Vào lúc 11h10, tại phần tranh luận, VKS bắt đầu luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Nguyễn Hữu Tình (SN 2000, quê An Giang), sát hại năm người gia đình ông Mai Xuân Chinh (SN 1972, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) gây chấn động dư luận vào ngày 28 Tết Nguyên đán vừa qua.
VKS truy tố Nguyễn Hữu Tình tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng theo luật định gồm: Giết hai người trở lên, giết người dưới 16 tuổi, giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác và mang tính côn đồ. Về tội cướp tài sản, có hai tình tiết tăng nặng là chiếm đoạt tài sản từ 50 triệu đến 200 triệu đồng và gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Sau khi nghe cáo trạng cáo buộc hành vi phạm tội, Tình xác nhận diễn biến vụ án đúng như VKS đã công bố. Khi trả lời HĐXX, bị cáo Tình trả lời xưng bị cáo và lúc xưng tôi khá to rõ. Miêu tả về hành vi phạm tội của mình khá rành rọt.
Mở đầu phần trình bày, bị cáo nói họ (chỉ nạn nhân) chửi mình. Bày tỏ sự bực mình với các lời chửi, Tình nói: “Bị cáo có tính là rất ghét ai chửi những câu Đ.M, Đ.M... Bị cáo có nhắc bà Hồng rất nhiều lần nhưng bả không bỏ đâm ra tức giận nên sát hại”.
Đối với công cụ phạm tội là các con dao gây án, Tình mô tả chi tiết đầy đủ. Và việc thực hiện hành vi đâm một nạn nhân nhiều lần thế nào... cũng như sau khi gây án bình tĩnh lấy dao gọt trái cây ăn rồi gom tài sản... Tình nói vào làm việc được 5-6 tháng cũng định xin nghỉ vì sự bực tức bị chửi nhưng vì đã cận Tết.
Về nguyên nhân sát hại ông Chinh, Tình cho rằng tấn công bà Hồng sợ ông Chinh chống trả nên tấn công trước. Về ba nạn nhân nhí, Tình nói sợ chúng tố cáo nên ra tay sát hại. Chủ tòa hỏi có đứa bé chưa đầy sáu tuổi thì biết gì mà tố cáo, Tình mạch lạc: Chúng la hét làm bị cáo hoảng loạn...
Kể về ngày gây án, Tình nói 4 giờ sáng nôn về quê nên thức, không ngủ được. Lúc này bà Hồng chửi và liên tục chửi nên bị cáo đâm ra tức giận và rất tức giận. Bị cáo đâm rất nhiều vì rất tức giận. Không nhớ đâm bao nhiêu nhát...
Ban đầu Tình còn xưng bị cáo nhưng khi vào các câu hỏi càng lúc càng chi tiết Tình dùng nhân xưng tôi. Cụ thể, nói về ông chủ khi bị đâm, Tình nói: “Ông Chính có té, tôi không có té. Tôi đâm bao nhiêu nhát không nhớ nhưng đâm nhiều, đâm vào đầu, cổ, tay, chân. Sau đó xuống nhà băng bó vết thương...".
Hội đồng xét xử (HĐXX) xét hỏi vì sao giết cả gia đình chủ nhà, Tình trả lời lạnh lùng rằng rất ghét ai chửi bị cáo. HĐXX liền hỏi sao bị cáo ghét bà Hồng không xin nghỉ việc, mà lại giết người ta. Sao chồng bà Hồng và 3 cháu nhỏ bị cáo cũng giết? Tình lanh quanh không lý giải được câu hỏi này.
Trong phiên xét xử, Tình nhận tội mình gây ra, truy tố của Viện kiểm sát (VKS) là đúng. Kẻ giết người cho rằng hối hận, nhưng không biết nói thế nào.
Sau phần của bị cáo, VKS bắt đầu đưa ra kết luận, trong đó VKS đồng tình với kết luận của cơ quan điều tra trong vụ án này, Tình chỉ gây án một mình.
Anh Lê Minh Khởi tạm ứng cho Tình 2 triệu đồng tiền viện phí và đem bán điện thoại, laptop cho Tình nhưng không biết Tình phạm tội giết người và tài sản do phạm tội mà có. Vì vậy không xử lý Khởi về hành vi che giấu tội phạm và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Nguyễn Thị Thủy Tiên cho Tình ở nhờ, giặt quần áo dính máu của Tình, biết Tình có vết thương trên tay nhưng do Tình nói là bị người khác chém nên Tiên không biết Tình vừa gây trọng án. Ngoài ra, Tiên đã nộp ba lô của Tình bên trong có chứa bộ nữ trang nên không xử lý Tiên về hành vi che giấu tội phạm.
Các cửa hàng mua điện thoại, laptop từ Khởi đều không bị xử lý hình sự vì có giấy phép kinh doanh, không biết tài sản phạm pháp…
Sau phần tra hỏi, bị cáo Tình đã nhận hết tội lỗi. Sau đó, đại diện gia đình bị hại, ông Mai Xuân Chương cho biết: “Chúng tôi không có yêu cầu gì, tòa cứ làm đúng pháp luật. Chỉ mong xử nhanh cho nó (bị cáo - PV) đi sớm. Gia đình tôi mất mát quá nhiều. Chúng tôi giữ nguyên yêu cầu bồi thường tiền ma chay, tổng số tiền là hơn 198 triệu đồng”.
Trong quá trình trả lời thẩm vấn, bị cáo 18 tuổi bình thản trả lời, ít bộc lộ cảm xúc, có lúc đưa tay lên gãi đầu
"Bị cáo thấy hành vi của mình thế nào?", chủ tọa hỏi.
"Bị cáo có ân hận nhưng bị cáo không thể mô tả sự ân hận của bị cáo được", Tình nói.
Khi được nói lời sau cùng, Tình bảy tỏ sự hối hận và xin được hiến tạng cho y học.
"Trước hết, tôi xin lỗi gia đình bị hại vì hành động thiếu suy nghĩ của tôi mà gây hậu quả lớn như thế. Tôi thành thật xin lỗi", Tình hối hận.
"Xin lỗi ba mẹ vì con chưa trả hiếu được cho ba mẹ. Chỉ vì hành động thiếu suy nghĩ mà con phải trả giá bằng mạng sống của mình", bị cáo 18 tuổi gửi lời tới cha mẹ mình.
"Bị cáo xin pháp luật cho bị cáo hiến tạng cho y học để được cảm thấy thanh thản”, Tình nói.
Đại diện VKS cho rằng hành vi của Nguyễn Hữu Tình là đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tính chất côn đồ, dã man, một lúc giết nhiều người, đâm nhiều lần.
Đồng thời, nhằm mục đích che giấu hành vi phạm tội, bị cáo giết những đứa trẻ vô tội, không có lỗi, dưới 16 tuổi. Sau khi thực hiện xong hành vi giết 5 người, Tình còn lấy đi nhiều tài sản. Hành vi của bị cáo gây xôn xao dư luận, có tình tiết xem xét là khai báo thành khẩn. Tuy nhiên, tình tiết này của bị cáo không đủ để khỏa lấp các tình tiết tăng nặng khác.
"Bị cáo không còn tính người, không thể giáo dục nên cần thiết phải loại bỏ khỏi xã hội", VKS nhận định. Do đó, VKS đề nghị áp dụng hình phạt tử hình với bị cáo Nguyễn Hữu Tình về tội Giết người, 7 năm tù về tội Cướp tài sản, hình phạt chung là tử hình. Buộc bị cáo bồi thường hơn 198 triệu đồng theo yêu cầu của gia đình bị hại.