Người mẹ khốn khổ trộm tiền cho đứa con nghiện ngập

06:26, Thứ năm 26/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Chính vì cái tội trộm cắp vặt ấy mà bà Dụng trở thành trại viên già nhất ở cơ sở giáo dục Thanh Hà. 48 tuổi nhưng trông bà Dung như một bà lão.

Những trận đòn, thậm chí là dao kề cổ từ đứa con trai đã khiến bà Dụng phải liều thân. Cửu vạn không phải lúc nào cũng có việc, để có tiền cung phụng cho đứa con trai nghiện ma túy, bà trở thành kẻ tắt mắt, thấy ai hở ra cái gì là trộm cắp.
[links()]
Chính vì cái tội trộm cắp vặt ấy mà bà Dụng trở thành trại viên già nhất ở cơ sở giáo dục Thanh Hà. 48 tuổi nhưng trông bà Dung như một bà lão.

Phận đàn bà 12 bến nước

Người ta thường nói “thân gái như hạt mưa sa”, “phận đàn bà 12 bến nước, chẳng biết bến nào trong, bến nào đục” nên chuyện lấy chồng sinh con chẳng khác nào đánh bạc, may nhờ, rủi chịu.
Với bà Nguyễn Thị Dụng, quê ở Định Hóa, Thái Nguyên, cuộc đời bà đúng là một chuỗi ngày đau khổ, càng về cuối đời càng bất hạnh.

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông con nên từ nhỏ bà Dụng đã phải chịu nhiều thiệt thòi.

 “Con gái lớn thì chỉ phục vụ nhà chồng”, nghĩ thế nên bố mẹ bà chỉ cho con học đủ biết viết tên, thuộc mặt con số, còn sau đó ở nhà làm ruộng. Kham khổ và tất bật suốt ngày nhưng càng lớn dáng người bà Dụng càng thanh thoát, nõn nà.

Tuổi cập kê, bà Dụng xinh xắn lắm nhưng cứ nhìn cảnh mẹ mình nheo nhóc với đàn con, mới ngoài 40 tuổi mà già cỗi, héo úa, Dụng lại sợ.

 Bà không dám lấy chồng sớm, sợ khổ, sợ bước vào những vết chân của mẹ, sợ cảnh cả ngày chúi mặt xuống ruộng, chiều về nhà chỉ có cơm với trám kho.

18 tuổi bà theo mọi người lên cửa khẩu Thanh Thủy, Hà Giang kiếm sống, tìm cơ hội đổi đời.

Nhưng ngày đó cửa khẩu chưa được đầu tư nên còn heo hút lắm. Vậy nên dù có xinh gái, trẻ trung thì bà Dụng cũng chỉ xin được một chân bán hàng thuê.

Tiền công eo hẹp, bà bỏ làm đi cửu vạn, mệt nhọc, vất vả, nguy hiểm nhưng bù lại công sá cao hơn. Tuổi xuân dần cứ qua đi theo những lời khước từ, trong suy nghĩ của mình, bà Dụng sợ lại vấp cảnh khổ như mẹ.

Ảnh bà Dụng (trán nhăn) đang ngồi đính hạt cườm với các trại viên khác
Ảnh bà Dụng (trán nhăn) đang ngồi đính hạt cườm với các trại viên khác


Trong thâm tâm, bà chỉ muốn kiếm chút tiền rồi về quê mở quán bán hàng trước khi tính chuyện chồng con.

Dự tính là thế, nhưng chuyện đôi lứa chẳng ai định trước được. Bao nhiêu thanh niên hỏi không lấy, chẳng hiểu sao bà lại phải lòng một người đàn ông có vợ.

Nghĩ lại những ngày đó, bà Dụng bảo, chắc tại ngày đó thấy con trai bằng tuổi thì tính tình trẻ con, lớn hơn một tí thì ăn nói cộc cằn nên khi thấy có người ăn nói nhẹ nhàng, chu đáo, bà đã yêu mà quên hết.

Đúng là đàn bà yêu bằng tai, bà ngơ ngẩn trước người đàn ông từng trải, quên phắt việc mình dư sức kiếm được một chỗ đàng hoàng hơn.

Yêu như lao đầu vào tường, bà chấp nhận làm lẽ, chấp nhận sống tuần có tuần không với người đàn ông đã 3 con, thi thoảng phải về quê làm tròn nghĩa vụ người chồng, người cha.

Chỉ đến khi có con, những đêm một mình ngồi canh con ốm, bà mới chợt nhận ra sự hẩm hiu của mình. Nước mắt chảy dài, bà tự nhủ sẽ cố gắng nuôi dạy đứa con này để về già nương tựa.

Bị hết con chồng đến con riêng khuấy đảo vì nghiện

Sau một thời gian bốc vác thuê, vợ chồng bà Dụng cũng tậu được chiếc xe tự chế, ngày ngày chở hàng cho khách nên thu nhập cũng ổn định hơn.

Ông vẫn đi về, tháng hai lần mang tiền cho người vợ chính thức ở quê nuôi dạy con,  còn bà dường như đã quá quen với cảnh đó nên cũng phải chấp nhận.

Cũng phận đàn bà, có con, bà không muốn chiếm trọn vẹn người đàn ông này làm của riêng mình dù rằng trong lòng lúc nào cũng mong như thế.

Điều mà bà không lường trước được là khi chồng bà lo được chỗ ăn chỗ ở cho hai mẹ con thì ông đã vội ra đi sau một cơn cảm nặng.

Căn nhà mới còn nồng mùi vôi chưa kịp đón tiếng cười đã phải chứng kiến sự ra đi lạnh lẽo của người đàn ông trụ cột.

 Chồng chết không được đeo tang vì vợ cả và các con lên đưa về quê mai táng, bà Dụng bẽ bàng trong đau khổ, nhưng đó chỉ là bước đầu của những ngày bất hạnh sau đó.

Sau đám ma bố, cho rằng ngôi nhà mới xây là tài sản của bố mình, hai người con trai riêng của ông lên Thanh Thủy, tranh giành với mẹ con bà Dụng. Chúng mặc nhiên coi căn nhà là của mình để làm những việc tùy thích, đến bữa cứ ngồi vào mâm, không cần biết đến chủ nhà.

Biết không thể đuổi con chồng, bà Dụng lấy lý do xe thồ chưa có người lái, rủ hai đứa con chồng cùng tham gia với mong muốn lôi kéo chúng vào công việc làm ăn chân chính.

Ban đầu chúng không chấp nhận, nhưng rồi sau cũng đồng ý. Vậy là từ đó chiếc xe trở thành phương tiện để hai đứa con chồng kiếm sống, còn bà lại trở về với thời gian đầu, lầm lũi với đôi quang gánh.

Trớ trêu thay, tiền kiếm được, hai đứa con riêng không phụ giúp bà chuyện cơm nước mà  ăn tiêu, nhậu nhẹt hết, lại còn dính vào rượu chè, cờ bạc và ma túy.

Đến khi chúng nghiện nặng, bà Dụng mới biết. Tài sản trong nhà lần lượt “đội nón ra đi”, đến cái xe là “cần câu cơm” cũng bị con đem bán. Lúc đó, bà Dụng cùng cực, tưởng như không vượt qua nổi vì vừa phải kiếm sống vừa phải phục vụ 2 con nghiện trong nhà.

Trong một lần dùng thuốc quá đà, một đứa con chồng sốc thuốc chết còn đứa kia mắc chứng hoang tưởng phải vào bệnh viện tâm thần điều trị.

Còn lại một mình với căn nhà trống hoác, bà Dụng tê tái khi nghĩ tới những ngày tiếp theo, nghĩ tới đứa con trai bé bỏng. Từ ngày bố mất, hai anh con riêng của bố lên ở phá phách, thằng con bà cứ nem nép như “rắn mồng 5”, lắm lúc thương con mà bà không dám ra mặt.

Bà khuyên con cố gắng học hành, nhìn gương hai anh mà tránh. Nào ngờ nó lại nhằm vết xe đổ của hai anh mà bước.

Trong một lần bị bạn chế giễu là con người đàn bà tranh chồng người khác, con bà tức quá đánh bạn gẫy chân nên bị đuổi học. Từ đó, lấy cửa khẩu làm nơi lập nghiệp, ngày ngày hai mẹ con bà Dụng lên đây làm cửu vạn.

Thời gian đầu, đứa con bà cũng rất chăm chỉ, kiếm được đồng nào là đưa hết cho mẹ.

Nhưng rồi thêm bạn thêm bè, con trai bà bắt đầu ít đưa tiền về cho mẹ hơn. Những khi xong việc, bà tất tả về nhà lo cơm nước thì thằng con ở lại tụ tập với đám bạn cùng tuổi, tán gẫu, rượu chè…

 Nhiều hôm nó đi qua đêm không về khiến bà thao thức, lo sợ. Lựa lời khuyên con, bà Dụng không ngờ con trai dính vào thuốc lắc nhanh hơn hai anh nó.  

Suy sụp, bàng hoàng, bà Dụng tưởng như chết được khi đứa con trai duy nhất từ ngày dính nghiện trở nên hung ác với cả mẹ đẻ.

 Những khi đủ thuốc, nó ngồi lắc lư như ma nhập, mắt nhắm nghiền không còn biết trời đất là gì nữa. Nhưng sợ nhất là lúc lên cơn mà không có thuốc cắn.

Bà Dụng đã nhiều lần chứng kiến cảnh con trai dùng vật sắc rạch vào cơ thể, hoặc lao đầu vào tường, tự làm bị thương mình.

 Trong sự ức chế vì bị ma túy điều khiển, đứa con mà bà đặt nhiều hy vọng ấy đã đánh đấm mẹ túi bụi, chưa kể vài lần kề dao vào cổ mẹ, bắt đi vay tiền.  

Một lần, hai lần, bà giấu hàng xóm, vay tiền cho con thỏa mãn cơn nghiện, nhưng rồi song hành với những cơn thèm ma túy mỗi ngày một nhiều lên của con trai là sự thất tín của bà mẹ với láng giềng.

Thấy bà vay mãi không trả nên nhiều người tìm cách lảng tránh, không cho bà vay nữa. Để có tiền cho con trai, thời gian bà Dụng bám chợ nhiều hơn, nhưng tiền kiếm được chẳng đáng là bao bởi lúc này bà cũng đã nhiều tuổi, sức khỏe yếu, không còn vác nổi những bao hàng nặng.

Chỉ có một vài quầy hàng trong chợ, quen biết lâu năm mới thuê bà, lúc thì rửa bát, khi thì xách nước, dọn hàng… Túng quẫn và bị con trai o ép, người đàn bà nhan sắc một thời ấy trở thành kẻ tắt mắt, thấy ai sơ hở là trộm cắp.

Bà không lấy nhiều, chỉ vài chục ngàn hoặc thứ gì tương đương có giá trị như thế, đủ để cho con trai có một “viên kẹo đầu chó”.

Nhiều người thương hại bà nên bỏ qua, song cũng có người vì mất trộm nhiều không chịu được nên trình báo với bảo vệ chợ, đưa bà Dụng vào diện quản lý.

Bị bắt quả tang, bị phạt hành chính, bà Dụng cũng hứa nhưng rồi những cái đấm đạp của con trai đã đè bẹp lòng tự trọng của người mẹ. Sau nhiều lần hứa sửa chữa rồi vẫn tiếp diễn, bà bị chính quyền lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục.

Gỡ chiếc kính đeo trên mắt, bà Dụng ngừng tay xâu hạt cườm, ánh mắt héo hắt: “Từ ngày vào đây, được ăn ngủ điều độ lại không phải nghĩ ngợi nên tôi béo khỏe ra.

Nhưng lắm lúc tủi thân lắm vì ngần này tuổi rồi còn đi trại. Người ta con bế con bồng, có cháu để vui nhà vui cửa, còn tôi vào đây để sửa lại nhân cách của mình”.

Con trai bà sau khi mẹ vắng nhà, mò đi ăn trộm, giờ đang trong trại cải tạo. “Nghe tin con trai bị bắt, tôi cũng buồn đôi chút thôi, nhưng lại mừng cho nó vì chỉ có ở môi trường ấy nó mới cai được ma túy, may ra khi về tu tỉnh làm ăn, đời tôi mới đỡ khổ”, bà Dụng nói.

Không một chút phàn nàn, trách móc, bà lại cắm cúi làm việc như sự miệt mài vốn có với ước vọng về một tương lai sáng sủa hơn của mình và cả đứa con lầm lỗi.
 

  • Minh Châu
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc