Đêm nào chị cũng ứa nước mắt, ngẩn ngơ nỗi nhớ, cầm tấm ảnh chụp con gái gia đình gửi xuống, giọt ngắn giọt dài thao thức. Chị không dám khóc to thành tiếng, sợ ảnh hưởng tới giấc ngủ ngon sau ngày làm việc vất vả của chị em cùng buồng giam. Nỗi cô đơn, nỗi nhớ con chỉ một mình chị biết. Nghĩ tới án chung thân với tội danh mua bán trái phép chất ma tuý chưa hẹn ngày về, Ly Thị Mai thoáng rùng mình ước ao về ngày đoàn tụ với con gái vô cùng vời xa phía trước.
[links()]
“Nếu không có con, mẹ đã chết”
Thấy bị mất kinh, trong người có sự đổi khác mà chỉ là phụ nữ mới có thể cảm nhận được Ly Thị Mai thảng thốt giật mình đưa tay xoa nhẹ lên bụng, tự hỏi lẽ nào, trong cơ thể mình một hài nhi đang dần phôi thai?
Những phút giây mừng rỡ, hạnh phúc ùa đến như một cơn mưa mát lành xua tan cái nắng cháy da, cháy thịt thiêu đốt tâm hồn Mai nhiều ngày qua. Nhiều đêm Mai mất ngủ, sợ hãi nghĩ về tội lỗi của mình và mơ hồ nghĩ về nơi nghĩa địa xa xôi dành cho những người mang án tử, Mai bừng tỉnh với chiếc áo ướt đẫm nỗi sợ hãi.
Nhưng, nếu Mai có thai, đứa trẻ sẽ là cứu cánh, là hi vọng sống duy nhất của Mai để níu giữ chị ta ở lại với cuộc đời. Mai biết rõ, với chính sách khoan hồng của Pháp luật, một người phụ nữ đang mang thai như Mai sẽ không phải chịu án dựa cột – bản án nghiêm khắc dành cho những kẻ gieo rắc cái chết trắng cho đồng loại.
Run rẩy cầm chiếc que thử thai, hai vạch đỏ rõ ràng hiện lên, Ly Thị Mai mừng ứa nước mắt, lắp bắp không nói được nên lời. Đó là tâm trạng của Mai trong những ngày đầu bị bắt vào trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên với tội danh mua bán trái phép chất ma tuý với số lượng 3 bánh Heroin.
Phạm nhân Ly Thị Mai |
Từng trải qua những thái cực của cảm xúc, khi tận cùng của nỗi sợ hãi, ngẫm về cái chết gõ cửa cận kề, khi tột đỉnh của niềm vui biết mạng sống mong manh này vẫn còn được giữ lại, Ly Thị Mai vẫn thầm cảm ơn giọt máu đang mang trong bụng, nhờ có con mà chị ta thoát khỏi án tử tưởng như đã nắm chắc trong tay.
Trước khi bị bắt, Mai có qua lại với một người đàn ông quê ở Điện Biên. Và giọt máu Ly Thị Mai mang trong bụng hình thành từ cuộc tình “già nhân ngãi, non vợ chồng” này.
Yêu và chung sống với một người đàn ông ở gần nhà như vợ chồng, nhưng cả hai không làm thủ tục đăng kí kết hôn theo đúng Pháp luật. Với Ly Thị Mai, điều ấy cũng không quá quan trọng, nó chỉ mang nặng tính hình thức, còn cốt yếu là tình cảm thực sự hai người dành cho nhau.
Sau khi bị bắt vào trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên, Ly Thị Mai mới biết đang mang trong mình “kỉ vật” thiêng liêng nhất của cuộc tình nhân ngãi kia. Không quá lâu sau khi bị bắt, người chồng hờ “quất ngựa truy phong” lặn một hơi không sủi tăm.
Kết hôn không thủ tục giấy tờ và ly hôn cũng nhẹ nhàng, đơn giản hệt như khi tương ngộ. Mai có buồn về sự lạnh lùng, quay lưng tàn nhẫn của người tình, nhưng ngẫm bản thân tù tội, sống nay chết mai chẳng biết thế nào, Mai nhủ lòng sẽ không hờn giận, trách cứ.
Mai hiểu rõ, với số lượng ma tuý lớn như chị ta mua bán, kết cục chung sẽ là cái án tử hình lủng lẳng trên đầu. Nhưng, trong tận cùng của bi kịch, Ly Thị Mai hạnh phúc khi biết mình có bầu với người đàn ông kia và đứa trẻ sẽ cứu rỗi cuộc đời Mai.
Quả đúng như “tiên liệu”, Mai bảo: “Khi tới phiên toà xét xử tội trạng của em, em tự tin lắm vì biết chắc mình không phải chết. Chỉ cần được sống, được nhìn con em chào đời là em mãn nguyện rồi”. Ly Thị Mai bị toà tuyên án chung thân với tội danh mua bán trái phép chất ma tuý.
Ngay sau khi toà tuyên án, có một người đàn bà trẻ tuổi bật khóc hu hu như trẻ lên 3 vì hạnh phúc. Được sống, đã là hạnh phúc nữa là Ly Thị Mai, có cơ hội sống và đón nhận những vi cảm tinh tế của một người đàn bà lần đầu làm mẹ trong một môi trường đặc biệt: trại giam.
Kiếp này cũng không chuộc được hết tội lỗi với con gái
Vài tháng sau, Ly Thị Mai được chuyển xuống trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) cải tạo. Những tháng đầu bụng mang dạ chửa, Mai bị nghén, hễ ăn vào là nôn, ngửi thấy mùi thức ăn là nôn nao ruột gan.
Nhưng, được sự quan tâm và tận tình giúp đỡ của các cán bộ quản giáo, Ly Thị Mai được chăm sóc, và ưu tiên rất nhiều trong lao động. Ở trong tù đã thiếu thốn, nhưng ôm bụng bầu ở trong tù lại càng thấm thía cái thiếu thốn gấp bội.
Có bất chợt thèm thứ quả chua giòn cứng lưỡi giữa đêm khuya cũng chỉ có thể nuốt nước bọt trằn trọc ngủ vùi trong giấc mơ cho qua cơn thèm khát. Có đau lưng, đau chân cũng chỉ có thể nhờ chị em cùng buồng giam thương tình xoa bóp cho chút ít vào lúc rảnh rỗi sau những giờ lao động.
Nhưng, Mai sợ nhất là giọt máu Mai đang mang trong bụng không đủ chất để sinh trưởng, phát triển bình thường do thiếu chất. Kể về những ngày gian khó đó, Ly Thị Mai rơm rớm nước mắt, rồi khẽ nhoẻn miệng cười, hào hứng kể về cái ngày cô con gái nhỏ chào đời.
Mai đặt cho con một cái tên rất dịu dàng, nữ tính: Lê Thị Huyền Thương với mong ước, khi lớn khôn, con gái của Mai sẽ trở thành một cô gái hiền lành, giàu lòng nhân ái, yêu thương con người, không bao giờ đi vào vết xe đổ của mẹ.
Đối với trái tim một người mẹ, đứa con luôn là điều tuyệt vời nhất tạo hoá ban tặng cho. Mai thấy mình trẻ ra sau khi sinh con, đó không phải là sự trẻ trung về hình thức mà là sự trẻ trung, phóng khoáng trong tâm hồn.
Mai học hát những bài hát ru, những làn điệu dân ca của núi rừng quê hương – những thứ Mai tưởng như xa lạ đối với bản thân. Mai cười nhiều hơn, lúc nào cũng rạng rỡ nụ cười trên môi, thì thầm trò chuyện với con gái cả ngày không biết chán.
Gương mặt thánh thiện của con, đôi mắt to tròn đen láy nhìn mẹ mỗi lần trò chuyện đều khiến lòng Mai se sắt lại.
Mai kể: “Nếu là một người mẹ tốt, em đã tạo dựng cho con gái chào đời và lớn lên trong một môi trường tốt. Có thể không thể đầy đủ về vật chất, nhưng cũng được tự do làm tất cả những điều thứ mà một đứa trẻ yêu thích.
Con em tập đi, cháu mon men từng bước trong căn phòng nhỏ. Đi một loáng đã hết buồng giam, cháu ngơ ngác quay lại nhìn em. Lúc ấy, em ao ước được đưa con ra bầu trời rộng lớn, được tự do chạy nhảy, vui đùa biết bao.
Là mẹ, ai chẳng muốn được ở bên cạnh con, nâng giấc cho con từng ngày, nhưng không thể vì đó mà em tước đoạt tuổi thơ của con được. Khi con gái gần 3 tuổi, em đành gửi con về nhờ ông bà ngoại và chị gái nuôi giúp.
Lúc con gái đi, cháu khóc nhiều, đưa bàn tay chới với về phía em gọi “mẹ”, nếu không kiềm chế được lòng, có lẽ em đã lao tới ôm và giữ con ở lại.
Thời gian thấm thoắt trôi đi thật nhanh. Con gái xa em cũng đã hơn 3 năm. Điện Biên quá xa xôi, đi lại tàu xe cũng tốn kém, mà cháu lại còn nhỏ, nên có một lần duy nhất gia đình xuống thăm, con gái không xuống cùng được.
Bố mẹ em mang xuống cho em vài tấm ảnh của con. Thú thật, em đã sững người khi nhìn chân dung đứa nhỏ ở trong tấm hình. Nó hệt như một thiên thần nhỏ, xinh xắn, tóc tơ mượt, da trắng hồng và ra dáng người lớn lắm. Cầm ảnh, em bật khóc ngay trong phòng thăm gặp, càng ngẫm càng tủi…”.
Con gái xa mẹ khi chưa tròn 3 tuổi, giờ đã chập chững cắp sách tới trường, chắc hẳn trong ý niệm của con gái Mai, hình ảnh về mẹ không còn rõ ràng, rành rọt. Mai biết điều ấy, và không thể trách bất cứ điều gì.
Điều Mai trách là bản thân mình đã bị đồng tiền làm cho mờ mắt dụ dỗ Mai bước chân vào con đường tội lỗi. Mai không sợ khổ, thiếu thốn, nghèo đói, vì những cái đó song hành cùng chị từ tấm bé.
Điều duy nhất khiến Mai sợ là sự xa cách giữa mẹ và con gái. Nó đã đủ tội nghiệp khi là đứa trẻ không có cha thừa nhận, lại thêm người mẹ tù tội không biết ngày về, Mai nức nở.
Án chung thân, một mức án chẳng hẹn ngày về, một màu mờ ảo, xa xôi về tương lai phía trước là nỗi kinh sợ của bất cứ tù nhân nào. Mai thầm thì:
“Con gái em bây giờ còn nhỏ, nhưng chỉ vài năm nữa thôi, nó sẽ trở thành một thiếu nữ, cần biết bao sự chỉ bảo, trò chuyện, định hướng của người mẹ.
Không rõ khi biết nghĩ rồi, con sẽ cảm giác thế nào khi trong tờ giấy khai sinh ghi nơi sinh là trại giam? Liệu con có xấu hổ với chúng bạn không? Liệu vì đó mà con giận hờn và ghét bỏ người mẹ tội lỗi này không?”.
Có quá nhiều lo âu, trăn trở đeo đẳng Mai, hơn hết thảy, đó là bản án lương tâm Ly Thị Mai đối diện mỗi ngày, nhắc nhở về những sai lầm, tội lỗi Mai đã gây ra.
Nhưng, theo một tinh thần tích cực, Ly Thị Mai hi vọng, bản thân cải tạo tốt, biết đâu, có một ngày Mai được hưởng chính sách khoan hồng của Pháp luật, mức án chung thân của chị được bẻ khung xuống mức án số nào đó…
Là Mai mơ ước thế, nhưng còn mơ ước nghĩa là còn biết phấn đấu, biết hướng thiện, hi vọng có một ngày được trở về ôm chặt đứa con gái bé bỏng.
- Du Mục