết định “liều lĩnh” là lấy một cô gái khiếm thị bẩm sinh làm vợ. Thấy Quang như vậy, nhiều người sửng sốt trước quyết định liều lĩnh này, ban đầu mẹ Hương cũng phản đối.

Mẹ nói với Quang: “Nhà mình có chị Bông mù lòa, mẹ chăm con chị bông vất vả rồi. Nếu con lấy vợ mù lòa, khi đẻ ra con mẹ lại phải chăm con của con…”. Nói thế nào Quang không nghe mẹ. Quang vẫn quyết tâm đến với Dung.

Nói về số phận của Dung, mẹ Hương suýt xoa: Con bé sinh ra ở đảo Quan Lạn, một đảo xa đất liền. Khổ cực của Dung thì không giấy mực nào có thể tả hết bởi Dung bị khiếm thị bẩm sinh và bị mọi người kể cả cha mẹ hắt hủi.

17 tuổi, tổng cộng số lần phải khóc, số lần muốn tự tử của Dung thì không thể đếm hết. Bao nhiêu tủi thân, uất ức tích tụ trong cuộc sống, Dung nén ở trong lòng, biến cô thành người phụ nữ trầm tính, đau khổ.

3 năm về trước Dung được tổ chức Hội người mù ở địa phương vận động đi học tẩm quất. Dung cũng học tập rất chăm chỉ, sau khi học xong cô được giới thiệu ra cơ sở ở trong đất liền của chị Bông làm việc. Ở đó Dung gặp Quang. Hai người bám riết lấy nhau bởi Quang thấy chia sẻ được với cô gái bé bỏng, tội nghiệp đó.

Thấy con trai nhất quyết, mẹ Hương lại thắp nén nhang lên bàn xin chồng. “Lần đầu cũng như tôi, ông ấy phản đối, lần 2 ông mới đồng ý. Tôi làm cơi trầu ra đảo rước con dâu về. Đám cưới lèo tèo, nhỏ bé nhưng tôi vẫn dặn con “lấy nhau sướng khổ các con không được kêu ca.

Đã lấy rồi là phải ở bên nhau cho trọn vẹn” mẹ kể lại. Thế rồi sau này thấy vợ chồng Quang ở bên nhau hạnh phúc bà thở phào, “chúng nó bám nhau nắm, vợ muốn đi đâu thì chồng đưa đi, trong bữa ăn biết gắp đồ ăn cho nhau… Thương hơn cả người lành, như thế tôi cũng được an ủi”.

Không phải ai có con mù lòa đều bao dung được như mẹ. Không ít người bố, người mẹ thấy con mù lòa thì hắt hủi, đuổi đi. Riêng với mẹ Hương, mẹ có con gái mù lòa mẹ thương, mẹ lại rộng lòng chấp nhận cô con dâu mù lòa, phận bạc…

Bây giờ mẹ cũng thương Dung hơn cả con cái mình. Hôm chúng tôi đến Dung bị bỏng bô xe máy vì không biết cái xe mới về dựa ngay cạnh mình. Mẹ Hương kéo cái chân của con dâu lộ ra vết bỏng bô xa xót. Mẹ nhăn nhó như mình bị đau, đau như cắt vào gan vào ruột. Mẹ tốt biết bao…

  • Hải Tuệ
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
TIN MỚI CẬP NHẬT
Tin nên đọc