Người mẹ tâm thần 13 năm nuôi hai con điên loạn

13:50, Thứ sáu 07/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Chúng rất vui vì có được bữa ăn “thịnh soạn” là cơm nguội trộn với xoài rụng, còn đối với bà Nước, trong thâm tâm của bà đang quằn quại cơn đau khi nhìn con mình phải ăn những thứ là đồ bỏ đi của người khác.

Hàng ngày, người mẹ bị tâm thần nhẹ tên Hồng Thị Nước (SN 1959), ngụ ấp Tân Phú Thành, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau vẫn cặm cụi bên chiếc túi nilon đi lượm từng trái xoài rụng, những trái cà hư và xin từng mớ cơm nguội từ những người hàng xóm đem về chế biến thành thức ăn cho hai đứa con của mình là Hồ Bé Hai (SN 1991) và Hồ Bé Ba (SN 1993) đang đói ở nhà.

Sau bữa cơm, người mẹ này lại thêm một lần nữa rơi nước mắt đưa hai đứa con của mình ra nhốt vào cái chuồng ở phía sau nhà để chuẩn bị đi kiếm bữa cơm chiều. Đau đớn, xót xa đến thế, vậy mà người mẹ này đã phải thực hiện công việc này ngót 13 năm qua để bảo vệ các con mình.

Hoàn cảnh thương tâm

Trung tuần tháng 8/2012, vượt hơn 40 km đường bộ từ trung tâm Thành phố Cà Mau, chúng tôi mới đến được ấp Tân Phú Thành, xã Tân Hưng Tây (Phú Tân – Cà Mau), tìm đến nhà gia đình có ba mảnh đời bất hạnh.

Khi chúng tôi đến bà Nước không có ở nhà vì bà đã đi kiếm thức ăn cho các con từ sáng sớm. Bà Hồng Thị Hỏn, có nhà ở cạnh nhà bà Nước cho chúng tôi biết như vậy. Mười mấy năm qua, bà Nước và hai con của mình là Bé Hai và Bé Ba đã “cố gắng” để sống, sống trong sự cưu mang của bà con lối xóm và sống trong nỗi vất vả và ý trí mưu sinh mãnh liệt của bà Nước.

Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà của ba mẹ con có hoàn cảnh hết sức khó khăn này. Nói là ngôi nhà cho sang vậy, chứ thật ra nó giống như là một căn chòi của người dân bản xứ canh tôm.

Ban ngày nằm trong nhà có thể thấy mây bay và dưới những cơn mưa thì ngồi trong nhà không khác nào ngoài sân. Căn nhà cứ khiến cho những vị khách lạ như chúng tôi giật mình khi nó cứ đu đưa theo từng cơn gió đi qua.

Cơm nguội trộn với xoài rụng là món ăn thường xuyên đối với các con bà Nước
Cơm nguội trộn với xoài rụng là món ăn thường xuyên đối với các con bà Nước

Theo chân bà Hỏn, chúng tôi ra phía sau nơi hai em Bé Hai và Bé Ba bị nhốt suốt mười mấy năm qua. Thấy có người đến, cả hai em mừng vui thấy rõ. Đứa thì hú hí, đứa thì vẫy tay vì hai em nghĩ rằng chúng tôi và bà Hỏn sẽ cho các em thứ gì đó để lót dạ sau bữa cơm từ chiều ngày hôm trước.

Bà Hỏn cho biết, cả hai em đều không tự chủ được bản thân hay sinh hoạt cá nhân. Đã vậy còn ốm  đau liên miên, khi thì khóc la quằn quại thất thần, lúc lại lầm lũi mỗi đứa ngồi một xó trong chiếc lồng không thèm nói chuyện với ai.

Bà Hỏn rơm rướm nước mắt kể: Trong nhiều năm qua bà không nhớ nổi Bé Hai và Bé Ba suýt chết bao nhiêu lần. Có lần hai em bị thương do nghịch dao, bị ngã do leo trèo, suýt chết đuối…

Nhưng trận bỏng nặng của hai em vào năm 2009 khiến bà và người dân trong xóm lo lắng đó là lần hai em tự lấy vải mùng quấn tay mình rồi châm lửa đốt.

Chỉ tay về hướng Bé Hai và Bé Ba, bà Hỏn cho biết những vết thương trên tay, chân các em là do những lần lên cơn mà không có thuốc uống các em tự cắn cho máu chảy bê bết, để lại những vết thương còn rướm máu.

Phần vì thương bà Nước sẽ đau khổ hay có thể chết đi nếu như hai đứa con là niềm hy vọng cuối cùng không còn nữa. Phần vì thương cho cái kiếp khổ của hai đứa nhỏ.

Hơn 10 năm trước bà con trong xóm hùn tiền lại mua vật liệu để xây một bức tường rào giống như cái chuồng heo ở phía sau nhà của bà Nước để nhốt Bé Hai và Bé Ba vào đó mỗi khi bà Nước vắng nhà.

Giải thích về hai sợi dây xích dưới chân các em bà Hỏn cho biết, sau khi nhốt cả hai đứa vào chuồng nhưng thỉnh thoảng hai chị em vẫn trèo ra ngoài đập phá nhà cửa của mình và hàng xóm. Có lần cả hai đứa còn cầm lửa định đốt nhà nhưng may mắn là người dân phát hiện kịp lúc ngăn cản chúng lại.

Thấy vậy bà Nước mới dùng hai sợi dây xích cột chân chúng lại trong chuồng mỗi khi bà không có nhà. Ngồi nhìn hai em nở những nụ cười thật tươi vui sướng khi chúng tôi chia cho các em những trái mận mà ai nấy cũng nao lòng.

Những trái mật tuy không đáng giá gì và đối với người khác đôi khi người ta còn không muốn ăn, nhưng đối với Bé Hai và Bé Ba thì những trái mận, cái bánh là những món ngon xa xỉ.

Đôi mắt khao khát tự do của Bé Hai khi mẹ đưa vào chuồng và xích chân
Đôi mắt khao khát tự do của Bé Hai khi mẹ đưa vào chuồng và xích chân

Cả hai chị em đều bước qua cái tuổi dậy thì, vậy mà nhìn như là những đứa con nít do di căn của căn bệnh tâm thần bẩm sinh từ nhỏ. Nhiều bà con ở địa phương này không ai trả lời được câu hỏi của chúng tôi rằng, bao năm qua bà Nước phải cam chịu một cuộc sống vất vả như thế nào?

Người đàn bà bệnh tật với dáng người nhỏ nhắn đó làm sao có đủ sức lực để nuôi hai đứa con điên của mình? Mọi người đều im lặng và chúng tôi cũng thế, bỗng nhiên, cụ Hai Thôn năm nay đã gần 90 tuổi nói: “Đó là sức mạnh của tình mẫu tử”.

Nước mắt xé lòng của người mẹ tâm thần

Khoảng hơn 12 giờ, khi cái nắng của trời tháng 8 nóng như ngọn lửa đang cháy, lúc ấy bà Nước mới về đến nhà. Tuy có mặt chúng tôi và nhiều người dân địa phương, nhưng người mẹ này xem như không có ai trong nhà.

Bà tất bật chuẩn bị thức ăn cho hai đứa con đang kêu la vì đói đang bị nhốt trong chuồng. Có lẽ hôm nay là một ngày thu nhập kha khá của bà Nước vì trong túi nilon của bà mang về có cả xoài chính và vài nắm cơm nguội.

Ngồi ở góc nhà, chúng tôi quan sát công việc của bà Nước. Những quả xoài được bà xắt nhỏ ra rồi trộn với cơm nguội, bỏ thêm tí đường thế là đủ cho hai đứa con tội nghiệp của bà. Tuy bữa ăn chỉ là cơm nguội và xoài rụng nhưng Bé Hai và Bé Ba ăn rất ngon miệng.

Chúng vừa ăn vừa cười đùa với nhau kêu lên “Ngon quá mẹ ơi”. Chúng cảm thấy vui vì có được một bữa ăn “thịnh soạn”, còn đối với bà Nước, trong tận thâm tâm của bà đang quằn quại những cơn đau khi nhìn con mình phải ăn những thứ mà đáng lẽ ra là đồ bỏ đi của người khác.

Bà đã cố để những giọt nước mắt không chảy ra, nhưng chúng cứ nối nhau rơi trên khuôn mặt nhăn nheo của bà.

Đợi các con ăn xong bà Nước đưa chúng trở lại chuồng để nhốt, rồi bà cũng ngồi bẹp xuống cạnh chuồng nhốt con mình. Đôi mắt rưng rưng bà Nước cho biết, “có lúc tui tỉnh táo nhìn thấy cảnh hai đứa con mà muốn ôm nhau cùng chết.

Nhưng nghĩ lại tui không nỡ xuống tay, mà nếu như mẹ con tui còn sống thêm ngày nào thì khổ thêm ngày ấy thôi các chú ơi. Những suy nghĩ đó nó cứ ảm ảnh tui cả ngày lẫn đêm. Có những lúc tui lên cơn bệnh (bà Nước bị chứng bệnh tâm thần nhẹ đôi khi căn bệnh hành hạ bà đầu đau như búa bổ), đau nhiều lắm nhưng phải cố bò ra nơi nhốt con để ngăn cản chúng cắn xé nhau khi cơn điên bộc phát”.

Tiếng nói của bà Nước nghẹn ngào, đứt quãng khi chúng tôi hỏi về người chồng xấu số của bà. Bà Nước nói trong nước mắt, “ổng (ông Hồ Văn Tân, chồng bà Nước) chết lâu rồi. Ổng ác quá, chết chi sớm vậy để lại ba mẹ con tui thui thủi ở đây”.

Nói rồi người đàn bà đau khổ này ôm mặt khóc như mưa khi bao nhiêu cảm xúc dồn nén trong lòng bấy lâu nay vỡ òa khi chúng tôi vô tình nhắc lại cảnh khổ đời bà và hai em Bé Hai và Bé Ba.

Theo người dân địa phương, chồng bà Nước chết cách nay đã 13 năm trong một lần lâm bệnh không tiền điều trị. Cũng trong khoảng thời gian ấy, 13 năm qua, ba mẹ con bà Nước sống trong sự cưu mang và đùm bọc của bà con hàng xóm.

Nhưng ở vùng quê nghèo khó này những người hàng xóm của bà Nước cũng không giàu có gì nên việc hỗ  trợ cho mẹ con bà lúc có lúc không. Thấy cảnh khổ của mẹ con bà Nước, bà Hỏn tuy nghèo nhưng cũng thường xuyên giúp đỡ bằng cách cho cơm ăn.

Lâu lâu có đồ ăn ngon bà Hỏn cũng nhín ra một phần để dành cho ba mẹ con bà Nước. Cứ thế mà cuộc sống của gia đình bất hành này đã trôi qua mười mấy năm trời.

Ông Nguyễn Minh Đạo, Phó Phòng LĐ-TBXH huyện Phú Tân chia sẻ: “Trước hoàn cảnh hết sức khó khăn của gia đình bà Nước, chính quyền địa phương cũng đang tìm biện pháp để hỗ trợ, giúp đỡ. Đồng thời chúng tôi cũng kêu gọi các mạnh thường quân trong và ngoài địa phương ủng hộ cho mẹ con bà Nước để cả ba có tiền điều  trị bệnh”.

Ông Nguyễn Văn Út, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân nói: "Gia cảnh bà Nước rất thương tâm. Bao năm qua bà sống trong sự bao bọc của bà con hàng xóm. Tuy bị bệnh tật thường xuyên nhưng bà Nước vẫn cố gắng lao động kiếm tiền nuôi con hàng ngày.

Ngoài công việc lượm ve chai, bà Nước còn mượn lú (loại dụng cụ bắt tôm, cá dưới sông – PV) đặt dưới sông kiếm thêm thức ăn cho các con. Bản thân bà cũng có bệnh nhưng mỗi khi có ai đó cho tiền là bà để dành mua thuốc cho hai con uống hết không dám mua thuốc cho mình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chồng bà Nước đã từng tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương nhưng đến nay vẫn chưa hưởng được chế độ trợ cấp chất độc da cam cho gia đình. Đây cũng là một vấn đề mà chính quyền địa phương cần xem xét nhằm sớm có chính sách hỗ trợ kịp thời cho gia đình bà Nước.

Từ giã ba mẹ con bà Nước ra về mà trong lòng chúng tôi luôn bồn chồn, không yên. Liệu mai đây hai đứa con bà Nước sẽ ra sao khi một ngày nào đó bà Nước sức cùng, lực kiệt không thể chăm lo cho hai đứa con cùng cảnh ngộ của mình.

  • Trọng Hoàng

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc