Người việt và nỗi ám ảnh gỗ sưa

( PHUNUTODAY ) - Rất nhiều người vì gỗ sưa mà sẵn sàng đào nát quốc lộ, không ngại trộm cắp, cướp giật, thậm chí là đổ máu để có được cây gỗ này. Phải chăng người Việt đang bị gỗ sưa ám ảnh và điều khiển hành động?

Đời sống) - Rất nhiều người vì gỗ sưa mà sẵn sàng đào nát quốc lộ, không ngại trộm cắp, cướp giật, thậm chí là đổ máu để có được cây gỗ này. Phải chăng người Việt đang bị gỗ sưa cũng như giá trị của nó ám ảnh và điều khiển hành động?

[links()]

Đào nát quốc lộ tìm gỗ sưa

Ngày 11/10/2012 Cơ quan chức năng phát hiện tại km67 trên tuyến quốc lộ 24, đoạn qua đèo Viôlắc (xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) tiếp giáp với tỉnh Kon Tum hiện đang xảy ra tình trạng người dân đào bới tìm gỗ sưa. Hiện những người tìm gỗ sưa đã đào sâu vào trong lòng đường hơn 2m.

Các biển báo cấm đào bới trong ranh giới đất dành cho đường bộ trên quốc lộ cũng bị các đối tượng săn tìm gỗ sưa dỡ ngã. Tại hiện trường, hàng chục người mang đồ nghề đào tìm gỗ sưa bỏ chạy ra khỏi khu vực đèo Viôlắc khi thấy lực lượng thanh tra Sở GTVT Quảng Ngãi.
 
Ông Huỳnh Ngà, Chánh thanh tra Sở GTVT Quảng Ngãi, cho biết: “Đây là hành vi phá hoại công trình giao thông, phá hoại công trình an ninh quốc gia. Chúng tôi sẽ phối hợp với công an xem xét, buộc đưa ra khởi tố những người đào đường trái phép”.
 
Biển báo, taluy trên quốc lộ 24 bị các đối tượng tìm gỗ sưa xới tung
Biển báo, taluy trên quốc lộ 24 bị các đối tượng tìm gỗ sưa xới tung
 
Hỗn chiến vì sưa nghìn tỷ ở Quảng Bình
 
Trong hai tháng 4 và 5 năm 2012 tại các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, khu vực vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng xuất hiện nhiều thông tin tại đây có gỗ sưa đang được khai thác. 
 
Một nhóm lâm tặc gồm 11 người ở thôn Bầu Sen, xã Phúc Trạch chuyên đi tìm gỗ sưa đã may mắn tìm thấy 3 cây sưa cổ thụ có đường kính khoảng 1,4m, cao hơn 10m còn sót lại ở khu vực núi Trí (thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng) có giá trị ước tính hàng nghìn tỷ đồng.
 
Ngay sau khi đốn hạ cây gỗ quý trên, nhóm lâm tặc đã xẻ được 110 phác gỗ mặt rồi cho người về rao bán với giá khoảng 200 tỉ đồng. Nhóm lâm tặc đã tiến hành chia gỗ, cất giấu ở nhiều nơi trong rừng cũng như trong nhà dân.
 
Thông tin này, khiến nhiều người dân vùng đệm vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các đầu nậu ở nhiều nơi đổ xô về đây tìm kiếm gỗ sưa. Nhiều nhóm giang hồ từ Đồng Hới, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lạng Sơn và cả Tp.HCM về đây quấy nhiễu để cướp gỗ sưa. Đáng chú ý là các đối tượng này trang bị đầy đủ vũ khí quân dụng, mìn tự tạo, dao, kiếm, mã tấu...nên trong khu vực thường xuyên xảy ra các vụ tranh chấp, đánh lộn, thậm chí cướp giật gỗ gây mất trật tự an ninh địa phương.
 
Giang hồ cùng người đi mót sưa tập trung trong rừng.
Giang hồ cùng người đi mót sưa tập trung trong rừng.
Các cuộc xung đột giữa người dân ở các xã Xuân Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) với nhóm giang hồ từ nơi khác và nhóm của H.“mía” – trưởng nhóm trúng sưa đã liên tiếp xảy ra. Đỉnh điểm là cuộc "hỗn chiến" xảy ra vào đêm 5/5 và rạng sáng 6/5 trên đoạn đường Hồ Chí Minh, gần chân đèo Đá Đẽo (xã Xuân Trạch).
 
Hậu quả, có ít nhất 4 xe máy bị đập nát, 1 chiếc ô tô 7 chỗ bị lật ngược nát bét, 7 người bị thương phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
 
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm còn cho biết cũng vào đêm 5/5, rạng sáng 6/5, một nhóm “giang hồ” thuê xe khách loại lớn chở theo khoảng 80 tên lạ mặt đột nhập Vực Trô, khiêu khích kiểm lâm bằng gươm và mã tấu. Ngoài ra, một số người dân ở thôn Bầu Sen (xã Phúc Trạch) cho biết, hiện trên địa bàn xã xuất hiện một băng nhóm giả danh công an vào nhiều nhà dân kiểm tra, có gỗ sưa là lấy đi. Đã có một đe gỗ khoảng 80kg bị lấy tại nhà một cửu vạn.
 
Các cuộc tranh cướp gỗ chỉ kết thúc khi các đối tượng bị bắt và khởi tố, lực lượng chức năng vào cuộc giải tán người dân khỏi khu vực vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng xã Sơn Trạch.
 
Sống chết bảo vệ sưa chục tỷ đồng ở Bắc Ninh
 
Trước cửa ngôi đền Chóa (Yên Phong, Bắc Ninh), có một cây sưa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi. Cây sưa với đường kính 0,7m, riêng phần thân chính cao hơn 10m, cùng rất nhiều cành to, rễ lớn này, cũng phải cho cỡ chục mét khối gỗ với vài khối lõi. Với cái giá 3-4 triệu đồng một kg, thì cây sưa này cũng phải cỡ chục tỷ đồng. Quả là một “cây vàng” khiến bọn sưa tặc thèm khát.
 
Trước đây, cả làng không ai biết đó là cây sưa. Cho đến khi có người đến thăm và bảo đó là cây sưa quý lắm, gỗ bán bằng cân, thợ buôn gỗ định giá nó cỡ tỷ rưỡi đồng. 
 
Biết được giá trị cây sưa quý, bọn trộm thường xuyên rình rập. Có lần bọn trộm đã liều lĩnh đột nhập vào khu đền và cưa đứt cành cây thấp nhất của cây sưa cổ thụ có đường kính 20cm. Rất may người trông đền đã phát hiện và báo động nhân dân trong thôn. Thấy động tĩnh, bọn trộm chuồn mất mà chưa kịp mang cành cây đi.
 
Các cụ trông coi cây sưa kể, mấy năm trước có một lái buôn trả 1,5 tỷ để mua cả gốc lẫn ngọn cây sưa, nhưng dân làng họp nhau nhất quyết không bán. Người dân còn lập lán trại ngay dưới gốc cây để canh chừng.
cây sưa cổ thụ ở đền Chóa Yên Phong Bắc Ninh.
Cây sưa cổ thụ ở đền Chóa, Yên Phong Bắc Ninh.
 
Người dân Yên Phong Bắc Ninh biết giá trị vật chất của cây sưa là rất lớn nhưng giá trị tâm linh của cây còn lớn hơn rất nhiều, nhỡ bọn trộm cưa mất thì vừa mất của lại vừa có tội với tâm linh. Chính vì vậy các cụ trong hội người cao tuổi, đội tự vệ xã và nhân dân ra sức cùng nhau bảo vệ.
 
Ông Lợi - một người trông đền và trông cây sưa cho biết: “Đôi lúc nghĩ cũng sợ, đám chúng tôi trông cả cái cây bằng vàng giữa trời. Cứ tối đến là cửa đóng then cài, nếu không phải là người thân quen, có trách nhiệm thì tuyệt đối không mở cửa. Ngộ nhỡ chúng đập cho một gậy, hay là xịt thuốc mê thì mất cả...
 
Chúng tôi đã tính toán cả. Có động tĩnh là bật hết điện ngoài kia lên, gọi ngay cho đội tự vệ rồi mới xông ra tiếp ứng. Bọn chúng không thể đi quá nhanh được. Vũ khí chúng tôi cũng đã cất sẵn ở đây rồi, có chuyện gì là sẵn sàng chiến đấu ngay, quyết không để cho kẻ gian cướp mất tài sản quý giá của dân làng”.
 
Người dân đổ xô trồng sưa theo tin đồn
 
Cơn sốt gỗ sưa trong thời gian qua đã khiến phong trào trồng loại cây này đang trở nên rầm rộ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Từ những lời đồn thổi rồi trở thành phong trào, người người đua nhau trồng khiến cây sưa càng thêm giá trị, vì ai cũng muốn thử vận may đổi đời từ loại cây này.
 
Ở khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ nhiều người dân đã chặt vườn điều, cà phê của mình để trồng sưa với hi vọng làm giàu, đổi đời. Họ đã “bỏ quên” các loại cây trồng, vật nuôi khác đang cho thu nhập ổn định để đổ xô trồng loại cây được đồn là quý hiếm và có giá trị cao này.
 
Không chỉ các nhà vườn mà những người dân có khu vườn nhỏ cũng mua sưa giống về trồng trong vườn để làm cảnh, khoe với bạn bè. Chính vì vậy sưa giống không chỉ là mặt hàng bán chạy với giá rất đắt mà còn thường xuyên khan hiếm do các nhà vườn không cung cấp kịp.
 
Đa số những người trồng sưa đều nghe thông tin trước mắt là loại cây này là loại gỗ quý, đem lại giá trị kinh tế cao, không phải lo đầu ra cho sản phẩm, lại dễ trồng, dễ chăm sóc… Tuy nhiên, ít người hiểu rõ giá trị thực của sưa như thế nào, tiêu thụ ở đâu mà đã vội chặt bỏ cà phê già cỗi, dốc hết vốn liếng, công sức vào những vườn sưa?!
  • Lê Nguyễn (Tổng hợp)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn