Theo Ngân hàng nhà nước, tiền lẻ chủ yếu được người dân dùng đi lễ chùa, có chùa sau Tết thu lượng tiền lẻ lên tới 6 tỷ đồng. Hiện tại, tiền lẻ mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng đang chật cứng trong kho tiền các ngân hàng thương mại nhưng không thể đưa vào lưu thông.
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết như vậy khi trao đổi về phương án chuẩn bị tiền mặt thanh toán, chi trả dịp Tết. Theo ông Tú, những năm trước, còn nhiều ý kiến về khan hiếm tiền lẻ nhưng năm nay thì không, toàn bộ cơ cấu mệnh giá hoàn toàn đáp ứng đủ.
Tuy nhiên, theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước đang gặp phải một bất cập mà chưa giải quyết được. Hiện tại, lượng tiền lẻ chủ yếu là mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng đang chật cứng trong kho tiền các ngân hàng thương mại nhưng không thể đưa vào lưu thông.
Tiền lẻ chủ yếu được người dân dùng đi lễ chùa, có chùa sau Tết thu về tới 6 tỷ đồng tiền lẻ. Ảnh Internet. |
Về đường đi của tiền lẻ, ông Tú nói, người dân có thói quen dùng tiền mệnh giá nhỏ (từ 2000 trở xuống) hoàn toàn mới để đi lễ chùa, số lượng rất lớn. Sau đó, từ chùa lại quay về ngân hàng và không thể nào đưa ra lưu thông được do nhu cầu thanh toán trong dân không cần nhiều.
Sau Tết âm lịch năm 2012, chỉ một chùa trong hệ thống chùa Hương mà lượng tiền lẻ lên tới 6 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này hầu hết là tiền mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng... mới đưa vào lưu thông lần đầu, được nhà chùa nêm cứng vào thành bao tải, sau đó chất đầy trong kho và phải nhờ cả bộ máy ngân hàng Agribank chi nhánh Hoài Đức (Hà Nội) kiểm, đếm suốt mấy tuần mới xong.
“Nhiều năm Ngân hàng Nhà nước in tiền lẻ mới, mất nhiều công sức, tốn kém nhưng sau khi đưa vào lưu thông thì lại quay về kho. Chúng tôi đẩy vào các ngân hàng thương mại buổi sáng thì buổi chiều họ lại trả về Ngân hàng Nhà nước”, ông Tú nói.
Hiện tại, các kho ngân hàng đầy ắp tiền 500 đồng, không tiêu được và không đủ chỗ để chứa. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa biết giải quyết như thế nào vì không đưa ra lưu thông được, cũng không tiêu hủy được do tiền đang còn mới, chỉ qua sử dụng một vài lần.
“Vì lý do này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh một số địa phương có đề xuất là hạn chế in vì tốn kém chi phí tiền in, nguyên vật liệu, vận chuyển, kiểm đếm... nhưng hiệu quả không cao”, ông Tú khẳng cho biết thêm.
P.V (lược theo VnEconomy)