Những ’dị nhân’ có 1 không 2: Thần đồng như không xương

( PHUNUTODAY ) - Danh hiệu “thần đồng” uốn dẻo tí hon từ lâu đã được người dân Vĩnh Long dành tặng cho 2 bé gái có khả năng độc đáo nơi đây.

Danh hiệu “thần đồng” uốn dẻo tí hon từ lâu đã được người dân Vĩnh Long dành tặng cho 2 bé gái có khả năng độc đáo nơi đây.

 Treo ngược người bằng hai chân rồi co quắp thân hình lại, thậm chí luồn đầu qua 2 chân 1 cách dễ dàng, hoặc bẻ cong người như cánh cung và nhiều động tác uốn dẻo độc đáo khác.

Đó là khả năng kỳ lạ của bé Võ Ngọc Thu Thảo (6 tuổi) ở xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn.

Tương tự, bé Biện Nguyễn Thúy Quỳnh, (10 tuổi) ở phường 5, TP. Vĩnh Long cũng có thân hình dẻo dai kỳ lạ như không hề có xương sống ngay từ khi lên 3 tuổi.

Cứ tưởng con bị dị tật hay bệnh hoạn

Nghe nhiều người đồn đại về khả năng uốn dẻo vô cùng độc đáo và khác thường của hai “thần đồng” tí hon, chúng tôi không ngại vượt hàng trăm cây số đi tìm hiểu.

Phải băng qua những con đường quê đầy đá và đá lởm chởm, bụi mịt mù trong cái nắng trưa gay gắt của xứ miền Tây với hàng giờ phóng xe máy như bay mà vẫn chưa tới nơi.

Con “ngựa sắt” của chúng tôi nhiều phen nhảy lồng lộn vì bất ngờ phải “phi” qua các “ổ voi”, đá nhọn trên đường về huyện Trà Ôn.

Đến quê hương của danh ca nổi tiếng “Út Trà Ôn” trong bản tình ca sống mãi với thời gian “Tình Anh Bán Chiếu” khi trời đã xế chiều, quần áo ướt sũng mồ hôi và mệt lả người.

Dừng chân ở quán giải khát bên đường, chúng tôi hỏi đường tìm về xã Nhơn Bình, nơi “thần đồng” uốn dẻo Võ Ngọc Thu Thảo và gia đình đang sinh sống.

“Từ trung tâm huyện này đến đó còn hơn 30 km nữa. Con bé này nổi tiếng với tài uốn dẻo như diễn viên xiếc à nghen, ở đây ai cũng biết. Nhiều nhà báo ở khắp nơi tìm đến kiểm tra, viết bài, rồi đài truyền hình làm phóng sự rần rần” -ông chủ quán vừa nói vừa chỉ đường cho chúng tôi. Leo lên con “chiến mã” chúng tôi lại tiếp tục hành trình.
    
Qua nhiều cây cầu già nua và hẹp, rồi rẽ phải, rẽ trái mấy phen mà vẫn chưa tới nơi cần tới. Chúng tôi thầm nghĩ bụng “cao nhân bất lộ tướng” và hay ở nơi “thâm sơn, cùng cốc”, khó tìm như thế.

May mắn là khi chúng tôi dừng lại hỏi thăm thì gặp ngay anh Võ Văn  Lãm – cha của bé Võ Ngọc Thu Thảo. Anh Lãm vui vẻ đưa chúng tôi về nhà và gọi bé Thu Thảo ra biểu diễn.

Đó là một bé gái có gương mặt rất xinh, lanh lẹ, thông minh và ngoan ngoãn. Khi chúng tôi yêu cầu cô bé biểu diễn các màn uốn dẻo, đôi mắt Thu Thảo tròn xoe, sáng long lanh tỏ vẻ phấn khích.

 Anh Võ Văn Lãm, can lại, bảo là cô bé mới đi học về hãy vào nhà ăn cơm và thay quần áo rồi biểu diễn sau.

Trong khi chờ đợi, chúng tôi cùng anh Võ Văn Lãm chuyện trò xung quanh khả năng đặc biệt của cô bé.

 Anh Lãm cho biết, lúc mới sinh ra, bé Thu Thảo cũng bình thường như bao nhiêu đứa trẻ khác. Nhưng đến khi 5, 6 tháng tuổi mà mình mẩy con bé vẫn “mềm nhũn” và không thể tập ngồi.

Anh Võ Văn Lãm và vợ đã vô cùng lo lắng vì cứ tưởng con gái bị dị tật hay bệnh hoạn gì nghiêm trọng lắm. Bởi cả ngày con bé cứ nằm uốn éo, lăn lộn mà không hề biết trườn, tập ngồi mãi vẫn không được.

 Nhưng lúc đó hoàn cảnh gia đình cũng còn khó khăn nên anh Lãm không thể đưa con đi bệnh viện khám, chữa ngay được.

Đến khi tròn 1 tuổi thì bé Thu Thảo có tiến triển hơn chút ít; nghĩa là cô bé vẫn phát triển bình thường, biết ăn dặm và bú mẹ nhiều hơn. Lúc này cô bé đã biết ngồi nhưng lại không biết tập đi.

“Vợ chồng tôi đứng ngồi không yên, không biết con nhỏ có bệnh gì không nên đưa đi bác sĩ trên tỉnh khám. Bác sĩ nói con bé vẫn bình thường, không bệnh hoạn gì cả.

 Vậy mà về mấy tháng sau nó vẫn không biết đi. Không yên tâm, vợ chồng tôi lại khăn gói ôm con lên TP.HCM khám lại cho chắc ăn.

Bác sĩ ở đây cũng khẳng định cơ thể bé Thu Thảo vẫn phát triển bình thường. Vậy là chúng tôi lủi thủi ra về mà lòng vẫn còn lo lắng lắm” - anh Võ Văn Lãm tâm sự.

Anh còn cho biết, kể từ sau cái lần đi khám bệnh trở về nhà, bé Thu Thảo càng có biểu hiện khác lạ. Chẳng hạn như khi nằm bú mẹ, con bé cứ uốn éo liên tục, co tay, co chân hoặc dùng tay kéo chân lên tận đầu mà cứ cười khanh khách.

Những khi bú sữa là cô bé tỏ vẻ vô cùng phấn khích, nằm vắt vẻo đủ tư thế, thậm chí uốn người co gập lại như vòng tròn mà không hề có biểu hiện đau đớn.

Có khi buổi tối đang ngủ, vợ anh Lãm giật mình thức giấc rồi tá hỏa gọi chồng vì “con bé vắt chân lên vai nó nằm ngủ khò khò”.

Anh Võ Văn Lãm cho biết, lần đầu tiên bị vợ dựng dậy giữa đêm khuya, nhìn thấy chân bé Thu Thảo (lúc này chưa tròn 2 tuổi) vắt trên vai ngủ ngon lành, anh đã vô cùng hoảng hốt.

Anh Lãm tưởng là chân của con gái bị kẹt … trên đầu nên nhẹ nhàng nhấc chân bé cho về vị trí bình thường vì sợ con đau.

Nhưng anh lại nói “Vậy mà đến sáng lại thấy cái chân của con bé nằm vắt trên vai như hồi nửa đêm vậy.

Mỗi đêm nó ngủ một tư thế khác nhau, mà tư thế nào cũng làm vợ chồng tôi … choáng váng.

Ví dụ như, buổi sáng hôm đó thức dậy, nhìn qua thấy con bé nằm xấp mà hai chân thì xếp chéo lại dưới bụng. Con bé cứ duy trì cách ngủ kỳ lạ như thế cho đến khi hơn 2 tuổi, lúc nó biết đi thì lại có các “trò” quái lạ khác”.

Tương tự, trường hợp của “thần đồng” uốn dẻo Biện Nguyễn Thúy Quỳnh cũng đã làm cho ông bà, cha mẹ bé toát mồ hôi hột.

Bà Phạm Thị Sương, nội bé Thúy Quỳnh cho biết, từ lúc sinh đến giáp thôi nôi (12 tháng) thân hình bé mềm nhũn như không hề có xương.

“Bé nằm bú mẹ mà tay thì luồn qua lưng nó một cách dễ dàng. Ban đầu tôi không biết, khi thấy tay cháu gái bị thân mình nó đè lên tôi đã mắng con dâu vô ý, bất cẩn không coi sóc con cái đàng hoàng.

Nghe tôi mắng, con dâu tôi cũng hoảng hốt vội đỡ con bé lên rồi cho nằm lại tư thế đàng hoàng. Nhưng cứ một lúc sau là bé Thúy Quỳnh cứ co tay, kéo chân vòng lên cổ” - bà Phạm Thị Sương kể.

Thấy tay chân, mình mẩy con cứ dẻo quặt, yếu ớt, chị Nguyễn Thanh Thúy, mẹ bé Quỳnh đã thúc giục chồng là anh Biện Công Đoàn đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 tại TP.HCM khám.

Tuy bác sĩ cho biết, bé Thúy Quỳnh không hề có bệnh hay dấu hiệu bất thường nhưng gia đình anh Đoàn vẫn hoang mang.

Mãi đến gần 24 tháng, bé Thúy Quỳnh mới chập chững tập đi những bước đầu tiên. Và phải nhiều tháng sau cô bé mới đi đứng vững vàng. Kể từ khi biết đi, bé Thúy Quỳnh lại bộc lộ khả năng trời phú cho biệt tài uốn dẻo.

Uốn dẻo như diễn viên xiếc chuyên nghiệp

Càng ngày, bé Thúy Quỳnh càng thể hiện rõ năng khiếu uốn dẻo đại tài. Bà nội bé Thúy Quỳnh nhớ lại, trước đây khi mới lên 3 tuổi đang chơi đùa với những đứa trẻ khác ngoài sân, bé Thúy Quỳnh bỗng dưng nổi hứng biểu diễn những màn uốn dẻo lạ kỳ.

Có lẽ do tiếng nhạc rộn rã đã làm cô bé háo hức biểu diễn không biết mệt.

Bà Phạm Thị Sương nhớ lại  “Đang đứng chơ tự nhiên nó ngã ngửa người rồi từ từ hai tay chạm ngược vào gót chân, thân hình co quắp làm ai cũng thấy ngạc nhiên. Mấy đứa trẻ khác thấy vậy vỗ tay tán thưởng, reo hò.

Có đứa tinh nghịch bắt chước làm theo nhưng bị té ngã tức khắc. Những người trong xóm thấy vậy cũng đến xem chật kín một khúc đường.

Người này kêu bé thi triển kiểu này, người khác yêu cầu làm kiểu khác. Kiểu nào con bé cũng làm được dễ dàng.

Bởi vậy, ở xóm nhiều người ta gọi bé Thúy Quỳnh là “thần đồng” uốn dẻo tí hon, vì lúc đó nó mới chừng 3 tuổi”. Anh Biện Công Ðoàn thổ lộ, Thúy Quỳnh có thói quen cũng hết sức khác thường.

Đó là bé nằm ngủ rất nhiều tư thế, mỗi đêm lại thấy một tư thế nằm khác nhau. Nhưng thường nhất là Thúy Quỳnh nằm dang 2 chân thẳng 180 độ rồi ngủ ngon lành như đang biểu diễn.

Hoặc con bé ngủ trong tư thế nằm đè ngực lên hai cánh tay vắt chéo, ngáy khò khò. Lúc đầu khi vợ chồng anh Đoàn chưa phát hiện khả năng uốn dẻo trời phú của con gái nhỏ nên cứ nơm nớp lo sợ con bị té ngã vì thân hình mềm yếu.

Bé Biện Nguyễn Thúy Quỳnh biểu diễn uốn dẻo.
Bé Biện Nguyễn Thúy Quỳnh biểu diễn uốn dẻo.


 Anh Đoàn kể lại cái lần bé Thúy Quỳnh nằm ngủ trên giường nhưng do hiếu động lại thích vặn vẹo, lăn lộn nên té từ trên giường xuống đất.

Vợ chồng anh vội chạy đến đỡ con thì hoảng hốt vì một chân bé bị kẹt trong thanh giường, uốn cong như cánh cung.

Cả nhà lo sợ Thúy Quỳnh bị gãy chân nhưng khi mọi người vừa gỡ được chân bé ra khỏi thanh giường, thì em đứng phắt dậy chạy nhảy bình thường.

Từ đó, cô bé lại có thêm tư thế uốn dẻo mới: “một chân làm trụ, hai tay chống đất và chân còn lại co quắp ra tới tận đầu”, giống y như tư thế lúc em bị té ngã. Bây giờ Thúy Quỳnh gọi kiểu này là uốn dẻo “Trung Quốc”.

Bé Thúy Quỳnh tỏ ra rất dạn dĩ, không ngại người lạ mặt hay đám đông. Anh Biện Công Đoàn cho biết, lúc bé lên 5-6 tuổi, anh chở qua công viên Lưu Hữu Phước ở TP. Cần Thơ chơi. Đứng giữa công viên đông người mà hễ nghe tiếng nhạc xập xình là Thúy Quỳnh bắt đầu uốn éo, vặn vẹo.

Tuy nhiên, do tuổi nhỏ và năng khiếu bộc phát tự nhiên nên dù thân hình dẻo như không có xương nhưng Thúy Quỳnh vẫn bị hạn chế là không biết uốn các tư thế đẹp, lạ.

Thế nhưng khi xem ti vi, các chương trình xiếc nước ngoài thấy các diễn viên uốn thế nào là cô bé làm theo thế ấy và làm rất giống.

Thúy Quỳnh lần lượt trổ tài với những kiểu cách khác nhau, như: choàng tay qua gáy rồi dùng bàn tay bịt miệng; ngồi thẳng chân cúi mặt sát đầu ngón chân; ngồi bẹp, dùng chân gãi đầu; ngồi thẳng, dang thẳng chân, đầu nghiêng chạm sát một bàn chân; đứng dựa tường đưa thẳng chân lên đầu; quỳ, một chân đưa thẳng lên rồi cho bàn chân chạm đầu tóc; ngồi úp mặt xuống chiếu, hai chân dang thẳng, hai tay chỏi lưng; nằm dang thẳng hai chân, hai tay xuôi xuống gối; cúi gập người lòn đầu qua hai chân.

 Anh Ðoàn vừa một tay đỡ lưng Thúy Quỳnh vừa bảo bé cong người đầu chạm chân, thành hình chữ U ngược. Với một động tác nhẹ nhàng, Thúy Quỳnh hoàn thành điều này dễ dàng.

Nhưng hấp dẫn nhất là màn Thúy Quỳnh nằm ngửa, hai bàn tay đặt úp sát chiếu từ từ lật ngửa rồi “vặn” úp mặt bàn tay xuống chiếu trở lại thành 360 độ, hai tay bé vặn vẹo giống như chiếc bánh quai chèo.

Bà Phạm Thị Sương, nội bé Quỳnh đắc chí: “Xương nó như là cọng dây chì muốn uốn sao cũng được. Mà cũng lạ, cả nhà, cả dòng họ có ai làm nghề xiếc hay có năng khiếu uốn dẻo đâu, tự nhiên con bé này lại có khả năng kỳ lạ.

Không chỉ có mình nó đâu, thằng em trai con Quỳnh là Biện Công Tuấn Đạt mới 3 tuổi mà cũng dẻo như chị nó.

Mỗi lần thấy chị Thúy Quỳnh biểu diễn là Tuấn Đạt cũng diễn theo. Nhưng nói gì thì nói, thằng Tuấn Đạt không dẻo bằng chị nó”.

Hỏi Thúy Quỳnh sao thực hiện được những động tác khó như vậy, có học ai không, bé cười nói: “Hổng có đâu, tự nhiên con muốn rồi làm được vậy hà.

 Tại con thích uốn dẻo và làm nhiều hơn. Nhất là con bắt chước được nhiều động tác uốn dẻo “Trung Quốc” trên ti vi. Hổng có gì khó, họ làm được thì con làm được”.

Còn “thần đồng” uốn dẻo Võ Ngọc Thu Thảo như nói ở trên cũng có bản lĩnh không thua kém. Năm lên 3 tuổi, Thu Thảo đã bộc lộ rõ khả năng độc đáo của mình.

Mặc dù khi đó bé chưa ý thức được nhiều hành động của mình nhưng nhiều động tác uốn dẻo tự phát đã được bé thực hiện.

Bé Thu Thảo rất thích những tư thế nằm gấp hai chân phía dưới lưng, ngửa mặt lên trời. Nhiều lúc cô bé ngủ hàng giờ liền với tư thế đó.

Đến khi thức giấc, thay vì lăn qua hoặc lồm cồm ngồi dậy như bao nhiêu đứa trẻ khác thì Thu Thảo lại dùng hai cánh tay đưa lên khỏi đầu rồi đẩy phần trên người từ từ cất cao lên, sau đó lại uốn cong trở lại đến khi đầu đụng vào chân. Chỉ như thế cô bé mới chịu đứng phắt dậy đi rửa mặt.

Động tác uốn dẻo của “thần đồng” Biện Nguyễn Thúy Quỳnh, thân hình và chân như một cánh cung.
Động tác uốn dẻo của “thần đồng” Biện Nguyễn Thúy Quỳnh, thân hình và chân như một cánh cung.


Nhiều người ở xóm đã quá quen thuộc với động tác này của Thu Thảo mỗi khi thức giấc nên họ nói đó là bài thể dục để tỉnh ngủ của “thần đồng” uồn dẻo tí hon này.

Khả năng trời phú của Thu Thảo càng nổi bật hơn khi cô bé lên 4, lên 5 tuổi. Không như những đứa trẻ bình thường khác, Thu Thảo lại thích chơi đùa trên … cây.

Thấy sở thích kỳ lạ của con gái, anh Võ Văn Lãm không nói nên lời và cùng không la rầy con được. Bởi vì cô bé chưa bao giờ bị té khi đánh đu trên những cành cây vắt vẻo hay bị trượt chân té ngã.

 Anh Võ Văn Lãm cho biết, lúc đầu cả nhà ai cũng sợ xanh mặt vì Thu Thảo khoái cái trò đánh đu, treo người trên cây.

Sợ cháu nội gặp nguy hiểm, ông nội của bé Thu Thảo đã kêu con trai phải đốn hạ những cây lớn quanh nhà để con bé không có … chỗ chơi đùa. Thế nhưng anh Võ Văn Lãm không chịu đốn cây vì nghĩ có lẽ con gái anh không đến nỗi “ghiền” leo cây, đánh đu đến vậy.

Nhưng nhiều lần chứng kiến cảnh cháu nội gái của mình cứ nhảy, cứ trèo rồi treo người lơ lửng trên những cành cây trước sân, sau nhà, ông nội bé đã “tức” … xanh mặt, bèn kêu thợ cưa đến đốn hạ một loạt nhiều cây to.

Tuy nhiên, điều đó cũng không ngăn cản được bản tính hiếu động của “thần đồng” nhí này. Không có cây gần nhà, cô bé lại tìm đến những cây xa xa nhà, khuất mắt ông nội để chơi đùa, trong khi đám trẻ cùng trang lứa của cô bé thì chỉ biết đùa vui dưới đất.

Vậy mà cũng có lần “thần đồng” nhí bị vuột tay té ngã từ cây cây xuống đất khi đang làm trò khỉ cho lũ trẻ trong xóm coi chơi.

Anh Võ Văn Lãm hoảng hốt, vội lao tới đỡ con gái dậy thật nhanh để cho ông nội bé không kịp nhìn thấy. Kỳ lạ thật, thay vì cô bé phải than khóc hoặc kêu ca bị té đau, đằng này Thu Thảo lại tỉnh rụi và cười chí chóe.

Anh Lãm không giấu được vẻ lo lắng: “Vì lo sợ con bé gặp nạn, bị té ngã khi đánh đu trên cây nên tôi luôn để mắt tới con, không lúc nào rời. Dù biết trò chơi nguy hiểm nhưng cứ vừa rầy la được một lúc nó lại tái diễn.

Không phải vì bé quá lỳ lợm, mà vì bản năng uốn dẻo trời phú thôi thúc một đứa bé đang tuổi học hỏi tập tành, lại thêm nhiều người lớn, trẻ nhỏ khác cứ nài nỉ, kêu Thu Thảo diễn cho họ xem.

Thấy con bé vuột tay rơi từ cành cây xuống là tôi lao ra ngay mà không chụp kịp.

Tư thế tiếp đất của Thu Thảo là phần vai và tay trái chúi nhũi xuống đất. Tôi cứ nghĩ con mình sẽ bị gãy tay là cái chắc nhưng không ngờ khi đỡ dậy, bé vẫn khỏe re như không có chuyện gì”.     

“Thần đồng” nhí Võ Ngọc Thu Thảo cho biết, em có thể làm được rất nhiều động tác uốn dẻo khó khăn của những diễn viên uốn dẻo chuyên nghiệp như: cúi gập người luồn đầu qua hai chân, đứng một chân còn chân kia co lên chạm đầu, bẻ cong thân mình như cánh cung.

“Nhưng trò mà con yêu thích nhất là đánh đu trên cây. Con có thể treo ngược người bằng 2 chân rồi gập đầu luồn qua hai chân.

Hết treo bằng chân, con đổi sang treo cả người lủng lẳng bằng một cánh tay nắm chặt cành cây.

Lúc con đi học, mấy bạn trong lớp biết con có thể uốn dẻo được nên cả bạn học lẫn cô giáo đều yêu cầu con diễn cho xem. Diễn thì diễn, mấy động tác này con làm hoài, dễ ợt” -  bé Thu Thảo hồn nhiên kể.
    
Nguy cơ mai một những tài năng

Qua câu chuyện trao đổi với chúng tôi, anh Võ Văn Lãm, ba của “thần đồng” uốn dẻo tí hon Võ Ngọc Thu Thảo vẫn tỏ vẻ ưu tư.

Anh Lãm nói, mặc dù mỗi ngày nhìn thấy con gái cứ đánh đu, đùa giỡn trên cây hoặc làm những động tác uốn éo, vặn vẹo đầy nguy hiểm, vợ chồng anh không khỏi lo âu.

Nhưng biết bé Thu Thảo rất ham thích nghệ thuật uốn dẻo và thường xuyên tập luyện nên anh cũng bấm bụng với mong muốn con gái được học hành, tập luyện ở một trường học hay trung tâm nào dành cho những trẻ như Thu Thảo.

 “Nhưng mà nhà tôi không khá giả gì, chỉ đủ ăn đủ xài, lại ở trong quê xa xôi nên mơ ước của con đành gác lại. Tôi không có điều kiện để tự cho bé Thu Thảo được luyện tập và phát huy khả năng uốn dẻo trời phú.

Mà nếu có điều kiện đi chăng nữa, vợ chồng tôi cũng không biết trường nào dạy những môn này. Con bé mê làm diễn viên uốn dẻo, diễn viên xiếc lắm.

Mỗi lần thấy trên ti vi chiếu các tiết mục này là Thu Thảo mừng rỡ, xem từ đầu đến cuối một cách chăm chú rồi học làm theo, chứ ở nhà vợ chồng tôi có biết gì đâu mà dạy bé”, anh Võ Văn Lãm tâm sự.

Nhiều người hàng xóm của gia đình bé Thu Thảo cho hay, ba mẹ và ông bà nội- ngoại bé đều bị cô bé thuyết phục bằng những động tác uốn dẻo tài tình.

Ban đầu thấy bé Thu Thảo chơi đùa, đánh đu trên cây là từ ông nội đến ba mẹ bé đều la hét, đòi đánh đòn vì sợ bé gặp nguy hiểm.

Còn bây giờ thì chuyện đó đã trở nên quá quen thuộc với người trong nhà và cả cái xóm Ba Chùa ở xã Nhơn Bình. Nhiều người trong xóm còn khuyên anh Võ Văn Lãm đăng ký cho bé Võ Ngọc Thu Thảo tham gia cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” đang diễn ra.

Theo những người này đánh giá, thì từ đầu cuộc thi “tìm kiếm tài năng Việt Nam” đến nay không thấy có thí sinh uốn dẻo nào.

Cho nên khả năng kỳ lạ và độc đáo của một bé gái 6 tuổi như Thu Thảo chắc chắn sẽ làm hài lòng Ban giám khảo.

Tuy nhiên, mong mỏi lớn nhất của anh Võ Văn Lãm là được cơ quan chức năng hay những người có chuyên môn về uốn dẻo hoặc loại hình thể dục, thể thao phù hợp với khả năng của con gái để hướng dẫn, dạy bé tập tành chuyên nghiệp.

“Thần đồng” uốn dẻo tí hon Võ Ngọc Thu Thảo với màn biểu diễn độc đáo treo người trên cây bằng hai chân.
“Thần đồng” uốn dẻo tí hon Võ Ngọc Thu Thảo với màn biểu diễn độc đáo treo người trên cây bằng hai chân.


“Nếu cứ để tài năng tự phát của bé mà không qua trường lớp đào tạo bài bản thì bé không thể phát huy hết tài năng được. Tôi lo sợ những khả năng kỳ lạ của Thu Thảo một ngày nào đó sẽ bị mai một, biến mất” - anh Võ Văn Lãm bộc bạch.

Tương tự, “thần đồng” uốn dẻo Biện Nguyễn Thúy Quỳnh bây giờ đã lớn hơn, hiện 10 tuổi và đang học lớp 4 tại TP. Vĩnh Long. Gia đình cho biết, những năm gần đây do chú tâm vào chuyện học nên Thúy Quỳnh ít biểu diễn các trò uốn dẻo.

Có lẽ chính vì vậy mà bây giờ một số động tác có thể làm cô bé hơi … nhăn mặt. Nhất là tư thế bẻ cong người ngã ngửa, cần phải có sự giúp sức của ba là anh Biện Công Đoàn.

 Chị Nguyễn Thanh Thúy, mẹ bé Thúy Quỳnh cho biết, năm bé 3 tuổi gia đình phát hiện khả năng uốn dẻo độc đáo đã đưa bé đến nhà văn hóa huyện gởi tập luyện uốn dẻo nhưng bị từ chối.

“Buồn quá, chúng tôi nghĩ chỉ có Trường Xiếc ở Hà Nội mới giúp thực hiện ước mơ này. Vợ chồng tôi liền lặn lội ra ngoài đó xin cho bé vào học nhưng họ từ chối, bảo khi nào bé đủ 11 tuổi mới nhận!

Một đứa bé có năng khiếu trời cho đặc biệt như thế mà không thể được học tập, rèn luyện trong môi trường chuyên nghiệp thì thật tiếc”, chị Nguyễn Thanh Thúy thở dài nói.

Anh Đoàn cũng không muốn tài năng của con mình mai một, nên dự định năm sau sẽ đưa Thúy Quỳnh sang một trường học nội trú ở TP. Cần Thơ để cô bé có thể vừa học văn hóa vừa học uốn dẻo để trở thành diễn viên uốn dẻo chuyên nghiệp.

Đó là mong muốn của không chỉ riêng Thúy Quỳnh mà là của tất cả ông bà, cha mẹ và người thân cô bé.  

  • Gia Bảo

[links()]

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn