Người tố cáo, chống tham nhũng bị giết, bắt giam

11:10, Thứ năm 29/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Người tố cáo Chủ tịch phường "kiếm" được 80 biệt thự và hơn 20 xe hơi hạng sang vừa bị bắt tạm giam. Còn người tố cáo sữa Trung Quốc nhiễm melamine bị giết khiến dư luận không khỏi hoang mang về số phận của người tố cáo.

Người tố cáo Chủ tịch phường "kiếm" được 80 biệt thự và hơn 20 xe hơi hạng sang vừa bị bắt tạm giam. Còn người tố cáo sữa Trung Quốc nhiễm melamine bị giết khiến dư luận không khỏi hoang mang về số phận của người tố cáo tham nhũng, sai phạm ở Trung Quốc.

Người tố cáo Chủ tịch phường "kiếm" 80 biệt thự, 20 xe hơi bị bắt tạm giam

Nhân Dân nhật báo Trung Quốc ngày 28/11 đưa tin, cơ quan cảnh sát điều tra khu Long Cương thành phố Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc đã bắt tạm giam Chu Kiệt, người tố cáo Chủ tịch phường Nam Liên 7 năm dùng thủ đoạn phi pháp "kiếm" được 80 biệt thự và hơn 20 xe hơi hạng sang.

Vụ bắt tạm giam Chu Kiệt diễn ra ngày hôm qua 27/11 vì có dính líu đến các hoạt động kinh tế phi pháp, lừa đảo chiếm dụng vốn. Chu Kiệt là một chủ doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ cây xanh, công trình đô thị, vệ sinh công nghiệp và nghiệp vụ quản lý tại khu vực Nam Liên, Long Cương, Thâm Quyến.

Chu Vĩ Tư, Chủ tịch phường Nam Liên đã bị tạm đình chỉ chức vụ để điều tra về nguồn gốc khối tài sản khổng lồ theo tố cáo của Chu Kiệt trên internet
Chu Vĩ Tư, Chủ tịch phường Nam Liên đã bị tạm đình chỉ chức vụ để điều tra về nguồn gốc khối tài sản khổng lồ theo tố cáo của Chu Kiệt trên internet

Chu Kiệt sinh năm 1971, quê quán tại Thâm Quyến, trong nhiều năm, bằng nhiều thủ đoạn đã kê khai khống chiếm đoạt tài sản công dân, tài sản nhà nước và nằm trong diện theo dõi của cảnh sát từ lâu.

Chính Chu Kiệt là người đưa lên mạng internet thông tin Chu Vĩ Tư trong 7 năm làm Chủ tịch phường Nam Liên bằng nhiều thủ đoạn phi pháp đã "kiếm được" 80 biệt thự, tòa nhà, chung cư, căn hộ và hơn 20 xe hơi hạng sang có tổng giá trị ước tính 2 tỉ nhân dân tệ (khoảng 6,6 ngàn tỉ VNĐ).

Chu Vĩ Tư đã bị đình chỉ chức vụ Chủ tịch phường để phục vụ công tác điều tra theo tố giác trên internet mà Chu Kiệt là người tố cáo.

Tuy nhiên bản tin của tờ Nhân Dân nhật báo hôm nay không nói rõ về mối liên hệ giữa viên Chủ tịch phường này và người tố cáo, đồng thời cũng chưa có thông tin nào về việc có hay không liên hệ giữa khối tài sản khổng lồ của Chu Vĩ Tư và Chu Kiệt.

Vụ việc vẫn đang được các lực lượng chức năng ở khu Nam Cương, Thâm Quyến điều tra, làm rõ.

“Người đầu tiên chống sữa giả ở Trung Quốc” bị giết

Cũng theo tờ báo này đưa tin, mặc dù cảnh sát đã công bố kết quả điều tra sơ bộ về vụ sát hại “người đầu tiên tố cáo sữa Trung Quốc nhiễm chất độc melamine”, nhưng trước khi sự thật được phơi bày, nguyên nhân cái chết của ông vẫn còn là một bí ẩn.

Theo đó từ sau vụ tố giác sữa nhiễm melamine, ông Tưởng Vệ Tỏa, 44 tuổi, giám đốc Công ty sữa Tưởng Vệ Tỏa, thường tỏ ra bất an. Có lần ông nói bản thân mình giống như đang “ôm sẵn một cái quan tài trước khi ra khỏi nhà”. Thậm chí, ông còn thừa nhận có người đã bỏ tiền mua cái đầu của mình vì ông “đang đứng ở phía đối lập với cả một rừng lợi ích khác”.

Ông Tưởng Vệ Tỏa tại trang trại của mình
Ông Tưởng Vệ Tỏa tại trang trại của mình

Báo Đô Thị Nam Phương cho biết, cảnh sát Tây An đã bắt giữ sáu trong chín người tình nghi, trong đó có bà Dương Bình - vợ ông Tưởng. Theo lời khai của bà Dương, ông Tưởng là một người thường xuyên đánh đập vợ. Ngày 1/11, trong lúc cãi vã, bà đã lỡ tay dùng dao đâm trọng thương chồng.

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Giao thông Tây An, trên người ông Tưởng Vệ Tỏa xuất hiện nhiều vết chém sâu, đặc biệt não bộ và phần ngực bị chấn thương nghiêm trọng. Khi được đưa đến bệnh viện hôm 2/11, ông Tưởng bị hôn mê sâu và qua đời hôm 14/11.

Tuy nhiên, lời khai của bà Dương vẫn khiến dư luận và nhân viên dưới quyền ông Tưởng không khỏi hoài nghi. Báo Tin Tức Vân Nam cho biết ông Tưởng là một người đàn ông trung niên, tính tình ôn hòa, khiêm tốn, không tỏ vẻ ta đây và chẳng khi nào lên giọng ông chủ.

Còn theo nữ nhân viên Hàng Yến, bà Dương không phải là người xấu, chỉ có điều bà thường xuyên bị ám ảnh, luôn cảm thấy những người xung quanh không an toàn, bà chịu nhiều áp lực và rất dễ xúc động.

Năm 2006, ông Tưởng Vệ Tỏa được truyền thông Trung Quốc biết đến khi tố giác các công ty sữa địa phương cho hóa chất nguy hiểm vào trong sữa. Khi ấy, các cơ quan chức năng chẳng thèm đếm xỉa gì đến cảnh báo của ông. Tuy nhiên, sau vụ sữa nhiễm độc melamine khiến nhiều trẻ em Trung Quốc thiệt mạng vào năm 2008, ông được trao danh hiệu “người đầu tiên chống sữa giả ở Trung Quốc”. Từ đó, ông kinh doanh phát đạt nhưng cũng nhận được không ít lời đe dọa ám sát.

Năm 2006, người vợ thứ hai của ông Tưởng cũng do áp lực của những lời đe dọa mà đệ đơn ly dị chồng. Năm 2010, ông kết hôn với chuyên gia dinh dưỡng Dương Bình.

  • Trần Phương (Tổng hợp TTO,GDVN)

[links()]

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc