Những giọt nước mắt rơi trong lễ Vu lan báo hiếu: "Ai còn cha còn mẹ thì vui lắm!"

11:55, Chủ nhật 19/08/2018

( PHUNUTODAY ) - Mỗi mùa Vu lan đến ta lại bắt gặp những hình ảnh xúc động vô cùng về những buổi lễ cài hoa trên áo. Dù người cài hoa đỏ hay hoa trắng thì họ vẫn chung những cảm xúc xúc động về công lao cha mẹ sinh thành...

Cứ tháng 7 Âm lịch hàng năm, khắp cả nước người dân lại có mặt tại nhiều ngôi chùa để tham dự lễ Vu lan báo hiếu. Đây cũng là dịp để nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn nhớ tới công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Lễ Vu lan báo hiếu tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng thuộc Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn - Hòa Bình) được tổ chức vào đêm ngày 18/8 với sự có mặt của hàng nghìn người với các nghi thức trang trọng, xúc động. 

Empty
Những giọt nước mắt khẽ rơi khi nhắc nhớ về cha mẹ

Những giọt nước mắt khẽ rơi khi nhắc nhớ về cha mẹ

Trước khi diễn ra nghi thức "bông hồng cài áo", người dân đã được nghe giảng về đạo làm con, về những khổ ải, vất vả của các đấng sinh thành đã hi sinh để nuôi dưỡng con cái... Rất nhiều người dù đã có tuổi nhưng trong giây phút này họ nhớ về người cha người mẹ đã khuất núi và những ký ức về tình yêu thương, sự bao dung che chở bất chợt ùa về.

Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến bậc sinh thành.

Bông hồng đỏ cho người còn mẹ, bông hồng trắng cho những ai không còn mẹ...

Bông hồng đỏ cho người còn mẹ, bông hồng trắng cho những ai không còn mẹ...

Với ý nghĩa đó, người Việt đến ngày Vu Lan đều cài một bông hoa hồng lên áo. Màu đỏ tượng trưng cho những ai còn mẹ, màu trắng tượng trưng cho những ai không còn mẹ.

Sau nghi thức lễ bông hồng cài áo là nghi thức thả đèn hoa đăng. Theo ý nghĩa của Phật giáo đối với nghi lễ này là cầu cho Quốc thái, dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc.

Đèn hoa đăng được thả là cầu cho an lành, hạnh phúc

Đèn hoa đăng được thả là cầu cho an lành, hạnh phúc

Tại chùa Bằng (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đúng 19h30 tối 18/8 (tức 8/7 Âm lịch), ngôi chùa nằm nép mình bên dòng sông Tô Lịch rực sáng ánh đèn. 

Nga (23 tuổi, quê Nam Định) bật khóc nức nở giữa hàng trăm tăng ni phật tử ngồi chắp tay tại chùa Bằng. Đây là lần đầu tiên cô có mặt tại đây vào một dịp lễ quá đỗi đặc biệt. Nga làm việc ở Hà Nội, còn bố mẹ cô lặng lẽ cuộc sống êm đềm ở quê. Nga không biết cách kiềm chế cảm xúc, cô cứ mặc nước mắt rơi. Lúc này, cô nhớ nhiều về cha mẹ mình.

Những người tới chùa Bằng, Hà Nội làm lễ

Những người tới chùa Bằng, Hà Nội làm lễ

"Mình rất xúc động. Trong giây phút đó, mình nhớ tới cha mẹ nên đã bật khóc. Mình cảm thấy có lúc đã làm bố mẹ buồn, mình không nghe lời và thực sự hối hận".

Những câu hát về tình mẹ nghĩa cha vang lên bao trùm cả không gian nhỏ. Nhiều người lặng lẽ lấy tay lau nước mắt. Tối hôm nay họ có quyền được khóc, được trải hết lòng mình về những đấng sinh thành, về cha, về mẹ.

"Con đã bỏ mặc mẹ cha đêm ngày cô đơn, hiu quạnh. Có phải con quá hờ hững, vô tâm lắm phải không?". Câu hỏi được phép bỏ ngỏ câu trả lời. Với mỗi cá nhân, ai cũng có đáp án của riêng mình.

"Bông hồng đỏ con cài áo hôm nay là cả một hành trang

Để con biết rằng mình hạnh phúc biết bao vì vẫn còn có mẹ

Mùa báo hiếu về rồi mẹ ơi, nơi này con lặng lẽ

Gửi về mẹ, cả một bầu trời nhung nhớ rộng yêu thương!"

Trên ngực trái bà Hằng (75 tuổi) là một bông hoa trắng. Mẫu thân, phụ thân bà đều qua đời cách đây chừng mười năm. Từ đó, bà bắt đầu tới chùa Bằng thắp hương khấn vái, những cầu mong cho cha mẹ được yên nghỉ ở cõi vĩnh hằng. "Nhớ bố nhớ mẹ lắm chứ, cảm giác rất buồn. Ai còn cha còn mẹ thì vui lắm!"

Những ai cài lên ngực bông hoa trắng đều đau lòng rơi nước mắt khi nhớ về cha mẹ

Những ai cài lên ngực bông hoa trắng đều đau lòng rơi nước mắt khi nhớ về cha mẹ

Bà Hằng hệt như một đứa trẻ con khi nhắc tới cha mẹ mình. Đôi mắt sáng rực, miệng cười chúm chím. Dù trước đó chỉ vài phút thôi, dưới hàng ghế của các phật tử khuôn mặt bà in hằn những giọt nước mắt.

Năm nào vào dịp lễ Vu Lan báo hiếu, bà Hằng lại cuốc bộ từ nhà tới chùa Bằng. Bà khẽ đặt lên ngực trái một bông hoa trắng. "Bố mẹ khi còn sống khoẻ mạnh lắm dù khi đấy 2 cụ đều đã gần 90. Nhưng mà kiếp người không ai đoán trước được...".

Lễ tan, bà Hằng theo người bạn hàng xóm dắt tay nhau đi về. Bà để bông hoa trắng ở chùa, như đặt lại một niềm thương nỗi nhớ, còn trong tim vẫn mãi mãi hình bóng mẹ cha.

"Ðố ai đếm được lá rừng,

Ðố ai đếm được mấy từng trời cao.

Ðố ai đếm được những vì sao,

Ðố ai đếm được công lao mẫu từ".

Empty
Dù già hay trẻ, những giọt nước mắt đều rơi khi nhắc tới cha mẹ

Dù già hay trẻ, những giọt nước mắt đều rơi khi nhắc tới cha mẹ

Chị Quỳnh (30 tuổi, pháp danh Hoa Hạnh) là cựu phật tử tại chùa Bằng. Cả nhà chị, từ bố mẹ tới chồng con đều đã quy y cửa Phật. Dù thành viên bé nhất chưa đến 2 tuổi, nhưng mùa Vu Lan năm nay đã được chị bế ẵm tới chùa Bằng.

Mỗi mùa Vu Lan, chị Quỳnh lại có cảm xúc riêng. Nhưng chung quy lại đều là xúc động! Dù hiếu kính cha mẹ không phải chỉ riêng một ngày Vu Lan, nhưng cứ đến ngày này chị đều cảm thấy "có lỗi" với cha mẹ mình. Chẳng ai tránh được có những lúc khiến cha mẹ buồn, cha mẹ muộn phiền. Chị Quỳnh mong con cái - thế hệ sau chị cũng sẽ hiểu được phần nào.

"Có thể ngày thường chúng ta không để ý, nhưng mỗi khi nghĩ đến những bậc sinh thành, mình lại mong họ tha thứ cho những lỗi lầm. Năm nào những dịp thế này, mình đều cố gắng đưa các cháu đến".

Con dù lớn vẫn là con của mẹ...

Con dù lớn vẫn là con của mẹ...

Cuộc sống sẽ luôn tấp nập và xô đẩy chúng ta đến một chân trời nào đó cũng chẳng rõ, nhưng mà, cha mẹ vẫn mãi là bờ vai vững chắc. Nếu có thể, hãy biến mọi ngày trong năm đều là ngày Vu Lan báo hiếu. Vì suy cho đến cùng, chúng ta chẳng thể sống mãi bên cạnh cha mẹ. Bởi thế hãy biết trân quý những phút giây quý giá khi còn có thể.

"Đêm đêm con thắp đèn trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con".

Empty
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc