World Cup 2018 đánh dấu tròn 20 năm Nhật Bản lần đầu tiên bước ra sân chơi thế giới, và giấc mơ của đội bóng đất nước mặt trời mọc không chỉ là vào vòng 1/8.
Nhật Bản từng vào vòng 1/8 các kỳ World Cup 2002 và 2010. Họ muốn nhiều hơn nữa ở Nga.
HLV Nishino không ngần ngại nhấn mạnh, kế hoạch ban đầu của ông và các học trò là giành suất tứ kết, vòng đấu dành cho 8 đội tuyển mạnh nhất thế giới.
“Một cách mghiêm túc, chúng tôi thiếu điều gì đó. Chúng tôi chiến đấu, nhưng là chưa đủ. Bức tường vòng tứ kết vẫn quá dày với sức chiến đấu của chúng tôi”.
Nhật Bản đã có một trận đấu quả cảm. Sau khi cầm hòa Bỉ không bàn thắng ở 45 phút đầu, những chiến binh Samurai xanh đã làm nên điều kỳ diệu với 2 bàn thắng trong 4 phút khi hiệp 2 diễn ra chưa lâu.
Thế giới ngưỡng mộ cách mà Nhật Bản chiến đấu và dẫn trước Bỉ. Phải biết rằng, Bỉ được xem là một trong những ứng viên cho danh hiệu VĐTG, với dàn cầu thủ chất lượng cao.
Chiến đấu đầy kiêu hãnh, rồi gục ngã trong bi kịch. 3 bàn thua, với 2 đến từ những cầu thủ dự bị của Bỉ. Và 1 bàn diễn ra trong phút bù giờ của hiệp 2, rõ ràng HLV Nishino có lý do để tiếc nuối.
Mấy ai dám nghĩ họ có thể dẫn trước 2 bàn cách biệt trước đội bóng mạnh hơn rất nhiều lần. Sau niềm vui vỡ òa, họ lại kiên cường đến phút cuối khi bị gỡ hòa chứ không phải là với tâm thế của kẻ ăn may. Để rồi sau bao nỗ lực, những chiến binh Samurai lại bị đẩy xuống tận cùng của tiếc nuối khi đội bạn ghi bàn vào những phút bù giờ cuối cùng của trận đấu.
Có ở vào hoàn cảnh đó mới hiểu được những thay đổi đột ngột về tinh thần và phần thưởng cho nỗ lực bị tuột khỏi tầm tay qua một khe cửa quá hẹp có thể khiến người ta đau khổ thế nào.
Thường thì trước những xung kích quá mạnh mẽ về tinh thần, người ta sẽ lơi là xung quanh mà chỉ tập trung vào nỗi đau của bản thân, thu mình lại để tiếc nuối, oán trách hay ân hận, day dứt. Nếu cởi mở một chút thì có khi còn muốn tìm kiếm sự cảm thông, an ủi từ những người xung quanh mình, đặc biệt là những người ủng hộ mình.
Nhưng các cầu thủ Nhật Bản lại làm điều ngược lại. Trong nỗi buồn quá khó chấp nhận tại thời điểm đó, họ không quỳ rạp, lăn lộn quá lâu hay bước ngay vào phòng thay đồ để chạy trốn thất bại. Họ vừa khóc rưng rức, vừa cầm tay nhau, đồng loạt cúi chào khán giả, những người đã ở bên cổ vũ, tin tưởng và kỳ vọng vào họ.
Đó là cái dũng khí của kẻ thất trận mà không phải là thất phu, là thế đứng hiên ngang hơn hết thảy cái ưỡn ngực, ngẩng cao đầu.
Như để chứng minh thêm rằng, đó không chỉ là hành động lấy lệ và lịch sự cho phải phép, những gì họ để lại trong phòng thay đồ của mình khẳng định rõ ràng hơn nữa tư thế của một đội thua trận nhưng không để nỗi buồn của mình làm ảnh hưởng tới những việc tốt đẹp mà theo họ là đương nhiên phải làm.
“Đây là phòng thay đồ của đội tuyển Nhật Bản sau trận thua Bỉ ở phút thứ 94. Cũng giống như cổ động viên trên sân vận động, họ dọn sạch mọi thứ (băng ghế và phòng thay đồ) và cả cách giao tiếp với giới truyền thông. Trước khi rời đi, họ còn để lại ghi chú với dòng chữ “cảm ơn” bằng tiếng Nga. Quả thật là một tấm gương cho tất cả các đội bóng khác!”, bà Priscilla Janssens, một quan chức của FIFA chia sẻ trên trang mạng Twitter của mình.
Và cũng giống như đội bóng của họ, những cổ động viên Nhật Bản đã tiếp thêm minh chứng cho một tinh thần Nhật khác ở trên các khán đài sân Rostov Arena. Cũng trải qua những cung bậc cảm xúc mãnh liệt cùng đội tuyển dưới sân cỏ, trên khán đài, cổ động viên Nhật Bản thẫn thờ, những tiếng khóc thành lời, những cái rung vai bần bật và những gương mặt úp chặt vào tấm khăn như để kìm nén niềm tiếc nuối.
Nhưng mất đi niềm vui, mất đi một ngày để ăn mừng, mất đi cơ hội để tự hào và hy vọng, người Nhật vẫn không mất đi ý thức văn minh vì cộng đồng, mặc dù đó không phải là tại sân nhà của họ.
Nỗi buồn cho phép người ta buông lơi trách nhiệm với người khác và chăm chút một chút cho sự giải tỏa của bản thân. Nhưng cổ động viên Nhật Bản chọn cách âm thầm nhặt rác trên các khán đài của cả họ và cả đội bạn. Với họ, việc gì phải làm thì bất chấp cao hứng hay không, có đang ở trong hoàn cảnh thuận tiện mà làm việc đó hay không, thì vẫn cứ phải làm.
Và một trong những việc lúc nào cũng phải làm, đã trở thành thói quen của người Nhật, chính là việc nghĩ đến người khác trước rồi mới nghĩ đến mình. Khi ở một mình thì có thể sao cũng được, nhưng khi ở trong cộng đồng, khi bên cạnh chỉ cần có một người, thì cũng phải ưu tiên làm những điều tôn trọng và có lợi cho họ trước.
Chẳng vậy mà người Nhật được tôn trọng và nể phục. Chẳng vậy mà họ có được ý chí kiên cường để chiến thắng nghịch cảnh, bởi chịu nhận cái thiệt về mình, quên đi cái mất của mình vì người khác là thể hiện cái dũng lớn nhất, là hình hài của một sức mạnh ghê gớm nhất.