Các bậc phụ huynh gửi con đến trường mầm non với hi vọng trẻ được nhà trường dạy dỗ và trông nom. Tuy nhiên, càng ngày càng có nhiều vụ tai nạn bất ngờ và thương tâm xảy ra tại môi trường giáo dục này. Nguyên nhân có thể là do sự tắc trách của nhà trường, cũng có thể là do trẻ nhỏ hiếu động.
Mỗi ngày đi học là một ngày hiểm nguy
Ngày 16/11, gần 100 trăm học sinh của trường mầm non Hương Lung (xã Hương Lung, Cẩm Khê, Phú Thọ) có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm như đau bụng, đi ngoài nên đã được cha mẹ đưa vào bệnh viện.
Ông Nguyễn Đình Xuyên, Chủ tịch UBND xã Hương Lung xác nhận có sự việc này: “Sau bữa ăn bán trú tại trường (bữa phụ lúc 14h chiều) đến khoảng 17h, có 1 - 2 cháu đến trạm xá xã với biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy… Sau đó, khoảng 18h, số lượng các cháu ra trạm y tế đã lên đến con số 100. Trạm ý tế xã đã giới thiệu lên BV Đa khoa huyện Cẩm Khê điều trị”.
Ông Vi Văn Miên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cẩm Khê cho rằng, bước đầu nhận định rất có thể trẻ bị ngộ độc thực phẩm, do cùng một triệu chứng sau khi ăn trưa tại trường mầm non. Sau khi được điều trị, các cháu đỡ và ra viện gần hết, nhiều cháu vẫn đang điều trị tại bệnh viện, đây đều là những cháu đến viện muộn hơn.
Ngày 14/11, tại điểm trường Mạnh San (thuộc Trường Mầm non Nam Kim, huyện Nam Đàn, Nghệ An) đã có 3 cháu bé 4 tuổi là Nguyễn Thị Yến N., Nguyễn Ngọc B. và Phạm Thái N. phải nhập viện cấp cứu vì ăn nhầm bột thông bồn cầu.
Theo lời của giáo viên phụ trách lớp hôm đó, do nhà vệ sinh của lớp bị tắc nên cô giáo phụ trách lớp đã nhận 2 gói bột thông bồn cầu từ kế toán để xử lý nhà vệ sinh. Tuy nhiên khi cô giáo ra ngoài, một bé đã nhầm bột là bữa ăn phụ nên lấy ra và chia cho 2 bạn ăn cùng.
Ngay khi phát hiện sự việc, nhà trường đã đưa 3 cháu sang Trạm Y tế xã Nam Kim sơ cứu, sau đó chuyển xuống Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Đến giờ, cả 3 cháu đã qua giai đoạn nguy hiểm. 2 cháu Yến N. và Ngọc B. đã được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương, còn cháu Thái N. đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Trước đó, ngày 1/11, tại trường mầm non ở thị xã Ba Đồn, Quảng Bình đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm khi một bé trai chết đuối trong giờ học.
Vào khoảng 8h30 cùng ngày, bé trai này đã tự ý ra khỏi trường trong lúc cô giáo cho các trẻ khác nghỉ ngơi và đi vệ sinh. Khoảng 10 phút sau, không thấy cháu bé trong lớp nên đã toả đi tìm kiếm xung quanh thì phát hiện thi thể của cháu tại một bờ ruộng sâu cách trường mầm non khoảng 200m.
Giữa tháng 5/2017, dư luận bàng hoàng khi nghe tin bé gái 2,5 tuổi bị ngã từ tầng 2 xuống đất tại trường mầm non Mai Dịch (Hà Nội) ngay trong những ngày đầu đi học.
Theo thông tin của gia đình, khoảng 16h ngày 11/5, bé gái bị ngã từ cửa sổ tầng 2 của ngôi trường xuống đất. Khu vực bị ngã là khe hẹp nằm giữa bức tường lớp học với hàng rào của nhà trường. May mắn, khi rơi xuống nhưng bé chỉ bị xây xước nhẹ.
Tháng 2/2017, một bé trai 5 tuổi học tại trường mầm non huyện Krông Ana, Đắk Lắk đã bị rơi xuống hố sâu hơn 5m vì nền gạch và bồn cầu của trường bị sụt lún. Hậu quả, bé trai bị chấn thương sọ não và gãy xương chậu.
Theo lãnh đạo trường mầm non cho biết khu vệ sinh nơi xảy ra sự việc là nơi vệ sinh thường xuyên của học sinh lớp chồi và lớp lá. Công trình vệ sinh cùng nhiều hạng mục khác trong trường này đều được tiếp nhận lại từ trường tiểu học Krông Ana đã gần 10 năm nay và chưa được tu sửa.
Lưu ý của cha mẹ khi con ở tuổi đến trường
Ở độ tuổi này, trẻ thường hiếu động, tò mò, thích khám phá mọi điều xung quanh nên nhà trường và gia đình cần phối hợp để bảo vệ các cháu.
1. Tai nạn do nước:
– Trường hợp các bé dễ bị ngạt nước do té vào trong hồ bơi, hồ nước hay các hố ao gần trường.
– Trẻ có thể bị ngạt nước nếu ngã vào chậu, thùng nước ở trường.
2. Tai nạn do các chấn thương:
– Các trường hợp ngã từ tầng cao xuống, ngã cầu thang do những tiêu chuẩn về xây dựng không phù hợp: chấn xong quá thưa hay do cầu thang không có tay vịn hoặc tay vịn quá cao so với bé. Chấn song quá thưa hay quá thấp dễ khiến bé có khả năng ngã từ tầng cao.
– Té ngã do trượt chân trong nhà vệ sinh.
– Té do chạy nhảy, đập đầu xuống nền nhà hoặc va vào tủ đồ…
3. Tai nạn do hóc, sặc, ngạt thở bởi những dị vật trong đường hô hấp:
– Trường hợp sặc sữa ở những bé vừa bú vừa ngủ hay trường hợp sặc cơm, đồ ăn do bị nhồi nhét liên tục hoặc do thức ăn cắt quá lớn…
– Do nuốt, ngậm những vật nhỏ vào miệng.
4. Tai nạn do bị điện giật: Do các thiết bị điện trong trường học không đảm bảo yêu cầu về chất lượng, ổ điện và các thiết bị điện được đặt trong tầm với của trẻ…
5. Tai nạn do bỏng: Các trường hợp bị bỏng do bị nước sôi, canh nóng đổ vào người…
6. Ngộ độc thức ăn: Các trường hợp bị sốc phản vệ do dị ứng với thành phần trong thức ăn, do đồ ăn trong trường không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm…