Triệu chứng, biểu hiện của bệnh bụi phổi atbet (amiăng)
Những triệu chứng lâm sàng bụi amiăng
* Khó thở khi gắng sức là triệu chứng sớm nhất, gần như hằng định, và luôn luôn là triệu chứng trầm trọng nhất của bệnh bụi amiăng.
* Kèm theo có ho kéo dài, có thể do co thắt phế quản, và khạc đàm.
* Có thể có khò khè, ít gặp cảm giác ép ngực.
* Các ran thường có ở hai bên phổi, từ cuối cho đến toàn thì hít vào, nghe rõ nhất ở vùng đáy phổi, phía sau và không mất khi ho.
* Ngón tay dùi trống..Triệu chứng cận lâm sàng:
* Trong bệnh bụi amiăng, phim X-quang lồng ngực trước-sau tiêu chuẩn cho thấy những hình mờ lưới-nốt hai bên, chiếm ưu thế ở những vùng phổi dưới, có hoặc không kèm theo dày màng phổi .
Phân loại X-quang Quốc tế về Bệnh Bụi phổi năm 1980 của Tổ chức Lao động Quốc tếá (ILO) đã trình bày những đề mục cho việc đọc phim X-quang bệnh bụi amiăng; tuy nhiên, việc thiếu những bằng chứng rõ ràng vẫn không loại trừ được chẩn đoán. Một số nghiên cứu bệnh học lâm sàng đã chứng minh bệnh bụi amiăng trên sinh thiết phổi ở 10 – 20% bệnh nhân có hình ảnh X-quang lồng ngực bình thường.
* Chụp cắt lớp điện toán với lát cắt mỏng, độ phân giải cao (HRCT) có thể cung cấp những bằng chứng khách quan về bệnh mô kẽ trên các đối tượng có X-quang lồng ngực bình thường, hoặc nghi ngờ, hoặc có bất thường nhu mô nhẹ.
Điều trị bệnh bụi phổi amiăng:
+ Là bệnh gây tổn thương xơ hóa lan tỏa không hồi phục ở phổi, do vậy điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng như tập hít thở ở môi trường không khí sạch, điều trị các biến chứng của bệnh như suy tuần hoàn, hô hấp…
+ Ngừng tiếp xúc với bụi amiăng tại nơi làm việc là biện pháp cần áp dụng khi mắc bệnh, tuy nhiên tổn thương xơ hóa phổi vẫn có thể tiếp tục tiến triển sau nhiều năm ngừng tiếp xúc.
Ngoài bệnh bụi phổi, tiếp xúc với amiăng có thể gây ra một số bệnh khác:
+ Gây ra các tổn thương ở phổi như tràn dịch, viêm dày dính, vôi hóa màng phổi có thể dẫn đến gây xẹp phổi.
+ Ung thư phổi: Các nhà khoa học đã chứng minh, tiếp xúc với amiăng làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, nhất là ở những người có kèm theo hút thuốc lá.
+ Ung thư trung biểu mô: Tiếp xúc với amiăng có thể gây ung thư màng phổi, ung thư màng bụng…
Một số điều cần lưu ý dành cho người bị bệnh bụi phổi
Người lao động sau khi mắc bệnh bụi phổi và được đánh giá là suy giảm sức lao động nhưng không suy giảm quá mức thì họ có thể chuyển sang những công việc không đòi hỏi sức lao động nhiều, ví dụ như chuyển sang làm các công việc gián tiếp để giảm thời gian tiếp xúc chất ô nhiễm. Ngoài ra, việc quay lại môi trường bụi thì không được khuyến khích.