Cụ Tô Hoài đã không còn khỏe 6, 7 năm nay. Nhưng khi nghe tin cụ về trời, dầu ở tuổi 95, vẫn thấy có cảm giác mất mát. Vậy là Người cuối cùng của Văn học Việt Nam trước 1945 đã đi hội ngộ với bạn bè.
Còn nhớ những ngày cụ khỏe, hiếm khi có sự kiện lớn nào ở Hội Nhà văn Việt Nam mà cụ không tới. Dáng cụ thấp đậm, tay chống ba-toong, mái đầu hói lơ thơ khóm tóc bạc dài phất phơ, và mắt cụ thì lúc nào cũng hấp háy, hóm hỉnh với ánh nhìn tinh anh hơn cả đám thanh niên.
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên từng nói: chú Dế Mèn ngạo mạn, kiêu hùng của Dế Mèn phiêu lưu ký chính là hiện thân của Tô Hoài ngoài đời, một con người vừa bất khuất, vừa kiêu hùng, nhưng lại vừa khéo léo, khiêm nhường, biết mình, biết ta.
Có lần ở Hội Nhà văn, ai đó hỏi cụ sao cụ có tuổi rồi mà vẫn chăm đi quá. Cụ hóm hỉnh bảo: Vì nghe nói ở đây có nhiều người trẻ đến dự. Không biết cụ nói thật hay nói chơi. Nhưng sự thực là cụ rất quý người trẻ. Thậm chí là ưu ái. Có lẽ thế nên một người trẻ như tôi lúc ấy mới có may mắn được cụ tiếp, dù chỉ là vài phút ngắn ngủi.
Cũng có lẽ vì hay chơi với người trẻ, theo một cách rất bình đẳng, nên giọng văn của Tô Hoài từ Dế Mèn phiêu lưu ký của tuổi 21 đến Ba người khác của tuổi ngoài 80 vẫn cứ trẻ trung như thế. Trẻ và hợp mốt, trẻ và hiện đại. Như thể ông chưa từng nghỉ giải lao trên chặng đường văn chương. Lối viết rất “Postnaturaliste” của ông trong Ba người khác khiến nhiều nhà văn trẻ hiện nay còn phải chạy dài. Đó là lối viết của một nhà văn luôn luôn nhập thế, với những nỗi đau đời chân thật đến nỗi chẳng thể nào lỗi thời được. Đọc Ba người khác rồi, người ta tò mò và khao khát, rằng Tô Hoài còn gì nữa không, bao giờ thì lại ra sách. Bước vào bát thập đắc hi hỉ mà còn được người ta đón chờ, ở Việt Nam chỉ có Tô Hoài và Nguyễn Xuân Khánh.
Cuối cùng thì cụ đã về trời. Ở tuổi 95. Với một sự nghiệp rực rỡ đến phút cuối. Người ta sẽ còn nhắc mãi về Tô Hoài, sẽ còn bàn luận mãi về Tô Hoài, thậm chí có cả phán xét về một quá khứ nhiều nhiễu loạn và phức tạp của văn chương Việt. Nhưng sẽ thiêng liêng mãi cái tên Tô Hoài với các thế hệ trẻ thơ Việt Nam, người đã mang đến một thế giới kỳ thú mà mỗi nhân vật là một bài học bổ ích về lẽ sống; người đã giúp cho những tâm hồn bé bỏng đang bị bê tông và kỹ thuật số xâm lăng được về với thiên nhiên; người đã “kích động” khát vọng phiêu lưu, khát vọng dấn thân, khát vọng cống hiến để thay đổi thế giới, khát vọng phấn đấu cho một trái đất hòa bình “muôn loài đều là anh em”.
Cụ Dế Mèn vậy là đã dừng bước phiêu lưu. Đêm nay, không biết có chú Dế Mèn nào trong công viên Nghĩa Tân, nơi cái hồ nước cổ tích năm nao, định lên đường làm cuộc phiêu lưu mới...