Nguyễn Hưng:Nổi tiếng nhờ thừa kế gen vũ đạo từ mẹ!

23:38, Thứ năm 05/01/2012

( PHUNUTODAY ) - Với năng khiếu khiêu vũ sớm bộc lộ, năm 17 tuổi, Nguyễn Hưng đã đoạt được giải Kim Khánh với vũ điệu Cha cha cha.

(Phunutoday) - Trong các bài trả lời phỏng vấn của Nguyễn Hưng - người đàn ông hát với vũ điệu không chỉ dẻo dai, sung sức mà còn hài hòa với hình thể khỏe mạnh đầy nam tính chưa từng thiếu bóng dáng của mẹ anh - vũ sư Ánh Tuyết. Là một vũ sư nổi tiếng ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước, bà Ánh Tuyết đã không lầm khi ép con phải nối nghiệp của bà. Nhưng, dường như cậu con út của vũ sư đã không khiến bà thất vọng khi anh trở thành ca sĩ nổi tiếng không chỉ bởi giọng hát trời phú mà còn nhờ vào sự thừa kế, phát huy gien vũ đạo mê hoặc từ mẹ.

Cậu út hiếu thảo


Mẹ làm vũ sư, nên hiển nhiên là từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Hưng (tên đầy đủ là Nguyễn Từ Hưng) đã được tiếp xúc và cảm nhận môn nghệ thuật thứ sáu từ mẹ một cách toàn diện và sâu sắc, cho dù với cậu, trống mới chính là niềm say mê lớn nhất lúc đó. Theo mẹ đi diễn, đi dạy hằng ngày, nhưng Nguyễn Hưng chưa từng có cảm giác hứng thú với môn nghệ thuật của đôi chân và cơ thể này. Thay vì ngắm nhìn mẹ và các đồng nghiệp say sưa thể hiện vũ đạo trên sân khấu, anh dán mắt vào đôi tay điêu luyện của các tay trống.

Thấy con trai mê trống quá đỗi, bà Ánh Tuyết bèn mua cho con trai một bộ trống, và lần đầu tiên trong đời, Nguyễn Hưng say mê một thứ nhạc cụ đến quên ăn, quên ngủ. Nhờ bộ trống này, anh đã tập luyện và tham gia ban nhạc The Radiations ở Sài Gòn lúc đó và đi trình diễn nhiều nơi trong suốt hai năm trời.

 


Sau thời gian tự do bay nhảy với chiếc dùi trống, Nguyễn Hưng bị mẹ ép học khiêu vũ trở lại. Nguyên nhân cũng xuất phát từ lòng yêu nghề đến cháy bỏng của vũ sư Ánh Tuyết, nhưng cậu con trai cả lúc đó đang công tác trong quân ngũ nên Nguyễn Hưng trở thành lựa chọn của bà. Thế là, dù không thích nhưng không muốn làm mẹ buồn, tay trống Nguyễn Hưng vẫn theo mẹ lên sàn tập nhảy.

Bắt chước phim Hồng Kông, Hưng làm nặng ống quần bằng chì và cát để rèn luyện đôi chân. Ai ngờ, bài học lỏm này lại phát huy hiệu quả bởi đôi chân đã quen với sức nặng của chì và cát nên khi anh biểu diễn với trang phục bình thường, đôi chân như được giải phóng khỏi sức nặng, nó trở nên uyển chuyển, nhẹ nhàng như đang bay… Đây có thể nói là thành công có tính chất khởi đầu quan trọng của Nguyễn Hưng cho cả quá trình rèn luyện và biểu diễn vũ đạo của anh sau này.

Là người khá chăm chỉ và có ý thức cao trong tập luyện nên anh sớm có cơ hội cộng tác với một số đoàn hát như đoàn xiếc Độc Lập, Bông Sen... cùng với một số vũ trường ở Sài Gòn. Nhanh chóng tỏ ra tiến bộ, Nguyễn Hưng thậm chí có thể giúp mẹ đảm đương trọng trách hướng dẫn các học viên khác tập nhảy.

Khi đó, do chưa có nhiều kinh nghiệm với các điệu nhảy khác nên Hưng chỉ tự tin với hai vũ điệu phổ thông là Tango và Cha cha cha. Lần ấy, anh biểu diễn điệu Tango cùng với một vũ công nữ mới vào nghề nên sự phối hợp chưa ăn ý khiến tiết mục bị hỏng. Vốn là một giáo viên cực kỳ nghiêm khắc, nhất là khi người mắc lỗi lại là con trai mình, vũ sư Ánh Tuyết rất giận. Ngay khi Nguyễn Hưng lui vào cánh gà, anh đã bị mẹ mắng một trận tơi tả. Ai nhảy hỏng không sao, con trai vũ sư nổi tiếng mà nhảy hỏng thì là chuyện không nhỏ.

Chưa kịp để con trai hoàn hồn sau vũ điệu thất bại, với tự trọng nghề nghiệp đang “bừng bừng”, vũ sư Ánh Tuyết kiên quyết ép con ra sân khấu “tạ tội” với khán giả bằng cách nhảy lại điệu Tango bị hỏng lúc trước. Lần này, không nghe lời mẹ, Hưng chọn điệu Cha cha cha mà anh yêu thích và dồn tất cả tâm huyết của mình vào bài nhảy đó. Thành công ngoài mong đợi cùng với tràng vỗ tay ủng hộ của khán giả đã khiến anh lấy lại được tất cả sự tự tin. Một người bạn của anh chứng kiến vũ điệu Cha cha cha xuất thần của anh lúc đó nhận xét rằng: “Ôi! Coi thằng này nhảy, không thấy chân của nó ở đâu hết”.

Với năng khiếu khiêu vũ sớm bộc lộ, năm 17 tuổi, Nguyễn Hưng đã đoạt được giải Kim Khánh với vũ điệu Cha cha cha. Sau này, trong nghiệp ca hát cùng với vũ đạo đầy đam mê của mình, anh nhận ra điệu Cha cha cha chính là điệu nhảy “ruột” để anh gắn bó và giúp cho anh trở nên nổi tiếng.

 


Chưa hề có nền móng căn bản nào về thanh nhạc, Hưng được giáo sư Duy Tân chỉ dẫn và khi qua đoàn Bông Sen 2, anh được theo học những khóa luyện thanh và nhạc lý cùng các diễn viên khác. Đó chính là những hành trang nhạc lý đầu tiên, có tính chất nền tảng của Nguyễn Hưng để anh tự tin bước chân vào con đường ca nghiệp sau này. Cho đến đầu những năm 80, khi đó Nguyễn Hưng đã gần 30 tuổi, anh trở lại với nghề dạy khiêu vũ.

Với hành trang của mẹ

Năm 1992, Nguyễn Hưng tới Toronto (Canada) định cư theo diện đoàn tụ gia đình với vợ anh là Hiền Thục (đã sang Canada từ trước đó). Từ đây, anh mới có cơ hội bước lên sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp.

Đó là năm 1994, trong một dịp tới trình diễn tại Toronto, ca sĩ Phương Hồng Quế (từng quen biết với Nguyễn Hưng trước kia), đã khuyến khích anh sang California (Mỹ) thăm dò tình hình. Ca sĩ Hồng Quế thuyết phục Nguyễn Hưng rằng đây là nơi sẽ cho anh nhiều cơ hội để phát triển con đường ca hát.

Vốn rất yêu thích ca hát và cũng từng trình diễn trên sân khấu trong nước với vai trò ca sĩ, anh đã quyết định cùng Phương Hồng Quế tới Cali và tham dự đêm ra mắt CD của ca sĩ Phi Phi tại vũ trường Đêm Màu Hồng tại đây. Để góp vui cho buổi lễ, cũng là nhằm để giới ca sĩ ở đây biết đến mình, Nguyễn Hưng mạnh dạn bước lên sân khấu trình bày hai nhạc phẩm “Vết thù trên lưng ngựa hoang” và “Đưa em vào cõi chết”. Đây chính là hai nhạc phẩm được tiền bối Elvis Phương và Thái Châu từng trình bày mà Nguyễn Hưng cực kỳ yêu thích. Có lẽ nhờ đó mà khi thể hiện hai nhạc phẩm này, anh phần nào chịu ảnh hưởng của hai giọng hát gạo cội ấy và đã gây ấn tượng tốt với khán giả.
 
Thật bất ngờ, ngoài sự mong đợi của Nguyễn Hưng, một người đại diện trung tâm Thúy Nga nổi tiếng cũng có mặt trong buổi lễ và đã chuyển tới anh một lời mời hợp tác. Con đường ca hát của Nguyễn Hưng đã bước sang trang mới từ đây. Và, có thể nói, trung tâm Thúy Nga chính là nơi đã phát hiện, bồi dưỡng và tạo dựng nên một “thương hiệu” ca sĩ Nguyễn Hưng với nền tảng vũ đạo điêu luyện như hiện nay.

Trong các bài trả lời phỏng vấn của Nguyễn Hưng - người đàn ông hát với vũ điệu không chỉ dẻo dai, sung sức mà còn hài hòa với hình thể khỏe mạnh đầy nam tính chưa từng thiếu bóng dáng của mẹ anh - vũ sư Ánh Tuyết. Thừa kế và phát huy gien vũ đạo mê hoặc từ mẹ, Nguyễn Hưng chia sẻ: “Mẹ đã dạy tôi vào nghề. Bà dạy tôi rất nhiều. Bà đã tạo nên tôi, cho tôi cuộc sống, nghề nghiệp và ý chí”.

Nhắc đến Nguyễn Hưng, không ít fan hâm mộ vẫn thích gọi anh là một vũ sư hơn là ca sĩ. Đó không phải vì khán giả không đánh giá cao chất giọng của anh mà bởi Nguyễn Hưng đã khéo léo trình bày ca khúc của mình như một tiết mục nghệ thuật biểu diễn – điều mà không phải ca sĩ nào cũng làm được. Điều này khiến cho cảm xúc âm nhạc của khán giả hòa nhịp cùng với từng bước nhảy uyển chuyển đến nhiệt thành của anh.

Vừa nhảy, vừa hát là sự kết hợp vô cùng tốn sức, nhưng Nguyễn Hưng chưa từng hát nhép để có được giọng ca cùng bước nhảy hoàn hảo. Anh không chấp nhận hy sinh tiếng hát vì điệu nhảy và ngược lại. Chính vì thế, anh đã mất rất nhiều thời gian khổ luyện để có thể đồng thời cất tiếng ca hòa cùng với ngôn ngữ của cơ thể và đôi chân.

Anh bảo: “Thật lòng, tôi cũng không biết có phải nhờ vào những bước nhảy đó mà tôi được khán giả yêu mến hơn không, chỉ biết những bước nhảy đó kết hợp với giọng hát của tôi đã tạo ra một Nguyễn Hưng vừa hát vừa nhảy, giúp tôi được mọi người yêu mến bao nhiêu năm qua”.

Tháng 10 vừa qua, Nguyễn Hưng đã tổ chức một liveshow được chuẩn bị và đầu tư rất công phu, hoành tráng mang tên “Tình yêu và bước nhảy” tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM. Và lần đầu tiên trong cuộc đời, Nguyễn Hưng được đặt chân đến Hà Nội - quê hương của vũ sư Ánh Tuyết.

Anh nói: “Từ nhỏ, tôi nghe mẹ kể nhiều về Hà Nội, nhưng mãi đến bây giờ, tôi mới có mặt ở đây. Điều này càng ý nghĩa khi tôi về Việt Nam, được làm một liveshow cho riêng mình và được thăm lại quê hương nơi mẹ tôi đã sinh ra. Mẹ tôi lúc nào cũng nhớ và yêu quý mảnh đất này”. Chính mục đích cao cả đó đã trở thành động lực để Nguyễn Hưng dồn hết sức cho ba đêm diễn tại ba vùng miền của tổ quốc.

 


Hiện tại, Nguyễn Hưng vẫn sinh sống chủ yếu ở Canada cùng với bà xã Thục Hiền và cậu con trai Phạm Hưng Long của mình. Khi có show ở Mỹ thì anh mới qua đó hát, thường là vào cuối tuần. Con trai anh cũng thừa hưởng năng khiếu ca hát và khiêu vũ của bố và anh đang hướng cho con trai mình nối nghiệp cha.

Ở Canada, anh cũng từng mở lớp dạy nhảy nhưng do thời gian không ổn định nên anh không đảm bảo được việc trực tiếp đứng lớp mà phải thuê thầy về dạy lấp giờ. Tuy nhiên, người đàn ông vừa hát vừa nhảy này cũng dự định, khi không còn hát nữa, anh sẽ trở lại với nghề của mẹ.

Gần như năm nào, nam ca sĩ cũng về Việt Nam ăn Tết với mẹ và gia đình. Vũ sư Ánh Tuyết giờ đây đã bước vào tuổi bát thập, chân đi không vững. Vì thế, Nguyễn Hưng càng muốn được gần gũi mẹ nhiều hơn. Anh nói: “Mỗi lần về Việt Nam, mẹ là niềm hạnh phúc, là nguồn vui bất tận với tôi. Được ở bên mẹ, được nghe mẹ hỏi han ân cần là tôi quên hết những mệt mỏi, nhọc nhằn ở xứ người”.

Thu Uyên
[links()]

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc