Người mẹ mất con giúp 100 trẻ em đoàn tụ gia đình sau thảm họa

11:06, Thứ bảy 16/07/2011

( PHUNUTODAY ) - Vào năm 2004 khi khu vực Đông Nam Á xảy ra thảm hoạ sóng thần tàn khốc, khi đó mẹ Susanne Janson đang có 2 người con gái tận hưởng kỳ nghỉ mát ở Thái Lan. Rồi thảm hoạ sóng thần kinh hoàng đã cướp đi 2 con gái yêu quý cũng như tàn phá tan hoang 9 quốc gia ở khu vực châu Á.

(Phunutoday) - Vào năm 2004 khi khu vực Đông Nam Á xảy ra thảm hoạ sóng thần tàn khốc, khi đó mẹ Susanne Janson đang có 2 người con gái tận hưởng kỳ nghỉ mát ở Thái Lan. Rồi thảm hoạ sóng thần kinh hoàng đã cướp đi 2 con gái yêu quý cũng như tàn phá tan hoang 9 quốc gia ở khu vực châu Á.

 Không đành lòng bởi những số phận bất hạnh, mẹ Susanne đã đến Thái Lan tự nguyện làm công tác nhân đạo, mẹ đã giúp đoàn tụ cho hơn 100 trường hợp trẻ em ở Thái Lan tìm về gia đình của mình. Hãng tin CNN đã bình chọn mẹ Susanne Janson là người mẹ có trái tim nhân hậu của năm 2011.

Từ cái chết của những người thân yêu 

Còn nhớ cách đây 7 năm, chính xác là vào năm 2004, khi một trận động đất khủng khiếp đi kèm sóng thần đã xảy ra ở khu vực Đông Nam Á lấy đi nhiều sinh mạng người vô tội, cả thế giới hoang mang hồi hộp với tin dữ kinh hoàng đó.

Trong khoảng thời khắc nghiệt ngã đó, nhiều gia đình có người thân đi nghỉ mát tại những vùng bị ảnh hưởng không khỏi âu lo với những diễn biến tồi tệ có thể đe doạ trực tiếp đến sinh mạng về người thân của mình, có một người mẹ cũng đang đăm đắm ngóng tin con. Người mẹ đó tên là Susanne Janson, đến từ thủ đô Stockholm (Thụy Điển).

Kể từ lúc xảy ra sóng thần ở Đông Nam Á, không phút giây nào, Susanne rời màn hình TV để kịp thời theo dõi tin tức về 2 cô con gái yêu quý đang nghỉ mát tại một đất nước xinh đẹp thuộc khu vực bị ảnh hưởng.

Thời điểm xảy ra thảm hoạ sóng thần dữ dội, hai người con gái của Susanne: cô chị Eleonor 14 tuổi và cô em Josefin 12 tuổi, đang tận hưởng kỳ nghỉ mát tươi đẹp tại “đất nước của những nụ cười” Thái Lan, hai em đi nghỉ mát với người chồng cũ của Susanne và gia đình mới của ông, dù hết sức cố gắng liên lạc với các thành viên gia đình nhưng “họa vô đơn chí” Susanne hầu như mất đứt liên lạc với họ bởi các đường dây điện thoại đều bị đứt, sóng di động hoạt động quá yếu.

Thông tin liên lạc thiếu thốn, bản thân lòng như lửa đốt khi lo lắng cho sự an nguy của người thân, Susanne Janson quyết định tức tốc đặt vé máy bay và lên đường đến Thái Lan. Mẹ Susanne nhớ lại những ngày tháng kinh hoàng của cuộc đời mình: “Sở dĩ tôi tức tốc đến Thái Lan là bởi tôi muốn nhà chức trách sẽ có thông báo bằng văn bản nói cho tôi biết về tình hình an toàn của những người thân trong gia đình mình. Nhưng khi đến nơi, cảnh vật hoang tàn và ngay cả người bản địa cũng đang điêu linh, khốn khổ. Do đó, không cần đến văn bản, tôi cũng đã mường tượng chuyện gì đang xảy ra”.

Khi Susanne Janson bay đến Khao Lak, thành phố nghỉ mát tươi đẹp nơi hai con gái của mẹ đang đặt phòng nghỉ mát, chưa kịp ngồi nóng chỗ, mẹ đã choáng váng khi biết rằng Khao Lak là một trong những địa danh hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề nhất gây ra bởi sóng thần trên đất nước Thái Lan.

Mẹ Susanne Janson đau khổ nhớ lại: “Ai ngờ đâu, chẳng còn gì tồn tại ở nơi đây cả, một thành phố du lịch sầm uất với nhiều resort, hotel sang trọng nằm chen vai sát cánh bên nhau… thế mà qua một trận sóng thần, đã biến thành đống đổ nát, tiêu điều, chẳng còn lại gì cả”.

s
Susanne Janson bên những cô bé cậu bé

Đâu đã hết, mẹ Susanne Janson còn đối mặt với một tấn bi kịch không thể nào quên: 2 người con gái của mẹ đã thiệt mạng cùng với cha và 3 thành viên khác trong gia đình của ông. Năm nay, đã 47 tuổi, nhớ lại cái thời khắc đau đớn đó, mẹ Susanne không khỏi hồi hộp, xúc động: “Khi tôi nhận ra, tôi không thể giúp họ giành lại sự sống. Tôi như người mất hồn, bơ vơ, lạc lõng và sụp đổ. Thực sự lúc đó tôi chỉ muốn mình chết đi cho rồi”.

Đau lòng thương nhớ đến người thân, mẹ Susanne hầu như chẳng còn mấy mặn mà, thiết tha để quay trở lại công việc quảng cáo của mình ở Thụy Điển nữa. Chính sự chậm trễ đã làm cho mẹ bị mất việc. Nhưng dẫu sao trong khoảng thời gian khốn khó đó, mẹ vẫn nhận được sự trợ cấp, giúp đỡ từ những người Thái tốt bụng có cùng hoàn cảnh người thân bị thiệt mạng bởi sóng thần như mẹ.

Trong những ngày tháng quay quắt ở Thái Lan, có một lần mẹ Susanne tình chờ đọc một bài báo viết rằng có một cặp vợ chồng Thái – Thụy Điển đang có ý định xây dựng một trại trẻ mồ côi ở thiên đường du lịch Phuket dành cho những trẻ em có người thân bị thiệt mạng trong thảm họa sóng thần, mẹ Susanne nghĩ rằng đã đến lúc mình nên làm một việc có ích là tình nguyện giúp đỡ họ.

 Chia sẻ về quyết định sáng suốt của mình, mẹ Susanne hạnh phúc nói: “Cùng cảnh có người thân mất mát trong thảm họa, tôi cảm nhận có một mối rung động sâu bền với người dân Thái Lan. Họ đã chịu đựng quá nhiều mất mát hơn bản thân tôi đang chịu đựng. Ở đây, bạn có thể liên tục nghe nói đến những con người mất con gái, nhà cửa, mọi của cải dành dụm nhiều năm bỗng phút chốc trắng tay… nhưng thật phi thường, họ vẫn hiên ngang mạnh mẽ để sống và xây dựng cuộc sống. Chính sự phi thường của người Thái đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi, và lòng tốt của họ khiến tôi muốn trả ơn một điều gì đó”.

Quyết định bán nhà, xây dựng nhà trẻ nhân văn ở Thái Lan

Nghĩ là làm, vào tháng 3/2005, mẹ Susanne Janson và người chồng mới Forssell quyết định quay trở lại Thái Lan, họ trở thành tình nguyện viên đắc lực tại trại trẻ mồ côi, giàu lòng nhân hậu và thương cảm trẻ em Thái Lan, đến năm 2006, hai người bèn quyết định ở hẳn tại Thái Lan để hoạt động nhân đạo. Để có kinh phí làm việc, hai vợ chồng quyết định bán căn nhà của họ ở Thụy Điển và trở thành Giám đốc của trại trẻ mồ côi Barnhem Muang Mai, nơi chăm sóc, nuôi dưỡng và học hành cho hơn 100 em nhỏ mồ côi cha mẹ cho đến tận ngày nay.

 Trong năm đầu tiên hoạt động, trại trẻ mồ côi Barnhem Muang Mai đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc cho trẻ em và các gia đình hứng chịu trực tiếp từ thảm hoạ sóng thần ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, sau khi sóng thần qua đi, và Thái Lan tái thiết các vùng thảm hoạ, các gia đình và trẻ em đã được đoàn tụ với gia đình thì sứ mạng của trại trẻ mồ côi chuyển sang một hướng đi mới.

 Mẹ Susanne Janson nói rằng: “Barnhem Muang Mai không chỉ đơn thuần là một trại trẻ mồ côi theo cách nghĩ truyền thống. Nó là ngôi nhà cho mọi trẻ em và các gia đình thật sự thấy cần nó tồn tại. Chúng tôi không chỉ giúp đỡ cho các trẻ em cơ nhỡ. Mà ngược lại bằng cách xây dựng các mối quan hệ gia đình khi mà mẹ hoặc ông bà cùng trông nom, săn sóc con cháu thì tôi tin là nó sẽ đạt mục đích giáo dục tốt hơn nhiều”.

Tất cả các trẻ em tại trải trẻ mồ côi Barnhem Muang Mai đến từ nhiều số phận khác nhau mà phần lớn là từ nghèo đói, các em thường bị lạm dụng tình dục, vướng mắc vào tội ác hoặc bị cha mẹ bỏ bê. Khi không còn người thân thiết trông nom, giáo huấn, các em quay ra tự kiếm sống. Và bất kỳ khi nào có thể, sứ mạng nhân đạo của mẹ Susanne Janson là hàn gắn các gia đình lại với nhau. Trại trẻ hiện đang chăm sóc hàng ngày cho khoảng 24 trẻ em.

 Mẹ Susanne nói: “Tình yêu là điều đầu tiên cần mang đến cho bọn trẻ. Kế đó mới là thức ăn... và cuối cùng là trường học và giáo dục”. Để có thể đảm trách sứ mạng nhân đạo tốt tại Thái Lan, hai vợ chồng mẹ Susanne Janson và Forssell đã dùi mài học tiếng Thái, ngày nay hai người nói tiếng Thái rất lưu loát, và với sự trợ giúp của một đồng quản lý người Thái có biệt danh là Wow, họ đã đem đến cho các em nhỏ mồ côi về một mái nhà thực sự với đầy đủ tình cảm yêu thương, các em cùng quán quyết việc nhà và cùng làm bài tập khi được giao phó.

Nói về định hướng chăm sóc trẻ em, mẹ Susanne bộc bạch: “Chúng tôi muốn phấn đấu thành một gia đình gần gũi. Dĩ nhiên chúng tôi không thể là cha mẹ thực sự của các em vì đây là một gia đình lớn, nhưng chúng tôi cố gắng mang đến cho các cháu đầy đủ cung bậc của tình yêu thương và hạn chế bất công. Chúng tôi hạnh phúc vì tất cả các thành viên đều cảm thấy được tôn trọng. Khi vui cùng cười, khi buồn cùng ôm nhau khóc, đó là sự chia sẻ. Điều quan trọng khi chăm sóc trẻ em mồ côi, đó là bạn hãy cư xử và cảm hoá chúng bằng cái Tâm của chính mình”.

Giáo dục trẻ mồ côi cũng là một phần rất quan trọng tại nhà trẻ Barnhem Muang Mai, và các hoạt động giáo dục tại đây đều nhận được sự tài trợ từ các tổ chức nhân đạo, các quỹ giáo dục và các khoản đóng góp cá nhân. Mẹ Susanne Janson nói rằng giáo viên tại nhà trẻ là những thầy cô giáo tình nguyện dạy thêm giờ sau khi đã kết thúc buổi giảng dạy tại các trường. Mẹ Susanne nói: “Chúng tôi muốn đem lại sự giáo dục cho các cháu nhằm giúp cho chúng có một sự lựa chọn trong cuộc sống”.

 Tháng 6/2011, một em nhỏ tại nhà trẻ mồ côi của mẹ Susanne vào năm 2006, tên là Fame đã được đi học đại học. Sau khi Fame vượt qua kỳ tuyển sinh, một gia đình ở Thụy Điển thông qua nhà trẻ mồ côi của mẹ Susanne đã nhận hỗ trợ cho việc học đại học của Fame.

Mẹ Susanne rất mừng, bà nói: “Chúng tôi hy vọng thông qua tấm gương của Fame, những cháu khác có thể hiểu rằng bằng con đường học vấn, các cháu thực sự sẽ thay đổi được cuộc đời của chính mình”.

Hiện tại, Susanne Janson đang sống hạnh phúc ở Thái Lan, nhớ về những con gái đã bị chết thảm của mình vào năm 2004, mẹ nói như tự động viên mình: “Mẹ luôn nghĩ đến các con mỗi ngày. Mẹ biết các con rất yêu cuộc sống. Mẹ muốn dành hết cuộc đời mình để chăm sóc cho những em bé cơ nhỡ như là cách để mẹ nghĩ rằng chúng sẽ như các con ngoan của mẹ ngày nào”.


Nguyễn Thanh Hải (Theo CNN)

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc