1. Những loại virus nguy hiểm với con người
Ebola
Loại virus khủng khiếp này lần đầu tiên bùng phát ở Cộng hòa Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1976. Nó có nhiều chủng khác nhau và gây ra mức độ chết khác nhau.
Một số không tạo ra triệu chứng nào, nhưng chủng Bundibugyo có tỷ lệ tử vong lên tới 50% và tỷ lệ tử vong của chủng Sudan lên tới 71%.
Virus tấn công hệ thống miễn dịch và làm giảm mức độ của các tế bào đông máu. Điều này khiến bệnh nhân bị chảy máu không kiểm soát và cuối cùng là xuất huyết đến chết.
Vụ dịch lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử bắt đầu ở Tây Phi vào đầu năm 2014 và kéo dài đến năm 2016.
SARS
SARS-CoV tạo ra một trận khủng hoảng trên thế giới từ năm 2002 – 2003. Đây là loại virus có nguồn gốc từ Trung Quốc trước khi lan sang 26 quốc gia trên thế giới, lây nhiễm hơn 8000 người và giết chết hơn 770 người trong 2 năm.
Bệnh gây sốt, ớn lạnh và đau nhức cơ thể, có thể biến thành viêm phổi. SARS có tỷ lệ tử vong ước tính là 9,6% và không có thuốc điều trị hoặc vắc-xin được phê duyệt.
Virus Marburg
Tương tự như Ebola, virus Marburg có thể gây sốt xuất huyết, trong đó bệnh nhân bị chảy máu đến chết và bị suy nội tạng.
Virus này được xác định vào năm 1967 khi các nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với với những con khỉ được nhập khẩu từ Uganda.
Tỷ lệ tử vong trong đợt bùng phát đầu tiên là 25%, nhưng đã tăng lên hơn 80% trong đợt bùng phát 1998-2000 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, và năm 2005 ở Angola.
Sốt xuất huyết
Mỗi năm có từ 50 – 100 triệu người bị bệnh sốt xuất huyết. Căn bệnh này bắt nguồn từ Philippines và Thái Lan vào những năm 1950. Mặc dù tỷ lệ tử vong tương đối thấp khoảng 2,5% nhưng nó nếu không được điều trị kịp thời thì khả năng tỷ vong cao.
Điều đáng sợ nhất về sốt xuất huyết là nó sẽ trở nên phổ biến hơn khi trái đất nóng dần. Nguyên nhân là sự thay đổi khí hậu khiến muỗi phát triển mạnh trong môi trường ấm hơn. Một số quốc gia đã tiêm vắc-xin sốt xuất huyết cho những người trong độ tuổi từ 9 đến 45.
HIV
Khoảng 32 triệu người đã chết vì HIV hoặc mắc phải hội chứng suy giảm miễn dịch (AIDS), có thể phát triển sau khi hệ thống miễn dịch bị virus làm suy yếu.
Lần đầu tiên HIV được xác nhận vào đầu những năm 1980, sau khi những người đồng tính nam bắt đầu chết vì một căn bệnh bí ẩn, nó tiếp tục tàn phá cộng đồng LGBT cũng như những người sử dụng ma túy.
Nó có thể lây lan qua quan hệ tình dục không được bảo vệ, dùng chung kim tiêm và từ mẹ sang con trong khi mang thai hoặc cho con bú.
Thuốc kháng virus mạnh mẽ hiện nay cho phép người nhiễm HIV sống cuộc sống bình thường, nhưng virus này đã gây ra sự tàn phá các quốc gia đang phát triển không được tiếp cận với các loại thuốc cứu sống.
Ở châu Phi, tỷ lệ người trưởng thành bị nhiễm HIV là cứ 25 người sẽ có 1 người mắc bệnh, theo WHO.
2. Vì sao virus corona lần này đáng sợ?
Viêm phổi
Đợt dịch này diễn ra quá ào ạt, các nhà khoa học vẫn còn đang tìm hiểu mối quan hệ giữa nCoV và viêm phổi trước khi đưa ra một báo cáo thật chính xác đến không ai bắt bẻ được. Trong lúc đó, bài báo đề xuất ta nên học hỏi lại từ các trường hợp viêm phổi trong cúm thông thường do influenza.
Influenza là một virus gây cúm mùa. Thường sau khi nhiễm influenza, người ta sẽ sốt, sổ mũi, ho và nhiều người sau đó viêm phổi, được coi là một nhiễm trùng thứ phát. Người ta cho rằng đó là do virus influenza làm yếu cơ chế bảo vệ thông thường của phổi, khiến các vi khuẩn khác có thể ăn theo mà tràn vào, nhân rộng. Điều này đặc biệt đúng với trẻ nhỏ, người già yếu hoặc những người có hệ miễn dịch vốn ọp ẹp sẵn.
Cúm mùa do influenza không quá nghiêm trọng, nhưng viêm phổi thứ phát do vi khuẩn sau đó mới là đáng sợ. Trong số bệnh nhân cúm nặng nhập viện rồi viêm phổi, có đến 10% tử vong, so với tỉ lệ tử vong 2% của người cúm nặng mà không viêm phổi. nCoV có vẻ đã gây viêm phổi theo hai cách: một là virus chiếm lấy mô phổi như đã nói ở trên, và hai là thông qua nhiễm tiếp một vi khuẩn khác. Tuy nhiên, cách đầu có vẻ phổ biến hơn.
Nhiễm trùng huyết
Khi bị nhiễm trùng, hệ miễn dịch trong cơ thể phát động một chiến dịch chống trả tác nhân gây bệnh. Nhưng đôi lúc hệ miễn dịch đánh mạnh quá khiến chính các nội tạng bị tổn hại và suy sụp. Đây là điều vẫn xảy ra trong nhiễm trùng huyết.
Mặc dù các báo cáo ban đầu cho thấy khoảng 11% bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán nặng là có nhiễm trùng huyết với suy đa tạng, nhưng cho tới nay người ta vẫn chưa xác định chính xác trong viêm phổi Vũ Hán, việc nội tạng bị tổn hại là do virus trực tiếp gây ra hoặc do hệ miễn dịch phản ứng quá đà.
Hiện tại chưa có thuốc men hay can thiệp đặc hiệu nào cho tình trạng này ở viêm phổi Vũ Hán. Người ta đã áp dụng nhiều biện pháp điều trị khác nhau, nhưng số người tử vong vẫn tiếp tục mỗi ngày.