Người rừng ở giữa rừng người

06:10, Thứ ba 13/08/2013

( PHUNUTODAY ) - Giờ thì cha con họ đang nhớ rừng, đang thèm khát được trở về cuộc sống và môi trường thân quen của họ, ở đó, họ làm chủ bản thân....

(Trái hay Phải)- Suốt mấy ngày nay, chuyện hai cha con người rừng được “giải cứu” đang ầm ĩ trên mặt báo, nhiều người hô hào như thể đó là một chiến công. Rồi một bài báo khác lại đào bới:“Đi tìm sự thật tin đồn anh Trần Hữu Hiệp không nhường áo phao”. Đặt 2 sự kiện này cạnh nhau, tôi có đôi chút nghi ngờ về những giá trị “văn minh” ở thế giới mình đang sống.

Ông Thanh bị buộc dây trói vào giường bệnh vì sợ ông bỏ trốn.   
Ông Thanh bị buộc dây trói vào giường bệnh vì sợ ông bỏ trốn.   

Ngay sau khi được “giải cứu” hai cha con ông Hồ Văn Thanh (82 tuổi) và Hồ Văn Lang (41 tuổi) quê ở xã Trà Khê, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi khỏi cuộc sống trong thâm sâu cùng cốc 40 năm nay, số phận của hai cha con này đã được nhiều tờ báo đào xới vô cùng kỹ lưỡng.

Căn cứ vào những gì đang thực sự diễn ra, thì cuộc “giải cứu” người rừng này nên gọi là một cuộc bắt cóc thì đúng hơn. Bằng chứng là người dân ở xã đã biết câu chuyện về hai cha con này lâu rồi, đã nhiều lần vào rừng thuyết phục mà cha con ông nhất quyết không trở về. Nay một nhóm người xông vào, “cưỡng chế” hai cha con họ, người thì cho vào cáng rồi khiêng về, người thì bị mang còng số 8 như tội phạm, trong khi họ ra sức chống cự, chẳng phải bắt cóc thì gọi là gì?

Người cha già cả bị trói vào giường trong bệnh viện phòng trường hợp ông muốn trốn đi, người con thì được đem ra làm nhân vật của một phóng sự ảnh, nào là anh ngu ngơ với chiếc điện thoại di động thế nào, không biết mặc chiếc áo, chiếc quần ra sao, rúm ró tội nghiệp khi ngồi trên một chiếc xe máy...

Cách khai thác nhân vật thế này của báo chí thật là thiếu văn minh và thiếu tế nhị, đó là những phản ứng đương nhiên xảy ra của những người 40 năm cách ly khỏi cộng đồng, tại sao chúng ta không thể có một góc nhìn tôn trọng hơn mà lại biến anh Hồ Văn Lang thành một “dị nhân” để ngồi xem và chỉ trỏ hồn nhiên như lũ trẻ vào vườn thú như vậy?

Tại sao không thấy cảm phục họ, nhất là người cha ấy, ông Hồ Văn Thanh, năm nay đã 82 tuổi rồi, mà vẫn giữ gìn tấm áo khi bé thơ của đứa con lúc 1 tuổi như một báu vật, vẫn dạy anh Thanh cách cầm đũa, và kỳ công hơn, vẫn giữ được những thành tựu của văn minh nhân loại là kỹ thuật canh tác để lúc nào trong nhà vẫn có thóc lúa dự trữ để dành nuôi con.

Suốt trong 40 năm ấy, trong hoàn cảnh tách khỏi cộng đồng và xã hội tạm gọi là “văn minh” người cha đã phải nỗ lực biết bao để nuôi đứa con trưởng thành, đã thu vén để cuộc sống không qua thiếu thốn, trong nhà còn cất trữ rất nhiều loại lá cây làm thuốc. Với một người đàn ông trong hoàn cảnh ấy mà làm được như vậy, có trách nhiệm với đứa con mình như vậy, tưởng đã xứng đáng văn minh hơn rất nhiều người cứ tự cho rằng mình “văn minh” rồi chứ?

Giờ thì cha con họ đang nhớ rừng, đang thèm khát được trở về cuộc sống và môi trường thân quen của họ, ở đó, họ làm chủ bản thân, còn chúng ta, trong số những người đang hả hê vì đã “giải cứu” được họ về như một chiến công, hình như có người còn chưa hiểu được thế nào là một lối sống văn minh thì phải?

Anh Lang bị đeo còng số 8 và dẫn giải ra khỏi rừng
Anh Lang bị đeo còng số 8 và dẫn giải ra khỏi rừng

Tôi nói thế bởi vì cũng trong những ngày qua, khi nỗi đau về vụ chìm tàu khiến 9 người thiệt mạng ở Cần Giờ, đã có một bài báo được viết ra dưới tiêu đề gây sốc “Đi tìm sự thật về lời đồn anh Trần Hữu Hiệp không nhường áo phao”. Đúng là tôi đã bị sốc sau khi đọc xong bài báo này, bởi không ngờ sau một câu chuyện đau thương như thế mà vẫn có người còn muốn xâm phạm đến vong linh những nạn nhân đang yên nghỉ để xào xáo lên, không biết nhằm mục đích “cao cả” gì.

Bài báo được viết ra chỉ nhằm khẳng định, chị Thu- người vẫn được cho là được anh Hiệp nhường áo phao khẳng định không nhận áo phao từ anh Hiệp, còn thì vẫn thừa nhận thông tin “anh Hiệp có nhường áo phao cho một phụ nữ trong đoàn nhưng không biết là ai”.

Rõ là người ta đang muốn làm báo theo kiểu “hạ bệ thần tượng” để ghi công đây mà. Thật tội nghiệp cho lối suy nghĩ ấy. Báo chí có cần phải thiếu nhân đạo đến thế không? Thử đặt mình vào hoàn cảnh của anh Hiệp, nhiều người có làm được như anh không? Tại sao cứ khoét sâu vào nỗi đau của gia đình nạn nhân như vậy?

Chúng ta đang sống trong một xã hội đang ngày càng hiếm đi tình người, sự sẻ chia, nói gì đến chuyện nhường cho người khác quyền sống trong cơn nguy khó. Vậy mà một câu chuyện đẹp như cổ tích về tính người, cao thượng như vậy cũng không được để yên, cũng phải đem ra lật lên xét xuống. Quả là vô cùng đáng thất vọng.

Lại nói về sự văn minh, thật nực cười khi ai đó tưởng rằng, chúng ta hơn được cha con ông Thanh cách biết dùng điện thoại di động, biết đi xe máy là chúng ta đã có quyền nhìn họ với con mắt xem thường, kẻ cả. Con người hơn nhau không phải ở những tiện nghi vật chất ngớ ngẩn đó mà hơn ở lối sống và thái độ sống, ở cách đối xử và cái tình dành cho đồng loại của mình.

Cha con ông Thanh sống ở giữa rừng nhưng họ là những con người đúng nghĩa, biết cần cù lao khổ tự đổi sức lực chân chính lấy miếng ăn, biết chở che yêu thương đùm bọc lấy nhau, biết nương tựa vào thiên nhiên và tôn trọng thiên nhiên để sống. Còn chúng ta, chúng ta có gì hơn họ khi mà có người sống giữa rừng người mà cách cư xử với đồng loại của mình còn thua xa loài vật?

Vì vậy, hơn lúc nào hết, tôi ước sao chưa từng có vụ “cưỡng chế” người rừng này.

  • Mi An
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc